Samsung Electronics có lẽ là doanh nghiệp Hàn Quốc bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh doanh và ngoại giao đang thay đổi. (Nguồn: Korea Times) |
Các quy định mới trên bao gồm: Thuế kỹ thuật số của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD); Yêu cầu các nhà sản xuất chip toàn cầu cung cấp thông tin chuỗi cung ứng (bao gồm cả dữ liệu hàng tồn kho) của Mỹ; Kế hoạch đánh thuế carbon tại biên giới đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU); Các biện pháp hạn chế thương mại của Nhật Bản.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc bị ảnh hưởng bao gồm: công ty điện tử Samsung (Samsung Electronics), SK Hynix, POSCO, Hyundai Steel, Hyundai Heavy Industries (HHI) và Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering (DSME).
Liên quan đến thuế kỹ thuật số mà OECD công bố ngày 8/10 vừa qua, công ty Samsung Electronics và SK Hynix dự kiến sẽ phải chịu mức thuế 15% (áp dụng đối với các doanh nghiệp đa quốc gia) từ năm 2023. Bên cạnh đó, công ty điện tử Samsung cũng đối mặt với áp lực từ Mỹ về trách nhiệm cung cấp thông tin kinh doanh nhạy cảm, chẳng hạn như doanh thu mục tiêu của mảng kinh doanh bán dẫn, mức tồn kho, chiến lược lập kế hoạch quản lý và các loại vật liệu được sử dụng trong chất bán dẫn...
Ông Shin Yul - Giáo sư khoa học chính trị tại trường Đại học Myongji (Hàn Quốc) - cho rằng khó khăn của "gã khổng lồ" công nghệ Hàn Quốc bắt đầu xuất hiện sau khi họ cố gắng tìm các nguồn cung cấp khác để thay thế cho các vật liệu công nghệ quan trọng từ Nhật Bản.
Ông nhấn mạnh: "Samsung Electronics có lẽ là doanh nghiệp Hàn Quốc bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh doanh và ngoại giao đang thay đổi".
Được đưa ra từ tháng 7 vừa qua, kế hoạch thuế carbon với tên gọi "Fit for 55" (đề ra các biện pháp để đạt được mục tiêu tới năm 2030 giảm tối thiểu 55% lượng khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính so với năm 1990) của EU dự định đánh thuế biên giới đối với hàng nhập khẩu có liên quan từ các ngành công nghiệp thép, đóng tàu, xi măng, nhôm và điện của Hàn Quốc, được gọi chung là các lĩnh vực "sử dụng nhiều carbon".
Kế hoạch thuế này dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2023 với một giai đoạn chuyển tiếp. Theo đó, nếu không đáp ứng các điều kiện do EU đề xuất, các nhà sản xuất thép của Hàn Quốc ước tính sẽ phải trả hàng tỷ USD tiền thuế bổ sung mỗi năm kể từ năm 2030.
Trong báo cáo công bố gần đây, Viện chính sách kinh tế đối ngoại Hàn Quốc (KIIEP) nhận định, nếu EU áp mức thuế 30 Euro (34,71 USD) cho một tấn CO2 thì doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ phải chi trả thêm 1,9% tiền thuế, tương đương 1 tỷ USD/năm.
Một nguồn tin trong ngành cho biết, số tiền như vậy sẽ nhiều hơn lợi nhuận hoạt động của các nhà sản xuất thép lớn. Theo đó, cả POSCO và Hyundai Steel sẽ cần phải đưa ra một phương pháp sản xuất mới để thay thế các lò cao thải ra lượng khí carbon dioxide cao. POSCO đã sử dụng lò cao từ 40 đến 50 năm, trong khi Hyundai Steel đã sử dụng lò cao khoảng 10 năm.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp đóng tàu của Hàn Quốc cũng được cho là đã thải ra khoảng 208.000 tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính mỗi năm, với 60% đến từ quá trình sản xuất. Với việc châu Âu là thị trường chính của họ, HHI và DSME đã hợp tác với các nhà đóng tàu khác trong nước để đạt được mục tiêu trung hòa carbon.
Trong đó, 5 sản phẩm gồm thép, nhôm, phân bón và điện, các nhà sản xuất Hàn Quốc sẽ phải cải tiến dây chuyền sản xuất, không phát thải hoặc giảm lượng khí CO2 thải ra hoặc chuyển sang các dạng năng lượng mới như năng lượng hydro, điện, gió hoặc năng lượng Mặt Trời.
Theo nhận định của Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế toàn cầu Kim Dae-ho, "xuất khẩu đã thúc đẩy nền kinh tế Hàn Quốc phát triển. Do đó, nếu thuế biên giới carbon là xu hướng toàn cầu thì Hàn Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đại tu ngành công nghiệp, giảm lượng khí thải CO2".
Ông lưu ý thêm rằng "do thuế biên giới carbon không phải là kết thúc mà là một sự khởi đầu mới nên nếu Hàn Quốc đối phó tốt thì sẽ có thể biến khủng hoảng thành cơ hội, đảm bảo lợi ích thiết thực, giành ưu thế trong nền kinh tế không carbon".