📞

Quốc gia châu Âu kiếm bộn tiền nhờ bán vũ khí cho Ukraine; Đức muốn mua lại Leopard 2 cũ để làm gì?

Bảo Minh 07:58 | 07/03/2023
Ngày 6/3, trang mạng Euractiv cho biết, kể từ năm 2021, Bulgaria đã cung cấp đạn dược và vũ khí trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine.
Đức đang muốn mua lại một số xe tăng Leopard 2 đã qua sử dụng của Thụy Sỹ, đồng thời khẳng định sẽ không chuyển chúng đến Ukraine. (Nguồn: Wikipedia)

Được biết, hiện Bulgaria, thông qua các nước thứ 3, đang vận chuyển đạn pháo, đạn cho dàn rocket phóng loạt, súng phóng lựu, hộp tiếp đạn và các loại vũ khí khác cho Ukraine.

Các đợt giao hàng lớn đến mức trong 2 năm, Bulgaria đã có thể kiếm được 1 tỷ USD từ việc này.

Euractiv dẫn lời cựu Nghị sĩ Quốc hội Bulgaria Velizar Shalamanov nói: "Các công ty Bulgaria không bán vũ khí và đạn dược trực tiếp cho khách hàng Ukraine, vì có thông lệ thực hiện các giao dịch thông qua các chương trình của nước ngoài”.

Theo ông Shalamanov, việc cung cấp vũ khí từ Bulgaria chủ yếu được thực hiện thông qua Ba Lan và Romania, từ đó, những vũ khí này đã được vận chuyển đến Ukraine.

Cùng ngày, AP đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Sỹ Viola Amherd cho biết, Đức đề nghị mua lại một số xe tăng Leopard 2 đã qua sử dụng của Bern, hiện đang lưu kho tại Alpine, song không nêu số lượng cụ thể.

Theo bà Amherd, một khi nhu cầu quốc phòng của Thụy Sỹ được đáp ứng, quân đội nước này sẽ dư thừa một số xe tăng không sử dụng đến và nếu được Quốc hội cho phép, bộ trên có thể bán lại cho các quốc gia khác.

Quan chức Thụy Sỹ cũng cho hay, bà đã nhận được đảm bảo của Đức rằng, những chiếc xe tăng này, nếu được mua, sẽ không được gửi đến Ukraine mà để lấp đầy khoảng trống trong kho dự trữ của chính họ.

Thụy Sỹ hiện có 230 xe tăng Leopard 2, trong đó có 134 chiếc đang phục vụ và 96 chiếc đã ngừng hoạt động, song không có nghĩa là số này đã hoàn toàn vô dụng.

Theo luật pháp của Thụy Sỹ, chỉ những thiết bị quân sự đã ngừng sử dụng mới có thể được đem bán, trong khi Quốc hội nước này sẽ quyết định tình trạng của các thiết bị.

Kể từ khi xung đột quân sự nổ ra tại Ukraine, các cuộc tranh luận về vấn đề cung cấp vũ khí đã nóng lên trên chính trường Thụy Sỹ.

Quốc gia không thuộc Liên minh châu Âu (EU) này đã chấp nhận thực hiện tất cả các biện pháp trừng phạt của EU đối với Moscow, nhưng kiên quyết khẳng định lập trường trung lập về quân sự.

Mặc dù Kiev và các nước phương Tây như Đức, Tây Ban Nha và Đan Mạch đã hối thúc chính phủ Thụy Sỹ cho phép tái xuất vũ khí và đạn dược sang Ukraine, song cho đến nay, Bern vẫn bác bỏ các yêu cầu này.