Công ty TNHH một thành viên Bến xe Bến tàu Quảng Ninh là một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả sau cổ phần hóa. |
Mới đây, tại buổi làm việc với các sở, ban, ngành, doanh nghiệp về tình hình sắp xếp, đổi mới DNNN thuộc Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch Nguyễn Đức Long đã yêu cầu các cơ quan liên quan nhanh chóng vào cuộc, đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu DNNN. Theo đó, tất cả các sở ngành, doanh nghiệp cần nêu cao quyết tâm thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, đề cao vai trò người đứng đầu các công ty; tổ chức công đoàn cần quán triệt sâu sắc đến các công đoàn cơ sở, người lao động về chủ trương của tỉnh...
Phát hiện điểm nghẽn
Từ năm 2012, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc UBND tỉnh, Quảng Ninh đã thực hiện kế hoạch đổi mới, sắp xếp, tái cơ cấu 19 doanh nghiệp. Trong đó, duy trì năm doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, cổ phần hóa 14 doanh nghiệp, thực hiện bán một bộ phận doanh nghiệp.
Trong số năm doanh nghiệp thực hiện duy trì 100% vốn nhà nước, bốn doanh nghiệp đã được phê duyệt Đề án củng cố, tái cơ cấu để tổ chức lại, xác định ngành nghề kinh doanh. Doanh nghiệp còn lại là Công ty TNHH Lâm nghiệp Đông Triều đang xây dựng Đề án duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu năm 2015. Trong số 14 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, có ba doanh nghiệp đã thực hiện xong, bốn doanh nghiệp sẽ thực hiện xong trong năm 2015, bảy doanh nghiệp sẽ thực hiện trong giai đoạn 2015-2017.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2014-2015, bốn doanh nghiệp đang thực hiện cổ phần hóa là các công ty TNHH một thành viên như Công ty Quản lý đường thủy Quảng Ninh, Cầu phà Quảng Ninh, Bến xe Bến tàu Quảng Ninh và Đăng kiểm xe cơ giới đường bộ Quảng Ninh vẫn còn những vướng mắc về việc giải quyết chế độ hoặc sắp xếp việc làm cho những lao động dôi dư. Nhóm doanh nghiệp đã thực hiện xong cổ phần hóa nhưng phải thoái vốn cũng chưa bán đủ vốn nhà nước theo tỷ lệ đã được phê duyệt và khó khăn trong xác định giá trị doanh nghiệp. Đối với nhóm các công ty thủy lợi, những khó khăn chủ yếu là vấn đề định mức kinh tế kỹ thuật, trong khi đó mỗi năm, tỉnh vẫn phải cấp cho các công ty này hàng chục tỷ đồng.
Những vướng mắc này được xác định là do các đơn vị quản lý chưa thực sự quyết liệt để tháo gỡ cho các doanh nghiệp trực thuộc. Trong đó, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn chưa theo sát các công ty lâm nghiệp để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc; các công ty thủy lợi cũng chưa chủ động thực hiện các công việc liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp.
Tìm hướng cải cách hiệu quả
Để đảm bảo tiến độ sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu các DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp phải thể hiện rõ quyết tâm chính trị, cùng với đó tổ chức công đoàn từ tỉnh đến các doanh nghiệp phải làm tốt công tác tuyên truyền cho người lao động, đảm bảo hết năm 2016, toàn bộ các DNNN của tỉnh thực hiện xong việc cổ phần hóa. Riêng bốn doanh nghiệp thuộc Sở Giao thông Vận tải phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2015 không được chậm tiến độ. Cụ thể: Công ty Bến xe Bến tàu đã xác định giá trị doanh nghiệp, khi xây dựng phương án cổ phần hóa phải đảm bảo nhà nước không nắm cổ phần. Công ty phải đặc biệt quan tâm sắp xếp lại lao động, riêng hai cảng Cái Rồng và Cô Tô, ngành giao thông vận tải phải giao cho đơn vị khác quản lý, khai thác hiệu quả.
Đối với Công ty cầu, phà Quảng Ninh, tỉnh sẽ có văn bản với Tổng cục đường bộ giải quyết dứt điểm khoản kinh phí phải thu của Tổng cục là trên 1,6 tỷ đồng . Các nội dung đề xuất của công ty, các ngành chức năng hỗ trợ công ty để thực hiện cổ phần hóa xong trong năm 2015.
Công ty Quản lý đường thủy đang vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng, giao cho Sở Xây dựng đề xuất hướng xử lý cụ thể báo cáo UBND tỉnh giải quyết. Đối với Công ty đăng kiểm phương tiện xe cơ giới, trong tháng 12 phải phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Với nhóm các công ty phải thoái vốn sau cổ phần hóa, các sở ngành sớm hỗ trợ các công ty triển khai phương án thoái vốn để đảm bảo tỷ lệ nhà nước nắm 75%.
Riêng các công ty lâm nghiệp, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về tiến độ cổ phần hóa các công ty này, phối hợp với các ngành, địa phương rà soát lại tỷ lệ đất rừng để giao cho các công ty và đảm bảo tỷ lệ giao cho dân quản lý, sản xuất. Toàn bộ các công ty thuộc ngành nông nghiệp trong năm 2016 phải thực hiện xong việc cổ phần hóa.
Đối với các công ty thủy lợi, yêu cầu các ngành liên quan xem xét lại mô hình hoạt động để đưa ra một mô hình mới, hoạt động hiệu quả hơn, giảm chi ngân sách nhà nước cho các công ty này.
Thanh Hằng