Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, hiện nay cả nước có trên 550.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, đóng góp khoảng 45% GDP, 33% tổng thu ngân sách nhà nước và tạo ra khoảng 62% việc làm trong toàn bộ khu vực DN.
Mặc dù đông về số lượng, nhưng trên thực tế các DNNVV vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận tài chính, chủ yếu do lãi suất vay vốn của các ngân hàng thương mại còn cao và điều kiện cho vay khó đáp ứng. Điều này không chỉ giới hạn khả năng phát triển của các DN mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ tiềm lực của nền kinh tế.
Thành công của doanh nghiệp là cốt lõi
Trước thực trạng đó, Quỹ phát triển DNNVV được thành lập theo quyết định 601 QĐ-TTg của Thủ tướngChính phủ vào ngày 17/4/2013 mang sứ mệnh tìm ra giải pháp giúp các DN nâng cao khả năng kinh doanh, giảm thiểu rủi ro và phát triển bền vững. Qũy là tổ chức nhà nước trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư với số vốn điều lệ 2.000 tỷ Đồng từ ngân sách nhà nước.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn thiếu vốn. (Nguồn: Dautu) |
Coi thành công của DN là cốt lõi, Quỹ hỗ trợ DNNVV tuân thủ nguyên tắc hoạt động là bám sát nhu cầu của DN trong mỗi giai đoạn phát triển. Trong dài hạn, Quỹ tập trung cung cấp giải pháp tài chính đa dạng cho DN thông qua nguồn thu từ hoạt động của Quỹ và thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước, đồng thời mở rộng quy mô hoạt động bắt đầu tư việc xây dựng các văn phòng đại diện tại miền trung và miền nam.
Trong chương trình hỗ trợ năm 2016, Quỹ sẽ triển khai hoạt động cho vay vốn thông qua ngân hàng ủy thác với lãi suất và thời hạn ưu đãi. Cùng với các hoạt động tăng cường năng lực nhằm đảm bảo tính hiệu quả của khoản vay. Cụ thể, khoản vay tối đa lên tới 30 tỷ Đồng, thời hạn không quá 10 năm, thời hạn trả gốc tối đa lên tới 24 tháng. Với khoản vay ngắn hạn, lãi suất là 5,5%/năm, với khoản vay trung và dài hạn lãi suất ổn định ở mức 7%/năm.
Đặc biệt, lãi suất sẽ cố định trong suốt thời hạn vay và sẽ được xem xét giảm nếu lãi suất thương mại thấp hơn lãi suất của Quỹ. Ưu đãi về tài sản bảo đảm, ngân hàng nhận ủy thác cam kết không yêu cầu quá 100% giá trị khoản vay, khuyến khích sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản đảm bảo. DNNVV còn được chủ động trả nợ trước hạn và được miễn phí trả nợ trước hạn. Bên cạnh đó, DNNVV còn nhận được hỗ trợ khác từ ngân hàng nhận ủy thác.
Thực hiện nghị quyết số 35 NQ –CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, Quỹ phát triển DNNVV triển khai 4 chương trình hỗ trợ tài chính cho các DNNVV có dự án, phương án sản xuất kinh doanh vay vốn để thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ sản xuất bao gồm: chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo DNNVV bao gồm cả DN khởi nghiệp đáp ứng được các tiêu chí về đổi mới sáng tạo; hỗ trợ chuỗi sản xuất, chế biến và bảo quản nông, lâm thủy sản; hỗ trợ sản xuất công nghiệp phụ trợ cho ngành điện tử, cơ khí; hỗ trợ hoạt động, quản lý và sử lý rác thải, nước thải.
DNNVV hoạt động trên thời gian 3 năm kể từ thời điểm đăng ký kinh doanh đáp ứng được các tiêu chí của Quỹ. Các chương trình được triển khai cho đến hết ngày 31/12/2016, hoặc đến khi hạn mức của chương trình được sử dụng hết hoặc khi có thông báo thay đổi của Quỹ.
Thêm động lực cho DNNVV
Tại hội thảo “Khởi động chương trình cho vay 2016” được tổ chức tại TP. Hải Phòng gần đây, bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc Quỹ SMEDF cho biết, đa phần các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong tiếp cận tài chính, chủ yếu do lãi suất vay của các ngân hàng thương mại còn cao và điều kiện cho vay không đáp ứng, thủ tục vay vốn phức tạp.
“SMEDF được thành lập nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Mức vốn điều lệ 2.000 tỷ Đồng của Quỹ tuy khiêm tốn nhưng là vốn mồi để thu hút đóng góp của các tổ chức khác cùng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển”, bà Hồng khẳng định.
Bà Hoàng Thị Hồng (trái) tại Hội thảo về Quỹ phát triển DNNVV. (Nguồn: Dautu) |
Để cùng chung tay giúp đỡ DNNVV, bà Hồng cho rằng khối các ngân hàng thương mại cần thay đổi trong chiến lược kinh doanh, đặc biệt nên hướng đến các DNNVV. “Khẩu vị” của các ngân hàng thương mại hiện đang dần hướng đến các đối tượng có nhu cầu lớn về vốn, đó là các DNNVV.
Ông Trần Việt Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng đánh giá, DNNVV bên cạnh những điểm mạnh như vốn đầu tư ban đầu thấp, tổ chức bộ máy gọn nhẹ thì vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như tự phát, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết về kinh tế và kỹ thuật, trình độ quản lý, năng lực tài chính yếu, thị trường nhỏ hẹp, khả năng cạnh tranh không cao.
Vì quy mô nhỏ và vừa nên câu chuyện thiếu vốn trong quá trình sản xuất kinh doanh luôn là vấn đề thường trực của các DN. Vì vậy, trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua, số DNNVV Hải Phòng bị suy giảm nhiều do gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhất là nguồn vốn để duy trì hoạt động cũng như đầu tư phát triển.
“DNNVV có quy mô rộng lớn ngày càng giảm, thậm chí đã có những DN phá sản chỉ sau một khoảng thời gian ngắn hoạt động. Do đó, chúng tôi rất kỳ vọng sự tiếp sức của Quỹ sẽ giúp DNNVV có thêm động lực để đứng vững trước làn sóng hội nhập toàn cầu”, ông Tuấn nói.
Hiện nay, tại dự thảo luật hỗ trợ DNNVV chưa hề đề cập đến vị trí của Quỹ cũng như các quỹ khác như quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia, quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Do vậy, để Quỹ hoạt động hiệu quả, bà Đào Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV thành phố Hải Phòng nêu quan điểm “Trong hệ thống hỗ trợ DNNVV của Chính phủ cần chỉ rõ vai trò và vị trí của Quỹ này như các cơ quan thực hiện hỗ trợ DNNVV của Chính phủ, cơ quan đầu mối thực hiện hỗ trợ tài chính cho các DNNVV, đồng thời là một bộ phận trong hệ thống hỗ trợ DNNVV của Chính phủ”.