📞

Quy hoạch giảm cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tăng cơ sở tư thục

15:20 | 11/02/2023
Đến năm 2025, giảm ít nhất 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020, nâng tỷ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 45%.
Giảng dạy cho học viên tại trường cao đẳng nghề công nghiệp. (Nguồn: TTXVN)

Đó là thông tin được đưa ra tại Quyết định phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quyết định này do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký ngày 10/2/2023.

Giảm cơ sở GDNN công lập, tăng cơ sở GDNN tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài

Theo đó, mục tiêu cụ thể của quy hoạch là đến năm 2025, mạng lưới cơ sở GDNN đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Giảm ít nhất 20% cơ sở GDNN công lập so với năm 2020, trong đó: giảm khoảng 40% trường trung cấp công lập; nâng tỷ lệ cơ sở GDNN tư thục, cơ sở GDNN có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 45%.

Hoàn thành sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở GDNN trên địa bàn cấp huyện.

Đến năm 2030, mạng lưới cơ sở GDNN đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Giảm ít nhất 30% cơ sở GDNN công lập so với năm 2020, trong đó: giảm khoảng 50% trường trung cấp công lập; nâng tỷ lệ cơ sở GDNN tư thục, cơ sở GDNN có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 50%.

Tầm nhìn đến năm 2045 là mạng lưới cơ sở GDNN đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước phát triển, thu nhập cao; chất lượng đào tạo thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực ASEAN; một số cơ sở GDNN bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.

Đến năm 2030, có 3,8-4 triệu lượt người học nghề mỗi năm

Theo cơ cấu mạng lưới cơ sở GDNN, đến năm 2025, có 1.800 cơ sở GDNN, bao gồm 400 trường cao đẳng, 400 trường trung cấp, 1.000 trung tâm GDNN. Trong đó, có 3 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 6 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.

Đến năm 2030, có 1.700 cơ sở GDNN, bao gồm 380 trường cao đẳng, 390 trường trung cấp, 930 trung tâm GDNN. Trong đó, có 6 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 12 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.

Về loại hình sở hữu, đến năm 2025, có 980 cơ sở GDNN công lập, bao gồm: 290 trường cao đẳng, 130 trường trung cấp, 560 trung tâm GDNN; 820 cơ sở GDNN tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm: 110 trường cao đẳng, 270 trường trung cấp, 440 trung tâm GDNN.

Đến năm 2030, có 850 cơ sở GDNN công lập, bao gồm: 260 trường cao đẳng, 110 trường trung cấp, 480 trung tâm GDNN; 850 cơ sở GDNN tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm: 120 trường cao đẳng, 280 trường trung cấp, 450 trung tâm GDNN.

Đến năm 2025, có 70 trường chất lượng cao, trong đó 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, có 3 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20.

Đến năm 2030, có 90 trường chất lượng cao, trong đó 60 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và 6 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20.

Về quy mô tuyển sinh, đào tạo theo trình độ đào tạo đến năm 2025, đạt từ 2,5-2,7 triệu lượt người/năm, trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm khoảng 25%.

Đến năm 2030, đạt từ 3,8-4 triệu lượt người/năm, trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm khoảng 25 - 30%.

Theo ngành, nghề, đến năm 2025, khu vực công nghiệp và xây dựng đạt hơn 1 triệu lượt người, chiếm 38%; nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 670 nghìn lượt người, chiếm 25%; dịch vụ đạt 1 triệu lượt người, chiếm 37%.

Đến năm 2030, khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 1.800.000 lượt người, chiếm 45%; nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 600 nghìn lượt người, chiếm 15%; dịch vụ đạt 1,6 triệu lượt người, chiếm 40%.

Phân bố mạng lưới theo vùng đến năm 2030

Theo phương án phân bổ mạng lưới theo vùng đến năm 2030, vùng trung du và miền núi Bắc bộ chiếm khoảng 14% cơ sở GDNN cả nước. Trong đó có 1-2 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.

26% cơ sở GDNN cả nước tập trung tại vùng đồng bằng sông Hồng. Trong đó có 2-3 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 2-3 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.

Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ chiếm khoảng 26% cơ sở GDNN cả nước. Trong đó có 1-2 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 1-2 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.

6% cơ sở GDNN cả nước tập trung tại vùng Tây nguyên. Trong đó có 1-2 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.

17% cơ sở GDNN cả nước đóng tại vùng Đông Nam Bộ. Trong đó có 1-2 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 2-3 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 11% cơ sở GDNN cả nước. Trong đó có 1-2 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 1-2 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.

Cơ sở GDNN tại các vùng tập trung đào tạo các ngành, nghề theo quy hoạch vùng được phê duyệt.

Theo phương án cơ cấu số lượng đội ngũ nhà giáo GDNN, đến năm 2025, có khoảng 70.000 nhà giáo; phấn đấu thu hút khoảng 14.000 nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề tham gia vào giảng dạy các cấp trình độ của GDNN.

Đến năm 2030, có khoảng 67.000 nhà giáo; phấn đấu thu hút khoảng 50.000 nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề tham gia vào giảng dạy các cấp trình độ của GDNN.

Cơ cấu về chất lượng nhà giáo, đến năm 2025, khoảng 50% nhà giáo giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn có trình độ thạc sỹ trở lên; 20% nhà giáo giảng dạy các ngành, nghề này có trình độ kỹ năng nghề cao hơn một bậc so với yêu cầu chuẩn kỹ năng nghề đối với nhà giáo. Khoảng 60% nhà giáo đạt chuẩn để giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và G20.

Đến năm 2030, khoảng 70% nhà giáo giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn có trình độ thạc sỹ trở lên; 30% nhà giáo giảng dạy các ngành, nghề này có trình độ kỹ năng nghề cao hơn một bậc so với yêu cầu chuẩn kỹ năng nghề đối với nhà giáo. Khoảng 65% nhà giáo đạt chuẩn để giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và G20.

(theo Dân trí)