📞

Quảng Ninh chuyển mình mạnh mẽ từ phát triển dịch vụ

11:17 | 24/11/2018
Việc phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế đang là bước đi đúng hướng của Quảng Ninh hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh dịch vụ - công nghiệp hiện đại vào năm 2020, từng bước trở thành trung tâm dịch vụ hàng đầu cả nước.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 là tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp. Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh đầu tháng 9/2018 cũng chỉ rõ: Định hướng chiến lược phát triển của tỉnh Quảng Ninh là đẩy mạnh dịch vụ, du lịch, thương mại; phấn đấu trở thành một trong những trung tâm dịch vụ - du lịch - thương mại hiện đại, lớn nhất trong cả nước, thu hút các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế đến đầu tư, kinh doanh; là điểm đến hấp dẫn hàng đầu của các du khách quốc tế có khả năng chi tiêu cao khi đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Bứt phá từ dịch vụ du lịch

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh tăng 10,3%, tăng cao so với bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ từ 41,2% lên 42,9%. Đây là bước tăng trưởng có tính đột phá tạo tiền đề để tỉnh hoàn thành vượt mức các mục tiêu đề ra.

Trong nhóm ngành dịch vụ, dịch vụ từ du lịch được đánh giá là bứt phá khi số lượng du khách và nguồn thu không ngừng tăng lên. Trong 2 năm 2016-2017, tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh đạt trên 18,2 triệu lượt, tăng bình quân 12,7%/năm, trong đó, khách quốc tế đạt 7,8 triệu lượt và tổng doanh thu ngành du lịch 2 năm đạt trên 31.185 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2018, tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 12 triệu lượt, tổng doanh thu ước đạt 22.800 tỷ đồng. Ngành du lịch của Quảng Ninh đã tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. 

Thương hiệu du lịch Hạ Long - Quảng Ninh mang tầm quốc tế đã được định vị từ xây dựng những sản phẩm du lịch, dịch vụ đẳng cấp quốc tế. (Nguồn: Báo Quảng Ninh)

Quảng Ninh hiện sở hữu hàng loạt khu du lịch, nghỉ dưỡng được đầu tư đồng bộ, hiện đại tầm cỡ quốc tế, trong đó phải kể đến “đảo ngọc” Tuần Châu, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng 5 sao Vinpearl Hạ Long Bay Resort, Công viên giải trí Sun World Hạ Long, Tổ hợp Dự án Công viên Đại Dương Hạ Long, Khu đô thị biển Vinhomes Dragon Bay…

Đặc biệt, thương hiệu du lịch Hạ Long - Quảng Ninh mang tầm quốc tế đã được định vị từ xây dựng những sản phẩm du lịch, dịch vụ đẳng cấp quốc tế, từ tính kết nối giữa các tour, tuyến, điểm, khu du lịch, sản phẩm du lịch để gia tăng giá trị của chuỗi sản phẩm hiện nay, từ xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược marketing một cách chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh du lịch. Môi trường du lịch được đề cao từ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đến người dân, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.

Phát triển dịch vụ mũi nhọn logistics

Bên cạnh lĩnh vực du lịch thì dịch vụ logistics - một thế mạnh của Quảng Ninh đang được điều chỉnh chiến lược phát triển mới theo hướng gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước.

Đầu tư phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị tăng cao theo hướng gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, gắn với phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin. 

Với quyết tâm tạo đổi mới dịch vụ từ cơ sở hạ tầng, chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt dự án trọng điểm của Quảng Ninh đã được đẩy nhanh tiến độ. Mới đây, nhiều công trình hạ tầng quan trọng vừa được triển khai và đưa vào sử dụng, như: đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng khách quốc tế Hạ Long, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn... đã mở ra những tuyến giao thông huyết mạch phục vụ phát triển du lịch và vận tải hàng hóa.

Đó là chưa kể những dự án giao thông, đô thị hiện đại, như: đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả... sắp được khởi công sẽ góp phần cải thiện đáng kể diện mạo giao thông đô thị nội tỉnh và nâng tầm chất lượng phục vụ du lịch.

Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, một trong những giải pháp trọng tâm phát triển logistics mà Quảng Ninh đã thực hiện xuyên suốt đó là cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hoá các thủ tục, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Trong đó, tỉnh đã triển khai thủ tục hải quan điện tử nhằm hỗ trợ người khai hải quan thực hiện khai báo mọi nơi, mọi lúc, mọi phương tiện; rút ngắn thời gian thông quan/giải phóng hàng hóa còn 36 giờ đối với hàng xuất khẩu, 41 giờ đối với hàng nhập khẩu; triển khai chữ ký số cho 100% doanh nghiệp làm thủ tục hải quan trên địa bàn tỉnh…

Quảng Ninh là một trong những địa phương đi tiên phong trong việc ban hành kế hoạch chuyên biệt về phát triển logistics đến năm 2025. (Nguồn: mt.gov.vn)

Đáng chú ý, Quảng Ninh là một trong những địa phương đi tiên phong trong việc ban hành kế hoạch chuyên biệt về phát triển logistics đến năm 2025. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 14/KH-UBND về việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Kế hoạch cho thấy nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của logistics đối với kinh tế - xã hội địa phương Quảng Ninh. Đây sẽ là “kim chỉ nam” để đến năm 2020, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics đạt từ 16-18% vào ngành dịch vụ của tỉnh, đạt từ 6-7% GRDP; đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics đạt từ 18-20% vào ngành dịch vụ, đạt từ 8-10% GRDP của tỉnh.

Đồng thời, hình thành 6 trung tâm logistics gồm: Trung tâm logistics Cái Lân (Hạ Long); Trung tâm logistics Vân Đồn, kết nối chuỗi cảng hàng không Vân Đồn - cảng Hòn Nét (TP Cẩm Phả); Trung tâm logistics Quảng Yên; Trung tâm logistics khu hợp tác kinh tế Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc); Trung tâm logistics Hải Hà; Trung tâm logistics Bình Liêu.