📞

Quy chế nào để quản lý tác phẩm nghệ thuật?

08:00 | 07/08/2016
Những lùm xùm chưa có hồi kết xung quanh triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung đang đặt ra câu hỏi lớn về công tác quản lý các tác phẩm nghệ thuật và vấn đề tác quyền.

Triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” trưng bày 17 bức tranh của các danh họa gạo cội Việt Nam từ Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng cho đến Nguyễn Tiến Chung, Sỹ Ngọc, Tạ Tỵ...

Tuy nhiên, ngay sau khi khai mạc, nó đã trở thành cuộc triển lãm đầy tai tiếng khiến các thế hệ cầm cọ Việt Nam đặt ra nghi vấn tranh giả khi nhiều bức được sao chép kém cỏi đến mức khó tin. Thậm chí, tên của họa sỹ Thành Chương cũng được cho là đã bị tẩy xóa để thay vào đó một chữ ký Tạ Tỵ hết sức nguệch ngoạc.

Ngay sau khi sự vụ xảy ra, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa ra văn bản đề nghị tạm giữ tất cả 17 bức tranh thuộc bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung để phục vụ công tác điều tra. Tuy nhiên, sáng 22/7, tất cả 17 bức tranh trên đã được nhà sưu tầm mang về sau khi kết thúc thời gian 10 ngày triển lãm. Lá đơn tố cáo của họa sỹ Nguyễn Thành Chương gửi Hội Mỹ thuật Việt Nam về hành vi có dấu hiệu phạm tội làm hàng giả, xâm phạm bản quyền tác giả đối với bức “Chân dung cô Kim Anh” của ông chưa biết sẽ đi về đâu?

Vấn nạn về nghệ thuật

Về vấn đề này, họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Đây không phải là scandal đầu tiên liên quan đến nghi vấn tranh thật, tranh giả, chép tranh và nhái tranh… mà nó đã trở thành một vấn nạn của xã hội. Các cơ quan chức năng cần có những biện pháp nghiêm khắc xử lý, tìm ra và triệt phá những nơi làm tranh giả. Đây cũng là lời cảnh báo cho những nhà sưu tập tranh, đặc biệt là sưu tầm tranh có giá trị cao, cần hết sức cẩn trọng khi quyết định mua một tác phẩm nghệ thuật”.

Giới chuyên môn nhận định, những lùm xùm tranh giả không phải là vấn đề mới phát sinh hay mới phát hiện mà nó đã hiện hữu từ rất lâu. Scandal  của triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” chỉ là giọt nước cuối cùng “tràn ly” bức xúc của những người cầm cọ chân chính. Nhưng, điều nguy hiểm mà vấn nạn này có thể gây ra không chỉ là làm thui chột cảm hứng sáng tác của người nghệ sỹ lương thiện, mà quan trọng hơn, nó khiến niềm tin của công chúng yêu nghệ thuật bị lung lay tận gốc, thay vào đó là sự ngờ vực, tư tưởng đánh đồng bản gốc và bản sao chép.

Mặc dù sao chép tranh có mặt tích cực nhằm phục vụ đông đảo người yêu nghệ thuật nhưng mặt trái là nếu không quản lý được tất sẽ dẫn đến những sự cố ngoài ý muốn, gây tổn hại cho cả nền mỹ thuật. Chẳng hạn có những bức tranh đã bán, đã mất, nhưng các bảo tàng vẫn cho chép đi chép lại nhiều lần cho đến mãi gần đây mới chấm dứt theo quy chế của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Bài học từ các nước

Ở một số nước phát triển hoặc có bề dày lịch sử kinh doanh các tác phẩm văn hóa thì nhà sưu tầm ít mua phải tranh giả bởi đa số tranh được mua từ các cuộc đấu giá. Ở các nước này, các đơn vị đấu giá thường có bộ phận chuyên trách giám định các tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, chế tài và giải pháp xử lý tranh giả khi phát hiện được lại chưa rõ ràng.

Đơn cử như ở Mỹ, có rất nhiều cách xử lý tranh giả mà cơ quan chức năng thu được. Tuy nhiên, ngay cả Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) nhiều khi cũng lúng túng trong việc xử lý. Cơ quan chức năng thường căn cứ từng trường hợp cụ thể, thường phụ thuộc việc chủ sở hữu biết tác phẩm là giả hay không, dù điều này là rất khó xác định.

Ở Việt Nam, sự cố tại triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” xảy ra lần đầu tiên và theo họa sĩ Trần Khánh Chương, các cơ quan hữu quan cũng sẽ không thể tránh khỏi những lúng túng. Theo ông, khi xử lý những vụ việc như thế này cần phải dựa trên những văn bản luật như Luật sở hữu trí tuệ, Luật bản quyền tác giả và Nghị định Về hoạt động Mỹ thuật 113 của Chính phủ ngày 2/10/2013.

Ông cho biết thêm, với nền khoa học hình sự như hiện nay, việc giám định bằng các phương pháp lý, hóa, cơ học trên các bức tranh giả không còn là điều khó khăn nữa. Tuy nhiên, rào cản duy nhất có lẽ chính là những quy chế đặc thù cho riêng mỹ thuật. Chính vì chưa có quy chế này mà ngay cả khi tranh giả “xâm chiếm” các bảo tàng uy tín như vụ việc vừa qua thì các cơ quan quản lý dường như vẫn đang bất lực.