📞

Quy định sử dụng hóa chất và kháng sinh trong thủy sản chưa thống nhất

20:09 | 28/05/2016
Đây là ý kiến của hầu hết các chuyên gia tại Hội thảo “Quy định quốc tế và Việt Nam về hóa chất và kháng sinh sử dụng trong sản phẩm thủy sản” vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Tiếp nối thành công vào ngày 12/5 tại Nha Trang (Khánh Hòa), Hội thảo do Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của Liên minh châu Âu (EU-MUTRAP) phối hợp với Trung tâm Chuyển giao công nghệ và dịch vụ thủy sản Việt Nam (FITES) tổ chức nhận được sự tham gia của đại diện các cơ quan, ban ngành quản lý liên quan, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hóa chất, kháng sinh dùng trong ngành thủy sản và các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thủy  sản tại Khu vực phía Bắc.

Hội thảo được tổ chức vào ngày 27/5 tại Hà Nội (Ảnh Q.A)

Tại đây, các chuyên gia đều nhận định, sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam ngày càng được chấp nhận trên các thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, vấn đề dư lượng kháng sinh và hóa chất được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản khó kiểm soát, vẫn để lọt các lô hàng xuất khẩu thủy sản bị các nước kiểm tra vượt dư lượng kháng sinh cho phép.

Ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng ban Phát triển thủy sản bền vững, Hội nghề cá Việt Nam cho biết, ở Việt Nam đang tồn tại 2 danh mục hóa chất, kháng sinh (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế) không thống nhất về số lượng chỉ tiêu, đặc biệt là mức giới hạn của một số chỉ tiêu không khác nhau (đôi khi gấp hàng chục lần).

Mặt khác, ông Cương cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên thay tên gọi “hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng” thành “hóa chất, kháng sinh được phép sử dụng nhưng có kiểm soát dư lượng tối đa cho phép”. Vấn đề quan trọng hơn là danh mục này phải được lập từ việc cho phép thuốc thú y, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi thủy sản của Việt. Ngoài ra, việc xác định mức dư lượng tối đa cho ph  có thể tham khảo kết quá đánh giá nguy cơ của các nước nhưng sau đó phải thực hiện đánh giá đúng với tình hình thực tế của Việt Nam.

Tham gia vào quá trình nghiên cứu của EU-MUTRAP, ông Vi Thế Đang, Giám đốc FITES cũng đề nghị Chính phủ, các Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương phối hợp tổ chức xây dựng bộ giáo trình về kiểm soát bệnh dịch động, thực vật, giáo trình về an toàn thực phẩm để áp dụng chung cho các ngành từ trung ương đến địa phương, qua đó sẽ đạt được sự thông hiểu chung và hành động đúng trong mọi lĩnh vực.

Tại Hội thảo, các chuyên gia EU-MUTRAP đã trình bày kết quả của các khảo sát thực tế tại các tỉnh phía Bắc và Nam Trung Bộ. Đó là ba nghiên cứu chi tiết về: Danh mục các hóa chất, kháng sinh cấm và được phép sử dụng trong sản xuất thủy sản của Tổ chứcCodex và của EU, Hoa Kỳ, Nhật, Hàn Quốc; Việc xây dựng và ban hành danh mục hóa chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong hoạt động nuôi và trong sản phẩm thủy sản của Việt Nam và Quá trình sản xuất, phân phối và sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi thủy sản ở Việt Nam.

Các chuyên gia cũng đề nghị Chính phủ cho xây dựng tổ chức quản lý bệnh, dịch động, thực vật và an toàn thực phẩm thống nhất từ trung ương đến địa phương. Theo đó, Việt Nam sẽ kiểm soát đúng chuẩn quốc tế, giảm được biên chế, giảm chi phí và đặc biệt là đảm bảo nguyên lý kiểm soát theo chuỗi và nhận diện mối nguy hại tại nơi phát sinh.