(Nguồn: Báo Quảng Ninh) |
Quảng Ninh là địa phương có rất nhiều lợi thế, song tỉnh cũng phải đối diện với không ít thách thức để khơi dậy được tiềm năng. Tỉnh đã sớm thấy những định hướng chiến lược trong các quy hoạch cũ không còn phù hợp; những khó khăn, thách thức mới nảy sinh đã kìm hãm việc phát huy thế mạnh.
Chủ động khơi dậy tiềm năng
Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, năm 2012, Quảng Ninh đã mạnh dạn báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thuê tư vấn nước ngoài lập một số quy hoạch quan trọng của tỉnh. Thời điểm đó, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện lập các quy hoạch chiến lược có thuê đơn vị tư vấn nước ngoài. Trong xây dựng quy hoạch chiến lược, tỉnh đã lựa chọn các tư vấn hàng đầu thế giới về lập quy hoạch, như: McKinsey, BCG (Mỹ); Nikken Sekkei, Nippon Koei (Nhật Bản)...
Yêu cầu của tỉnh với đơn vị tư vấn là các quy hoạch phải đáp ứng được những mục tiêu: Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của vùng và các quy hoạch ngành, lĩnh vực; có tính liên kết vùng; phải tạo nên bước đột phá trên cơ sở phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đảm bảo tính hiện đại, đồng bộ, xứng tầm quốc tế; đáp ứng yêu cầu chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", làm thay đổi nhanh diện mạo, tạo ra một Quảng Ninh khác biệt, phát triển vượt trội về đẳng cấp và bứt phá về thời gian.
Song song với đó, tỉnh cũng chủ động đưa ra các phương pháp triển khai lập quy hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch để chỉ đạo triển khai xây dựng đồng bộ các quy hoạch từ cấp tỉnh đến địa phương; thành lập các tổ tư vấn giúp việc và trực tiếp làm việc với các đơn vị tư vấn triển khai nghiên cứu lập quy hoạch.
Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh, Quảng Ninh đã sớm xác định được tổ chức không gian lãnh thổ cần thực hiện, đó là: “Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” nhằm đảm bảo mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương. Trong đó, tập trung phát triển vùng đô thị trung tâm Hạ Long là vùng đô thị trung tâm gắn kết 4 tiểu vùng đô thị vệ tinh; phát triển 2 vành đai xuyên suốt từ Tây sang Đông, gồm: Vành đai phát triển công nghiệp - đô thị, vành đai cảnh quan và du lịch biển.
Đầu năm 2020, tỉnh đã tiến hành sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP. Hạ Long, ưu tiên dành nguồn lực triển khai các dự án kết nối như cầu Cửa Lục 1, 2, 3, đường nối KCN Cái Lân với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, để tạo điều kiện thuận lợi trong liên kết 2 vùng Nam - Bắc thành phố.
Chỉ ít lâu sau sáp nhập, làn sóng đầu tư mới đã bắt đầu đổ về TP. Hạ Long để tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào “vùng đất vàng” này. Điển hình như: Tập đoàn Vingroup đề xuất triển khai dự án Quần thể bảo tồn thiên nhiên và du lịch sinh thái Vinpearl Safari Hạ Long với mục tiêu hình thành một công viên rừng có quy mô lớn, phục vụ các hoạt động du lịch, cũng như nghiên cứu khoa học, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái; Tập đoàn Văn Phú với khu đô thị tại phường Hoành Bồ...
Với mô hình và cấu trúc phát triển mới theo hướng đa cực, trong đó lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, hướng phát triển đô thị theo hành lang ven biển vịnh Hạ Long, sự hình thành, xuất hiện thêm các nhà đầu tư, các dự án, công trình động lực ngay sau khi mở rộng địa giới hành chính sẽ nhanh chóng lan tỏa, để Hạ Long trở thành thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện; hiện đại, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Diện mạo mới hoàn toàn khác biệt
Giai đoạn 2015-2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tại Quảng Ninh đạt 344.916 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015. Trong đó, vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đạt gần 300.000 tỷ đồng, chiếm gần 4/5 tổng vốn đầu tư toàn xã hội, với sự góp mặt của các nhà đầu tư chiến lược, uy tín lớn trong và ngoài nước, như: Sun Group, Vingroup, Tuần Châu, Texhong, Amata...
Với dòng vốn này, Quảng Ninh hôm nay đã mang trên mình một diện mạo hoàn toàn khác biệt, là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước (đạt 65,5%) với 4 thành phố và 2 thị xã; sở hữu hạ tầng giao thông tốt nhất miền Bắc với các loại hình như đường bộ, đường biển và đường hàng không. Tỉnh có gần 200km đường cao tốc (chiếm 10% số km cao tốc trong toàn quốc), cảng hàng không quốc tế đầu tiên, cảng tàu chuyên biệt đầu tiên trong cả nước được đầu tư từ nguồn xã hội hóa.
Đến nay, tỉnh có đến 11 khu công nghiệp; có khu kinh tế Quảng Yên quy hoạch nằm trong các khu kinh tế ven biển của Việt Nam; khu kinh tế Vân Đồn quy hoạch phát triển trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, là một trong những mũi đột phá của tỉnh; khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái là trung tâm phát triển kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ và cảng biển…
Cũng từ nguồn vốn đầu tư thu hút được, hạ tầng du lịch, dịch vụ phát triển ngày càng hiện đại, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới đẳng cấp, khác biệt. Không gian du lịch luôn nhộn nhịp, sôi động cả ngày lẫn đêm. Hiệu ứng từ hạ tầng du lịch mang tính động lực của các nhà đầu tư lớn đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho hàng loạt cơ sở kinh doanh dịch vụ của các doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình ở TP Hạ Long.
Gần 1 thập kỷ nhìn lại, có thể thấy rằng, Quảng Ninh đang đi đúng hướng theo các quy hoạch đã được lập và công bố. Từ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội; Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch... đều đã phát huy rõ hiệu quả. Các quy hoạch đóng vai trò không chỉ trong định hướng phát triển, công cụ của công tác quản lý nhà nước, khung pháp lý cho việc đầu tư các lĩnh vực, là cơ sở để các cấp, ngành lập kế hoạch xây dựng những chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, giải phóng các tiềm năng, thế mạnh, mà còn là động lực quan trọng để thu hút nhà đầu tư.
Trong tương lai, khi xu hướng chuyển dịch các chuỗi giá trị toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, Quảng Ninh chắc chắn sẽ nằm ở một vị trí có nhiều lợi thế về mọi mặt để bắt kịp và hòa mình vào sự chuyển dịch đó. Và chắc chắn rằng, làn sóng đầu tư sẽ tiếp tục đổ về tỉnh. Như vậy, có thể thấy vai trò của các quy hoạch rất quan trọng, đã thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược, hiệu quả, phù hợp, chất lượng.
Các quy hoạch được công khai, minh bạch trong một tổng thể phát triển dài hạn, giúp tỉnh loại bỏ cách làm manh mún, cục bộ. Việc sớm triển khai các quy hoạch chiến lược, sự vào cuộc tích cực từ tỉnh đến cấp huyện, đồng bộ khớp nối từ ý tưởng tới các quy hoạch với nhau, đã tạo ra nền tảng quan trọng cho sự phát triển và xây dựng thương hiệu Quảng Ninh. Qua đó, góp phần tạo niềm tin cho nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Đây chính là tính ưu việt, là điểm khác biệt trong thu hút đầu tư của Quảng Ninh.