📞

Quốc gia EU nổi giận vì hành động Ukraine bít cửa trung chuyển khí đốt Nga, tuyên bố xem xét tung đòn đáp trả

Bảo Minh 07:15 | 03/01/2025
Ukraine có thể phải đối mặt các biện pháp trừng phạt liên quan quyết định ngừng trung chuyển khí đốt Nga sang Slovakia và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác.
Việc trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine đến các nước EU đã chấm dứt từ ngày 1/1/2025. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 2/1, hãng thông tấn Sputnik đưa tin, trong một đoạn video đăng tải trên mạng xã hội, Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết: “Phái đoàn chính phủ sẽ tham gia đàm phán ở Brussels (Bỉ), nơi Ukraine đã có can đảm phàn nàn về việc chúng tôi sẵn sàng thực hiện các biện pháp trả đũa, chẳng hạn như ngừng cung cấp điện cho Kiev".

Sau khi phái đoàn Slovakia trở về, chính phủ sẽ họp để thảo luận về các biện pháp sẽ thực hiện "để đáp trả thích đáng hành động của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky”.

Theo Thủ tướng Fico, đảng Dân chủ Xã hội (Smer-SD) theo đường lối cánh tả của ông sẵn sàng ủng hộ quyết định ngừng cung cấp điện cho Ukraine và cắt giảm viện trợ cho người tị nạn Ukraine ở Slovakia.

Trước đó, ngày 1/1, dữ liệu từ Hệ thống truyền tải khí đốt Ukraine cho thấy, không có yêu cầu bơm khí đốt từ Nga qua nước này hay các yêu cầu vận chuyển khí đốt từ Kiev đến Slovakia và Moldova. Điều này là do Hợp đồng thương mại vận chuyển khí đốt Nga-Ukraine được ký kết năm 2019 đã kết thúc vào ngày 31/12/2024 mà không có sự gia hạn.

Ước tính, Ukraine sẽ mất khoảng 800 triệu USD phí trung chuyển hàng năm, trong khi tập đoàn Gazprom của Nga dự kiến mất khoảng 5 tỷ USD doanh thu từ thị trường châu Âu. Thủ tướng Fico cảnh báo, EU có thể tổn thất 120 tỷ EUR (khoảng 123 tỷ USD) cho EU trong hai năm tới.

Phản ứng về việc chấm dứt trung chuyển khí đốt này, ngày 2/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố, Mỹ, Ukraine và các chính quyền ở châu Âu phải chịu trách nhiệm vì "đã hy sinh phúc lợi của người dân để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ".

Theo bà Zakharova, Ukraine đã dừng trung chuyển khí đốt của Nga vì các lý do địa chính trị và bên được hưởng lợi chính từ những thay đổi trên thị trường năng lượng châu Âu là Mỹ.

Nhà ngoại giao lập luận, việc dừng các nguồn cung năng lượng mang tính cạnh tranh và thân thiện với môi trường của Nga không chỉ làm suy yếu tiềm năng kinh tế của châu Âu, mà còn tác động tiêu cực nhất đến mức sống của các công dân châu Âu.