Toàn cảnh Hội nghị. (Nguồn: Bộ Công Thương) |
Đây là một trong những hoạt động quan trọng nằm trong khuôn khổ Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2022 diễn ra từ ngày từ 28/4 đến 3/5/2022.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh đó, thị trường đòi hỏi cần có sự thay đổi để thích ứng với tình hình mới.
Và từ đó, hình thức mua sắm trực tuyến trở nên phổ biến ngay với cả các sản phẩm như nông sản, thực phẩm chế biến... việc phân phối tiêu thụ hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử (TMĐT) được xem là một trong những giải pháp mới và hiệu quả trong việc đẩy mạnh tiêu thụ nông đặc sản của địa phương hay các sản phẩm OCOP của địa phương.
Ông Đặng Hoàng Hải nhấn mạnh, đóng góp của các đại diện đến từ các sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam như Tiki, Lazada,Voso, Postmart… cùng các đối tác như VPBank, Visa hay Icheck… đã hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp địa phương giúp phân phối sản phẩm trên sàn cũng như các giải pháp hỗ trợ tài chính số, hướng đến mục tiêu chuyển đổi số; phát triển công nghệ và thúc đẩy phân phối sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ có cơ hội khai thác tốt các chính sách hỗ trợ của Bộ Công Thương, của các sàn thương mại điện tử, các đơn vị vận chuyển cũng như các đối tác trung gian thanh toán...
Tại Hội nghị, đại diện đến từ các sàn thương mại điện tử uy tín tại Việt Nam và các đối tác đã cùng chia sẻ và thảo luận về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp địa phương phân phối sản phẩm trên sàn cũng như các giải pháp hỗ trợ tài chính số, hướng đến mục tiêu chuyển đổi số; khai thác tốt các chính sách hỗ trợ của Bộ Công Thương, của các sàn thương mại điện tử, các đơn vị vận chuyển, trung gian thanh toán… đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp đặc sản, sản phẩm OCOP… tại tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố.
Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt, doanh nghiệp Quảng Ninh cũng như doanh nghiệp các tỉnh, thành phố tiếp cận với phương thức phân phối hiện đại, phương thức thanh toán và logistics hiện đại khi ứng dụng các giải pháp công nghệ số để tăng cường hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp mình.
Các sàn thương mại điện tử cũng như đối tác sẽ giới thiệu các giải pháp, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp địa phương trong việc thúc đẩy bán hàng trên thương mại điện tử và ứng dụng các giải pháp tài chính số.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh phát biểu tại Hội nghị. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Thương mại điện tử đang dần trở thành phương thức kinh doanh phổ biến, ngày càng được nhiều doanh nghiệp và người dân biết đến. Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh cho biết, để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, hàng năm, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử với nhiều giải pháp đề ra.
Đặc biệt, để thích ứng tốt với xu hướng và thời đại, tạo được môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh, thuận lợi, từng bước đưa hoạt động thương mại điện tử của tỉnh hội nhập với trong nước và quốc tế, trong năm 2022, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cập nhật, nâng cấp Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Quảng Ninh trên internet thành Sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh.
Bên cạnh việc hỗ trợ các thương nhân, tổ chức, cá nhân giới thiệu, mua bán sản phẩm OCOP Quảng Ninh trên Sàn, Sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh cũng là kênh cung cấp sản phẩm OCOP chính hãng cho khách hàng.
Từ năm 2021, Hội chợ OCOP tỉnh Quảng Ninh đã gắn liền với các sàn giao dịch TMĐT, với hình thức bán hàng trực tuyến đến tận tay người tiêu dùng. Việc tiêu thụ sản phẩm được các đơn vị ngoài việc kết nối đưa vào các siêu thị, hệ thống phân phối bán lẻ còn được đưa sản phẩm lên “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn TMĐT uy tín như Sendo.vn; Tiki.vn; Voso.vn; Postmart Lazada.vn, Shopee.vn...
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương thăm một gian hàng sản phẩm OCOP Quảng Ninh. (Nguồn: Bộ Công Thương) |
Theo kết quả công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021, Quảng Ninh vẫn tiếp tục đứng đầu cả nước. Đây cũng là lần thứ 5 liên tiếp tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu toàn quốc về điểm số PCI. Tỉnh Quảng Ninh đã giữ vững “địa bàn an toàn - ổn định - phát triển”, thực hiện thành công “mục tiêu kép” với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 10,28%, đứng thứ 2 toàn quốc về tăng trưởng kinh tế GRDP và ghi dấu ấn 6 năm liên tiếp tỉnh Quảng Ninh đạt mức tăng trưởng 2 con số.
Lãnh đạo Cục TMĐT khẳng định, Cục sẽ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, phát triển bán lẻ trực tuyến trong thời đại công nghệ 4.0. Lãnh đạo Cục TMĐT kỳ vọng, thời gian tới, thương mại điện tử là một hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến tại Quảng Ninh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của địa phương, đồng thời, giúp Quảng Ninh xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững.
| Quảng Ninh khẳng định sức hút, lần thứ 5 liên tiếp dẫn đầu toàn quốc về điểm số PCI Dẫn đầu PCI 2021 là Quảng Ninh với 73,02 điểm. Đây là lần thứ 5 liên tiếp địa phương này dẫn đầu toàn quốc về ... |
| Du lịch Hè 2022: Quảng Ninh đẩy mạnh kinh tế về đêm, hoàn thiện điểm đến trọn vẹn Quảng Ninh sớm đón đầu xu hướng và làm mới các sản phẩm du lịch, từ phố đêm du thuyền đến hàng loạt dịch vụ ... |