Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số 1.071 máy nghe tim thai, trị giá 130.000 USD đã được UNPFA cung cấp giúp bảo vệ cuộc sống các bà mẹ mang thai tại Việt Nam.
Các thiết bị y tế này đã và đang được phân phát cho các Trung tâm Y tế xã, bệnh viện tuyến huyện được ưu tiên ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, với sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Ứng phó khẩn cấp của Liên hợp quốc và UNFPA.
Đại diện UNFPA tại Việt Nam và Bộ Y tế tại Lễ tiếp nhận. (Ảnh: An Lê) |
Phát biểu tại lễ tiếp nhận vào sáng 2/4, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nói: “Sự kiện ngày hôm nay có ý nghĩa bổ sung cho nỗ lực của Chính phủ trong công tác ứng phó với thiên tai, nhằm đảm bảo các dịch vụ thiết yếu cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương nhất như lao động di cư và dân tộc thiểu số không bị gián đoạn. Phụ nữ tử vong khi sinh con là điều không nên xảy ra, ngay cả trong các tình huống khẩn cấp".
Tại buổi lễ, PGS. TS. Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế đánh giá cao những hỗ trợ của UNFPA và khẳng định: “Bảo vệ sức khỏe của tất cả người dân là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong hoàn cảnh thiên tai lũ lụt, đặc biệt là phụ nữ mang thai, có con nhỏ tại các vùng có lụt và sạt lở đất cần được tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu mang ý nghĩa tối quan trọng. Hỗ trợ của UNFPA sẽ giúp hệ thống y tế cấp cơ sở có thể đương đầu với các tác động tiêu cực của thiên tai”.
UNFPA đang nỗ lực để đảm bảo duy trì việc cung ứng các phương tiện tránh thai hiện đại và hàng hóa phục vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và đảm bảo rằng các cán bộ hộ sinh và nhân viên y tế khác có thiết bị bảo hộ cá nhân để bảo vệ bản thân. Chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản là quyền con người.
UNFPA kêu gọi các đối tác cùng tham gia hỗ trợ ứng phó với các nguy cơ và rủi ro do thiên tai, mua sắm và cung cấp vật tư thiết yếu cho những đối tượng dễ gặp rủi ro nhất, ví dụ như phụ nữ mang thai và phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới.
Trưởng đại diện của UNFPA tại Việt Nam cũng cho biết: “Việc mang thai hay sinh con sẽ không vì tình hình thiên tai hay đại dịch mà dừng lại. Chúng ta hãy cùng nhau khắc phục các hệ lụy của bão lũ và bảo vệ sức khỏe và quyền của phụ nữ và trẻ em gái ngay bây giờ".
Theo kết quả báo cáo đánh giá nhanh có sự tham gia của các chuyên gia UNFPA được thực hiện vào tháng 11/2020, tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở miền Trung Việt Nam, lũ lụt và sạt lở đất đã gây ảnh hưởng nặng nề tới các cơ sở chăm sóc y tế, làm gián đoạn các chương trình chăm sóc y tế công cộng như: khám thai, đỡ đẻ, chăm sóc sau sinh và kế hoạch hóa gia đình. Phụ nữ và trẻ em gái không thể tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, bao gồm chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản. |