Hiện tại, Quảng Ninh tập trung phát triển phát triển công nghiệp, xây dựng để bù đắp thiếu hụt cho các ngành bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Hình ảnh khu công nghiệp cảng biển Hải Hà. (Nguồn: BQN) |
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế của Quảng Ninh. Trong đó, không chỉ du lịch, xuất nhập khẩu, dịch vụ vận tải là những ngành đang chịu tác động trực tiếp; nông - lâm - thủy sản, thương mại nội địa, đầu tư phát triển doanh nghiệp và ngành sản xuất công nghiệp là những ngành gián tiếp bị ảnh hưởng từ đại dịch.
Nhận diện trụ cột kinh tế mới
Theo thống kê của Sở Kế hoạch & Đầu tư Quảng Ninh, trong quý I/2020, 5/7 chỉ tiêu phát triển kinh tế không đạt theo kịch bản tăng trưởng năm 2020 của tỉnh. Trong đó, ngành du lịch, dịch vụ chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Hầu hết tốc độ tăng trưởng của 2 ngành đều giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, lượng khách du lịch giảm 64%, doanh thu du lịch giảm 62%; kim ngạch xuất khẩu giảm 12%; dịch vụ vận tải hàng hóa giảm 2%. Dù đã được dự báo trước và chuẩn bị phương án, kịch bản ứng phó với dịch bệnh nhưng ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 vẫn là “cú sốc” lớn đối với trụ cột kinh tế Quảng Ninh những năm gần đây.
Bên cạnh du lịch, dịch vụ và các ngành công nghiệp, xây dựng của Tỉnh cũng nằm trong danh sách những đối tượng bị tác động bởi dịch bệnh. Một số doanh nghiệp công nghiệp, xây dựng hiện đã phải tạm dừng hoạt động một phần hoặc kéo dãn tiến độ sản xuất do bị gián đoạn nguồn cung từ thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, nếu so với các ngành trong khu vực dịch vụ thì công nghiệp, xây dựng hiện đang được coi là điểm sáng trong "bức tranh" tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Quảng Ninh. Hai ngành này được đánh giá là bị ảnh hưởng gián tiếp hoặc ít bị ảnh hưởng hơn.
Trong quý I/2020, giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,6%. Một số ngành có mức tăng cao như khai khoáng tăng 9,2%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,6%, công nghiệp sản xuất phân phối điện tăng 10,2%. Có 3 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp xin cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng số vốn thu hút đầu tư đạt 817 tỷ đồng.
Tại thời điểm này, hai khu vực kể trên vẫn có nhiều dư địa phát triển và lợi thế để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh trong năm nay. Nhận diện được lợi thế này, Quảng Ninh đã nhanh chóng chuyển trạng thái phát triển kinh tế, duy trì đà tăng trưởng từ lấy du lịch, dịch vụ làm trụ cột sang tập trung mạnh cho hai ngành công nghiệp, xây dựng, để tạo bứt phá trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến khó lường.
Quảng Ninh xác định tập trung cho các ngành sản xuất công nghiệp truyền thống của tỉnh là than và nhiệt điện. (Nguồn: BQN) |
Khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực
Dù được xem là điểm sáng của kinh tế song hai ngành này cũng chịu những tác động do dịch Covid-19 gây ra như việc thiếu nguồn cung từ thị trường nước ngoài hay thiếu nguồn lao động. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển còn nhiều nút thắt nếu không được tháo gỡ kịp thời sẽ khó tạo được đột phá.
Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng đã tập trung chỉ đạo các ban, ngành chủ động, linh hoạt trong tìm các giải pháp để khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực để đảm bảo cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp, xây dựng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đó là phối hợp với ngành Than để làm việc với Trung ương tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc trong việc cấp quyền khai thác khoáng sản, tăng sản lượng khai thác, tăng nhập khẩu trang thiết bị phục vụ cho sản xuất than qua các cửa khẩu của Quảng Ninh.
Đối với ngành sản xuất xi măng, cần điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng tăng sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh tại địa phương; đối với các nhà máy sản xuất điện, làm việc trực tiếp tính toán sản lượng điện lên lưới và cơ cấu số thuế nộp; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án động lực của tỉnh và dự án trọng điểm; rà soát thủ tục kịp thời điều chỉnh đảm bảo việc sản xuất, lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới ngay sau khi hết dịch.
Đồng thời, Tỉnh đã làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc nhằm đảm bảo cung cấp than cho các nhà máy điện đủ số lượng, chất lượng. Đặc biệt là nguồn than nhập, than phối trộn đảm bảo chỉ tiêu kỹ thuật để phục vụ phát điện, hạn chế đóng xỉ đáy lò.
Các ngành chức năng của Quảng Ninh cũng bám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư và mở rộng của các dự án sản xuất động lực, sớm đưa vào hoạt động một số nhà máy công nghiệp chế biến chế tạo, nhất là các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại có giá trị gia tăng lớn cho GRDP trong các khu công nghiệp như: Cảng biển Hải Hà, Hải Yên, Đông Mai...
Không chỉ thế, Tỉnh đã sớm làm việc thống nhất đối tác Trung Quốc để thực hiện thông quan cầu Bắc Luân II và các cửa khẩu sau thời gian tạm dừng để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Các cơ quan Thuế, Hải quan, Biên phòng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian thông quan, giảm các chi phí không chính thức. Việc giao thương xuất nhập khẩu ổn định đã giúp các doanh nghiệp đảm bảo nguồn nguyên liệu, vật tư nhập khẩu, ổn định sản xuất, nhất là các nhà máy hoạt động tại khu công nghiệp Hải Yên và khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà.
Đối với ngành xây dựng, nhiều dự án trọng điểm và chiến lược trên địa bàn như Hạ Long, Quảng Yên, Cẩm Phả, Vân Đồn, Hải Hà, Móng Cái... được rà soát và đẩy nhanh tiến độ. Tỉnh cũng tích cực rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính; hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục liên quan đến quy hoạch, đầu tư, đất đai, bảo vệ môi trường, điện, nước, thuế, phòng cháy chữa cháy để tạo thuận lợi cho triển khai các dự án hạ tầng trên địa bàn.
Có thể thấy, việc nỗ lực khơi thông các điểm nghẽn đã góp phần giải phóng các nguồn lực, đưa ngành công nghiệp, xây dựng hoạt động hiệu quả. Đây là nền tảng vững chắc để hai trụ cột kinh tế mới hoàn thành nhiệm vụ bù đắp thiệt hại cho những ngành khác, bứt phá trong thời gian tới và đưa kinh tế Quảng Ninh vượt “bão” Covid-19.