Quên mang bằng lái xe ô tô, xe máy bị phạt bao nhiêu tiền? (Nguồn TVPL) |
Những giấy tờ cần mang theo khi điều khiển xe ô tô, xe máy
Căn cứ quy định tại Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.
Người lái xe khi điều khiển ô tô tham gia giao thông phải mang theo các giấy tờ sau:
- Đăng ký xe;
- Giấy phép lái xe;
- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới;
- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Còn người lái xe điều khiển xe máy tham gia giao thông phải mang theo các loại giấy tờ sau đây:
- Đăng ký xe;
- Giấy phép lái xe;
- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Quên mang bằng lái xe ô tô, xe máy bị phạt bao nhiêu tiền?
Trường hợp có giấy phép lái xe ô tô, xe máy nhưng không mang khi điều khiển xe tham gia giao thông thì sẽ bị phạt tiền với các mức sau đây:
(1) Mức phạt lỗi không mang bằng lái xe với xe máy:
Căn cứ Điểm c khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì người điều khiển xe mô tô (xe máy) và các loại xe tương tự xe mô tô không mang theo bằng lái xe thì bị phạt phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
(2) Mức phạt lỗi không mang bằng lái xe với xe ô tô:
Căn cứ Điểm a khoản 3 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy phép lái xe thì bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng.
Bao nhiêu tuổi mới được cấp bằng lái xe máy (A1), ô tô (B1 và B2)?
Khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định độ tuổi của người lái xe quy định như sau:
- Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;
- Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;
- Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);
- Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);
- Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);
- Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.
Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên thì bằng lái xe máy (A1), bằng lái xe ô tô (B1 và B2) sẽ được cấp cho người từ đủ 18 tuổi trở lên khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.