Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền năm 2024 tại tỉnh Quảng Ninh. (Nguồn: BTC) |
Tham dự Hội nghị có khoảng 104 đại biểu đại diện các Sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh và đại biểu trong lực lượng công an trong tỉnh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thượng tá Phạm Văn Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo nhân quyền tỉnh khẳng định, trong những năm qua, thực hiện các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của Văn phòng Thường trực nhân quyền của Chính phủ, công tác bảo đảm và đấu tranh về nhân quyền tại tỉnh Quảng Ninh đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Nhân dân đã được thụ hưởng đầy đủ, phát huy cao nhất các quyền cơ bản của con người trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Năm 2024 tổng thu ngân sách nhà nước dự kiến đạt 100% dự toán, thu hút FDI nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước; tổng khách du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt 19 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng chi an sinh xã hội tăng 23% so với cùng kỳ, tạo việc làm tăng thêm cho 31.350 lượt người lao động, đạt 104% kế hoạch năm; chất lượng y tế, chất lượng dân số được chú trọng nâng cao; lĩnh vực giáo dục, đào tạo có nhiều thành tích cao.
Lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước được nâng lên rõ nét, khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy (năm 2023, qua điều tra xã hội học cho thấy chỉ số tăng từ 73,3 % năm 2016 lên 95,6% ).
Các chủ trương, chính sách liên quan đến quyền con người đã được các cấp, các ngành quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả cao, đồng thời đã có những giải pháp phù hợp trong đấu tranh, xử lý các vụ việc liên quan đến quyền con người nổi lên trên địa bàn tỉnh, từ đó chủ động làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá Việt Nam, góp phần ổn định an ninh chính trị ở địa phương.
Thượng tá Phạm Văn Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo nhân quyền tỉnh Quảng Ninh phát biểu khai mạc Hội nghị. (Nguồn: BTC) |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo nhân quyền tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác bảo đảm và đấu tranh về nhân quyền ở địa phương. Cụ thể là một số sở, ban, ngành và địa phương còn chưa quan tâm, chậm triển khai các văn bản của Đảng, Nhà nước và Ban chỉ đạo tỉnh về công tác nhân quyền. Công tác thông tin tuyên truyền về nhân quyền chưa có nhiều đổi mới về hình thức, nội dung, tạo sự lan tỏa, thu hút. Ngoài ra, một số bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt ở các cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và thống nhất về công tác nhân quyền, chưa thấy hết những thành tựu, kết quả mà ta đã đạt được trong việc bảo đảm quyền con người cũng như những âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá.
Theo Thượng tá Phạm Văn Dũng, trước tình hình an ninh thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay, vấn đề dân chủ, nhân quyền được xem là mục tiêu, phương diện để các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc chống Đảng, Nhà nước, đặc biệt là trong giai đoạn chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đảng toàn quốc. Do đó, việc tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác nhân quyền trong tình hình mới cho cán bộ, đảng viên các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và địa phương là yêu cầu khách quan cần thiết, nhất là cán bộ chủ chốt, chuyên trách thực hiện công tác bảo đảm và đấu tranh về nhân quyền trong giai đoạn hiện nay.
Đại tá Nguyễn Thị Thanh Hương, Văn phòng Thường trực về Nhân quyền Chính phủ, báo cáo viên của Hội nghị. (Nguồn: BTC) |
Tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng phòng Chuyên đề Nhân quyền, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền cho biết thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo. Dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo vẫn là hướng chủ đạo mà các thế lực phản động, thù địch khai thác để gây sức ép, kích động số đối tượng chống đối.
Chính vì vậy, công tác bảo đảm quyền con người và đấu tranh vô hiệu hoá hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài và cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị các cấp. Công tác nhân quyền phải kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trên cơ sở bảo đảm tốt nhất quyền của người dân. Đặc biệt trong giai đoạn giữa nhiệm kỳ 2023-2025 thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia sâu hơn trong công tác thúc đẩy đối thoại, hợp tác về nhân quyền, thúc đẩy các cam kết để tái ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028.
Tại Hội nghị tập huấn các đại biểu đã nghe các báo cáo viên trình bày hai chuyên đề gồm: Bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo; nhận diện hoạt động lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chống phá Việt Nam của các thế lực thì địch; công tác đấu tranh của ta; và Công tác nhân quyền trong tình hình mới.
Thiếu tướng Bùi Thanh Hà, Nguyên Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an, báo cáo viên của Hội nghị. (Nguồn: BTC) |
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Thượng tá Phạm Văn Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo nhân quyền tỉnh khẳng định, Hội nghị đã cung cấp những thông tin thiết thực, trao đổi những bài học, kinh nghiệm thực tế và nêu ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm và đấu tranh về nhân quyền trong tình hình hiện nay.
Để công tác bảo đảm và đấu tranh về nhân quyền trong thời gian tới đạt được kết quả cao, đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo nhân quyền tỉnh đề nghị các đồng chí đại biểu cần tiếp thu, quán triệt thực hiện các nội dung mà báo cáo viên đã nêu về các giải pháp, công tác trọng tâm để bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền con người trong thời gian tới.
Sau Hội nghị này, lãnh đạo các đơn vị, địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện tốt chính sách tôn giáo, dân tộc; chính sách đối với người có công… để bảo đảm tốt hơn các quyền con người, làm cơ sở, nền tảng vững chắc cho công tác bảo đảm và đấu tranh về nhân quyền; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về công tác nhân quyền cho cán bộ, đảng viên đơn vị, địa phương mình. Trong đó, phải chú ý đến việc lựa chọn nội dung, hình thức tập huấn phù hợp với từng đối tượng, không để lộ, lọt các thông tin, tài liệu mang bí mật nhà nước.