Theo các chuyên gia, Việt Nam - nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới đang gia tăng xuất khẩu. Dự trữ của Ấn Độ đủ để đáp ứng nhu cầu nội địa. Sản lượng gia tăng từ Myanma và Campuchia. Và kho dự trữ khổng lồ ở Thái Lan có thể nhanh chóng đẩy giá gạo quý IV/2009 giảm khoảng 1/4 so với hiện nay, xuống còn 400 USD/tấn, thậm chí còn thấp hơn nữa.
Điều này đánh dấu một sự thay đổi mạnh mẽ trên thị trường gạo toàn cầu, mức giá hiện tại bằng đúng một nửa mức đỉnh cao 1.080 USD/tấn vào tháng 4/2008, khi khủng hoảng lương thực toàn cầu dâng cao.
Mới đây, Việt Nam đã mở rộng chương trình dự trữ gạo, sau khi Chính phủ thông báo mua thêm 500.000 tấn ngoài 400.000 tấn đã mua vào tháng 8/2009 để ngăn chặn giá giảm. Theo dự báo, sản lượng gạo Việt Nam năm 2009 sẽ đạt 35,99 triệu tấn.
Còn Thái Lan vừa quyết định không hỗ trợ người trồng lúa theo phương thức truyền thống, là mua gạo trực tiếp từ nông dân. Phương thức hỗ trợ mới chỉ bù đắp khoản chênh lệch giá bán thực với một mức giá tham khảo do chính phủ đề nghị. Như vậy, có thể toàn bộ sản lượng 23 triệu tấn của niên vụ 2009/10 sẽ được tung ra thị trường. Ngoài ra, kho gạo dự trữ của chính phủ Thái có thể gây thêm áp lực giảm giá cho thị trường bất cứ lúc nào. Hiện Thái có mức dự trữ cao nhất từ trước tới nay: 7 triệu tấn.
Tại Ấn Độ, dự trữ lúa đã tăng tới 30,1 triệu tấn so với 23,2 triệu tấn một năm trước. Theo các thương gia, mức dự trữ đó đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước chứ chưa đủ để Ấn Độ trở lại thị trường xuất khẩu, với vai trò là nước xuất khẩu lớn nhất nhì thế giới như trước.
Nhiều nước khác cũng đang nỗ lực tăng sản lượng gạo. Trong đó, sự trở lại là nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới của Myanmar, với mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo trong tài khoá kết thúc vào 3/2010, cũng được coi là một nhân tố làm gia tăng áp lực giảm giá gạo.
Theo Sumeth Laomoraporn, Chủ tịch Công ty CP Intertrade (Bangkok), "không có lý do nào để giá tăng lên. Điều mà chúng tôi muốn biết là giá sẽ giảm bao nhiêu bởi người mua sẽ có quyền lựa chọn thời điểm nhập khẩu". Theo các thương gia, giá giảm sẽ kích thích nhu cầu gạo nhập khẩu, nhất là khi những nước nhập khẩu lớn bắt đầu tái xây dựng kho dự trữ vào năm tới, sau khi phải vật lộn chỉ để đảm bảo đủ dùng bởi giá quá cao vào năm 2008. Ông Chookiat, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái cho rằng khối lượng xuất khẩu năm 2010 thậm chí còn cao hơn mức 10 triệu tấn nếu Chính phủ quản lý kho dự trữ một cách khôn khéo, bán dần để không gây thừa cung trên thị trường. Việt Nam có thể sẽ xuất khẩu kỷ lục 6 triệu tấn gạo trong năm nay, và có thể sẽ còn xuất nhiều hơn thế trong năm 2010 nếu Philippines, một trong những khách hàng truyền thống, tăng lượng mua vào khi giá giảm.
Trang Nguyễn