Ngày 27/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức lễ công bố “Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021”.
Chỉ số PCI do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Báo cáo PCI 2021 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 11.312 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.127 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và 1.185 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 22 địa phương tại Việt Nam.
Phát biểu tại lễ công bố, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh, PCI 2021 công bố ngày 26/4 là năm thứ 17 liên tiếp, kể từ năm 2005.
"17 năm vừa qua là 17 năm của sự bền bỉ, nỗ lực, 17 năm của những đánh giá khách quan, trung thực và 17 năm hành động để cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Điểm số PCI ngày càng nâng cao. Điểm số các tỉnh cách nhau không lớn dù xa nhau về số hạng”, ông Công cho hay.
Quảng Ninh khẳng định sức hút, lần thứ 5 liên tiếp dẫn đầu toàn quốc về điểm số PCI. (Ảnh: Vân Chi) |
Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu
Trong bảng xếp hạng được công bố năm nay, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Tháp là những địa phương trong nhóm dẫn đầu được đánh giá cao về chất lượng điều hành kinh tế với số điểm lần lượt 73,02; 70,61; 70,53; 70,42. Đây cũng là những địa phương có những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế và kiểm soát dịch bệnh, theo đánh giá của doanh nghiệp.
Chỉ số PCI có thang điểm 100 và được tính từ tổng điểm 10 chỉ số thành phần. Theo đó, dẫn đầu PCI 2021 là Quảng Ninh với 73,02 điểm. Đây là lần thứ 5 liên tiếp địa phương này dẫn đầu toàn quốc về điểm số PCI. Cũng trong năm nay, Quảng Ninh là tỉnh duy nhất được xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế "Rất tốt".
Kết quả này có được là nhờ những nỗ lực đặc biệt của Quảng Ninh, khi chính quyền tỉnh này đã luôn duy trì tinh thần chủ động, quyết liệt và đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành.
"Trong năm 2021 dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vẫn duy trì quyết tâm cải thiện chất lượng điều hành của địa phương mình qua việc ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030", báo cáo PCI 2021 đánh giá.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục nỗ lực rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính để giảm 40-50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định.
Hệ thống Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện đều thống nhất cơ chế làm việc theo nguyên tắc 5 tại chỗ (tiếp nhận - thẩm định - phê duyệt - đóng dấu - trả kết quả).
Tính đến hết tháng 2/2022, Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Ninh đã cung cấp được 1.712 dịch vụ ở mức độ 3 và mức độ 4 trong tổng số 1.831 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 1.387 thủ tục, tương đương 75% số dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
Tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với tỷ lệ áp dụng dịch vụ công trực tuyến của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, với tỷ lệ trung bình khoảng 48%. Những nỗ lực thực chất của tỉnh Quảng Ninh đã giúp địa phương đứng đầu ở hai chỉ số thành phần của PCI 2021 là Chi phí gia nhập thị trường (7,98 điểm) và Chi phí thời gian trong giải quyết thủ tục hành chính (8,52 điểm).
Bên cạnh đó, quán quân PCI 2021 cũng đang hiện thực hóa cam kết đồng hành, lắng nghe và giải quyết hiệu quả các khó khăn của doanh nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đề ra phương châm "5 thật" để các cơ quan nhà nước và cán bộ trong tỉnh thực hiện, đó là phải ứng xử chân thành để doanh nghiệp suy nghĩ thật - doanh nghiệp nói thật - chính quyền hành động thật - các nỗ lực của tỉnh có kết quả thật - và người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật.
Nhìn tổng thể , chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương trong năm qua có sự cải thiện theo thời gian. Điểm PCI gốc năm 2021 đạt 65,53 điểm, cao hơn 1,6 điểm so với điểm PCI gốc 2020 và liên tục tăng từ năm 2017 cho đến năm 2021.
Chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh cải thiện
Kết quả điều tra PCI năm 2021 cho thấy, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do dịch Covid-10, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện theo thời gian. Cải cách hành chính có chuyển biến tích cực, với hiệu quả và hiệu lực thực thi tại các cấp địa phương gia tăng.
Những nỗ lực phòng chống tham nhũng đang phát huy tác dụng trong việc giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.
Dù vậy, chính quyền các tỉnh vẫn cần đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng, tập trung cải cách trong các lĩnh vực thuế, đất đai, bảo hiểm xã hội, môi trường, xây dựng, phòng cháy và quản lý thị trường.
Các thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện cần là trọng tâm cải cách trong thời gian tới, khi gánh nặng chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp còn lớn. Đồng thời, cần triển khai hiệu quả hơn các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới.
Bên cạnh việc đánh giá về chất lượng điều hành và môi trường kinh doanh tại các địa phương, Báo cáo PCI 2021 còn đi sâu tìm hiểu về những thách thức mà các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI phải đối mặt, cách thức ứng phó đối với dịch bệnh Covid-19 cũng như đánh giá của họ về các biện pháp phòng chống dịch do các chính quyền địa phương triển khai.
Từ những phân tích về các yếu tố thúc đẩy khả năng chống chịu và khả năng phát triển của doanh nghiệp, Báo cáo PCI 2021 cho thấy các chính sách trợ giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch cần được thiết kế sát với nhu cầu và khả năng phát triển của từng nhóm doanh nghiệp mới có thể phát huy hiệu quả kỳ vọng.
Điều tra doanh nghiệp FDI cũng ghi nhận những cải thiện tích cực trong môi trường kinh doanh Việt Nam. Gánh nặng thanh, kiểm tra đã giảm, cùng với những chuyển biến tương đối tích cực trong cải cách thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực.
Gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục xu hướng giảm. Chất lượng lao động và chất lượng cơ sở hạ tầng cũng có những cải thiện tương đối rõ rệt theo thời gian.
Song báo cáo nhận định, để duy trì sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần tập trung cải cách những lĩnh vực thủ tục hành chính về thuế, phòng cháy, xuất nhập khẩu, đăng ký đầu tư và bảo hiểm xã hội.
Việt Nam cũng cần tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục triển khai dự án đầu tư có công trình xây dựng, cụ thể là cấp phép xây dựng, thẩm duyệt phòng cháy, đánh giá tác động môi trường.
Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực cần tiếp tục đẩy mạnh, đặc biệt trong một số lĩnh vực như xuất nhập khẩu, thanh kiểm tra, thủ tục tố tụng tòa án và thủ tục hành chính đất đai. Cùng với việc tiếp tục cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng, Việt Nam cũng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.