Quảng Ninh cũng là một trong 5 địa phương đứng đầu trong bảng xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử cấp tỉnh, bao gồm Thừa Thiên - Huế (0,727 điểm); TP. Đà Nẵng (0,716 điểm); Lâm Đồng (0,714 điểm); Quảng Ninh (0,703 điểm); TP. Hồ Chí Minh (0,688 điểm). Đứng cuối cùng bảng xếp hạng này là Lai Châu (0,356 điểm), tiếp đó là Bình Phước (0,388 điểm); Kon Tum; (0,432 điểm); Sóc Trăng (0,445 điểm); Hậu Giang (0,448 điểm).
Kết quả nghiên cứu của VDCA cũng cho thấy, bức tranh dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh có nhiều điểm mâu thuẫn. Cụ thể, năm 2017 đã cung cấp 22.707 dịch vụ công mức 3 – 4, tăng 99% so với năm trước. Tuy vậy, số lượng dịch vụ có hồ sơ trực tuyến là 2.620, giảm 69,7% so với năm trước.
Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều dịch vụ công trực tuyến nhưng hiệu quả đo bằng số hồ sơ trực tuyến phát sinh lại thấp, ví dụ như Nghệ An. Tỉnh có nhiều dịch vụ công trực tuyến, số lượng hồ sơ phát sinh tương đối cao như Huế. Tỉnh có số dịch vụ công trực tuyến không cao nổi bật nhưng số hồ sơ trực tuyến phát sinh rất cao như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, do dân số cao, nhu cầu nhiều.
Công tác ứng dụng CNTT trong xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh Quảng Ninh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. (Nguồn: Báo Quảng Ninh) |
Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã đưa ra chỉ số PASP – hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến. PASP được tính toán dựa trên tổng số hồ sơ trực tuyến giải quyết trong năm và số dân. Chỉ số này loại bỏ được tác động của số dịch vụ công trực tuyến và số dân, tăng khả năng đánh giá của chỉ số hồ sơ trực tuyến giải quyết trong năm.
Theo đó, 10 tỉnh có chỉ số PASP quy đổi cao nhất gồm: Hà Nội; Lâm Đồng; Đà Nẵng; Ninh Thuận; TP. Hồ Chí Minh; Lào Cai; Cần Thơ; Hà Nam; Khánh Hòa; Thừa Thiên Huế.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) cho biết, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử hiện đang được xây dựng dựa trên 6 nhóm tiêu chí đánh giá với 3 nhóm đối tượng: Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính phủ; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sáu nhóm tiêu chí được lượng hóa và chia trọng số thích hợp trên cơ sở nguồn thông tin dữ liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông gồm: hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan; trang/Cổng thông tin điện tử; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng công nghệ thông tin; nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin.