Thương hiệu Xoài Sơn La đã được đăng ký nhãn hiệu. (Nguồn: VGP) |
Ngày 15/11, tại thành phố Cần Thơ, Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực bảo hộ nhãn hiệu trong và ngoài nước cho doanh nghiệp để hướng đến xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.
Theo các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là không bắt buộc, nhưng cần thiết. Nhãn hiệu được xác lập quyền theo nguyên tắc “First to file – Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên”. Theo đó, nhãn hiệu chỉ có thể được bảo hộ độc quyền thông qua việc đăng ký, trừ các nhãn hiệu nổi tiếng.
Theo khảo sát từ Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, hầu hết các doanh nghiệp đều nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng nhãn hiệu để phân biệt sản phẩm của mình với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, số lượng đăng ký và chứng nhận nhãn hiệu nông sản, thủy sản vẫn còn thấp so với tiềm năng sẵn có của địa phương.
Tin liên quan |
Phát huy lợi thế, xây dựng chè Thái Nguyên thành thương hiệu quốc gia |
Tính đến tháng 12/2022, cả nước có 1.899 nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận đối với các sản phẩm nông sản; trong đó, bao gồm 1.430 nhãn hiệu tập thể, 469 nhãn hiệu chứng nhận.
Những sản phẩm bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận chủ yếu là những sản phẩm hoa quả, chè, cafe như: nhãn hiệu chứng nhận Quýt Lai Vung, Sen Tháp Mười, Xoài Sơn La, Cả phê Arabica Liangbang, Rau Đà Lạt, Dâu tây Đà Lạt, Hồng Đà Lạt...
Việt Nam cũng đã có 1.430 đơn được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể, chủ yếu là các nhãn hiệu có chứa địa danh như: khoai lang Đồng Thái (Ba Vì), Măng cụt Long Thành, Chuối Laba, Na Chi Lăng, Xoài Cát Hòa Lộc, Xoài Cao Lãnh…
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 471 nhãn hiệu bao gồm: 399 nhãn hiệu tập thể, 72 nhãn hiệu chứng nhận, chiếm tỷ lệ khoảng 24,8% của cả nước.
Khu vực Tây Nguyên có 108 nhãn hiệu bao gồm: 38 nhãn hiệu tập thể, 70 nhãn hiệu chứng nhận, chiếm tỷ lệ khoảng 5,7% của cả nước. Điều này cho thấy, số lượng đăng ký và chứng nhận nhãn hiệu nông sản, thủy sản vẫn còn thấp.
Ông Tạ Quang Kiên, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thông tin, trước năm 2018, số lượng nhãn hiệu nông sản, thủy sản còn thấp. Cụ thể đối với 18 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Tây Nguyên chỉ có 30 nhãn hiệu chứng nhận và 238 nhãn hiệu tập thể với sự tham gia của 264 cơ quan, tổ chức, hiệp hội và chỉ có 4 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
Trong khi đó, giai đoạn từ 2018 - 2022 có 112 nhãn hiệu chứng nhận và 199 nhãn hiệu tập thế với sự tham gia của 311cơ quan, tổ chức, hiệp hội. Việc nộp đơn được cấp văn bằng bảo hộ chủ yếu là của cơ quan, tổ chức, hiệp hội. Qua số liệu phản ánh, doanh nghiệp vẫn ít quan tâm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm của doanh nghiệp.
Quá trình hội nhập sâu rộng của nền kinh tế đã đưa nông nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Xuất khẩu nông sản phải đối mặt với sự gia tăng bảo hộ thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước là thị trường nông sản lớn của Việt Nam như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trong khi đó, nông sản Việt Nam mới chỉ được tổ chức sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, phụ thuộc vào khí hậu, chất lượng nông sản chưa đồng đều; khó ổn định, liên kết chuỗi giá trị còn yếu, sản phẩm chưa được đăng ký nhãn hiệu...
Vì thế, các chuyên gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng các doanh nghiệp có kinh nghiệm trong xây dựng nhãn hiệu đã cập nhật, cung cấp các thông tin, kiến thức về tình hình xây dựng, quản lý, khai thác nhãn hiệu sản phẩm nông sản tại nước ta và các nước trên thế giới. Đồng thời, phổ biến các quy định của nước ta và các nước trên thế giới về nhãn hiệu, bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm.
Theo bà Đoàn Thiều Trang, Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn (Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ), việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp: bảo đảm rằng khách hàng có thể phân biệt sản phẩm của các công ty khác nhau; giúp cho các công ty tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của họ.
Đồng thời, tạo ra một công cụ tiếp thị và là cơ sở để tạo dựng uy tín và hình ảnh của một thương hiệu; tạo cơ hội để chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu hoặc nhượng quyền thương mại nhãn hiệu; trở thành một bí mật kinh doanh có giá trị; khuyến khích các công ty đầu tư vào việc duy trì chất lượng sản phẩm. Qua đó, bảo đảm quyền lợi và nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng.
Trong thời gian qua, việc xây dựng nhãn hiệu bao gồm: nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đã trở thành một định hướng quan trọng nhằm thúc đẩy sức cạnh tranh, giá trị của các nông sản đặc sản, góp phần tổ chức sản xuất, phát triển thị trường trên cơ sở lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa bản địa.
Nhãn hiệu sản phẩm đã từng bước khẳng định được vai trò, giá trị trong sản xuất, thương mại sản phẩm nông sản, góp phần tích cực trong phát triển nông nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp và các chuyên gia cũng cùng nhau trao đổi, thảo luận nhằm đề xuất các giải pháp và chia sẻ các kinh nghiệm, cách làm hay trong xây dựng, đăng ký bảo hộ và phát huy giá trị nhãn hiệu sản phẩm nông sản.
Theo ông Trần Quang Vũ, đại diện doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (Sóc Trăng), để tăng cường nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về tầm quan trọng của bảo hộ nhãn hiệu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành chức năng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn cho doanh nghiệp, nông dân và các bên có liên quan sớm triển khai bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa để tránh ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng, thương hiệu sản phẩm của chính bản thân gây dựng nên.
Trong khi đó, ông Tạ Quang Kiên cho biết, thời gian tới sẽ kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thúc đẩy doanh nghiệp liên kết với nông dân theo chuỗi giá trị các ngành hàng gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP. Quan tâm bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để đẩy mạnh hoạt động khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp và các tổ chức nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác...) trong xây dựng, quản lý khai thác và phát huy giá trị nhãn hiệu sản phẩm.
| TS. Đặng Thảo Quyên: Doanh nghiệp hãy kể câu chuyện của mình với bản sắc Việt Nam cho bạn bè quốc tế Trao đổi với Báo Thế giới & Việt Nam, TS. Đặng Thảo Quyên (*) cho rằng, với câu chuyện của Vinfast, nhiều doanh nghiệp sẽ ... |
| Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt ... |
| Chương trình Thương hiệu quốc gia: Chắp cánh cho thương hiệu sản phẩm Việt mang tầm vóc thế giới Không phải ngẫu nhiên, Brand Finance - tổ chức định giá Thương hiệu quốc gia có trụ sở tại Anh - lại đánh giá Việt ... |
| Chủ tịch Hội Nhà báo Lê Quốc Minh nói về quan hệ giữa báo chí với doanh nghiệp Đối với các thương hiệu, vinh danh khiến tên tuổi vang xa, nhưng làm thế nào để bản thân đi được xa thì lại cần ... |
| CIIE lần thứ 6: 'Ghi danh' thương hiệu và hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc Khu gian hàng của các doanh nghiệp Việt Nam tại CIIE lần thứ 6 gồm 34 doanh nghiệp, với 34 gian hàng trưng bày trên ... |