Ngoại giao vaccine là một mũi nhọn, một mặt trận quan trọng để triển khai thắng lợi chiến lược vaccine. (Nguồn: VTV) |
Những thông tin tích cực
Chỉ trong một ngày 23/8 đã có nhiều "tin vui” liên quan đến vaccine Covid-19.
Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel cho biết từ nay đến cuối năm 2021, Cuba sẽ cung cấp 10 triệu liều vaccine Covid-19, đồng thời chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam.
Trước đó, tại trụ sở Bộ Y tế đã diễn ra Lễ tiếp nhận 501.600 liều vaccine Astra Zeneca do Chính phủ Ba Lan tặng Việt Nam. Ba Lan cũng công bố sẵn sàng nhượng lại 3 triệu liều vaccine, đồng thời viện trợ 8 tấn trang thiết bị y tế thiết yếu trị giá 4 triệu USD cho Việt Nam.
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến và Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba đồng chủ trì bàn giao 200.000 liều vaccine Vero-Cell của Sinopharm và 201.600 chiếc bơm kim tiêm loại dùng một lần do Bộ Quốc phòng Trung Quốc tặng Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Không chỉ vậy, từ đầu tháng 8, liên tục một loạt nước đã tuyên bố chia sẻ vaccine Covid-19 với Việt Nam, như Anh (415.000 liều), Pháp (hơn 670.000 liều), Czech (tặng 250.000 và nhượng 500.000 liều)…
Mới đây nhất, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris khi đến thăm Việt Nam (24-26/8) đã mang theo "món quà" là 1 triệu liều vaccine, nâng tổng số vaccine mà Mỹ tặng cho Việt Nam là 6 triệu liều.
Ngày 25/8, Đại sứ Romania tại Việt Nam Cristina Romila trao tượng trưng 300.000 liều vaccine AstraZeneca do Chính phủ Romania tặng Việt Nam cho lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế.
Ngày 26/8, Australia tuyên bố trong tuần sẽ chuyển cho Việt Nam 400.000 liều vaccine, đợt đầu tiên thực hiện cam kết chia sẻ 1,5 triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca cho Việt Nam để chống dịch Covid-19.
Những hành động nghĩa cử cao đẹp của bạn bè, đối tác quốc tế dành cho chúng ta trong bối cảnh khan hiếm vaccine đang là tình trạng của toàn cầu, chính là kết quả quá trình tìm hiểu, vận động, thúc đẩy, đàm phán của Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các cơ quan liên quan cùng hơn 90 cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, trong một nỗ lực chung có tên là “ngoại giao vaccine”.
Con đường hiệu quả nhất
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, ngoại giao vaccine thực chất là việc tranh thủ các mối quan hệ song phương và đa phương thông qua các tổ chức quốc tế để tăng cường tiếp cận vaccine cho người dân.
Ngay sau khi dịch bùng phát trên thế giới và tại Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã sớm dự báo và có những chỉ đạo về tổng thể công tác phòng, chống dịch, trong đó có triển khai chiến lược vaccine.
Trong chiến lược vaccine này, ngoại giao vaccine là một mũi nhọn rất quan trọng, là giải pháp vừa có ý nghĩa cấp bách, vừa lâu dài nhằm bảo đảm nguồn vaccine để bảo vệ sức khỏe nhân dân, đồng thời tạo điều kiện khôi phục các hoạt động kinh tế, sản xuất, kinh doanh bình thường.
Trong tình hình thiếu hụt vaccine và tiếp cận bất bình đẳng về vaccine trên toàn cầu và vaccine do Việt Nam sản xuất vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, ngoại giao vaccine là con đường hiệu quả nhất nhằm giúp đất nước tiếp cận các nguồn vaccine trên thế giới.
Thời gian vừa qua, chiến lược vaccine và ngoại giao vaccine đã được triển khai một cách hết sức bài bản, quyết liệt trên nhiều cấp khác nhau, đặc biệt ở cấp cao.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và đặc biệt là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có sự quan tâm, chỉ đạo và trực tiếp tham gia, thông qua ngoại giao song phương, ngoại giao đa phương, kể cả các hình thức điện đàm, viết thư cho lãnh đạo các nước, đối tác, để có thể tiếp cận nguồn vaccine.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành trong đó có Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và hơn 90 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc.
Đại sứ Romania tại Việt Nam Cristina Romila trao tượng trưng 300 nghìn liều vaccine Astra Zeneca ngừa Covid-19 do Chính phủ Romania tặng Việt Nam cho Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và Thứ trưởng Bộ Y Trần Văn Thuấn ngày 25/8. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Tính tới nay, lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, các đại sứ Việt Nam ở nước ngoài đã thực hiện hàng trăm cuộc làm việc, trao đổi, tranh thủ tiếp cận các nguồn vaccine từ các quốc gia. Không có cuộc làm việc đối ngoại nào không đề cập hợp tác về vaccine cũng như tiếp cận nguồn vaccine của các đối tác.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia hết sức tích cực vào ngoại giao vaccine ở kênh đa phương, kêu gọi cộng đồng quốc tế có giải pháp về vấn đề bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine và khan hiếm vaccine. Việt Nam cũng đã đóng góp 500.000 USD vào quỹ vaccine toàn cầu.
Ngoại giao vaccine không chỉ dừng ở tiếp cận, nhập khẩu vaccine, Việt Nam đang thúc đẩy sâu hơn nữa, tích cực hơn nữa việc hợp tác chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine để phục vụ cho việc sản xuất, bởi đây là bài toán cơ bản để Việt Nam bảo đảm nguồn vaccine ổn định, lâu dài.
Đến nay, Việt Nam đã nhận được hơn 24 triệu liều vaccine từ cơ chế COVAX, hỗ trợ của các nước và các hợp đồng đã ký kết. Nhiều nước, đối tác đã cam kết hoặc đang xem xét tích cực việc hỗ trợ thêm vaccine cho Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều nước, tổ chức quốc tế cũng như kiều bào ta tại nước ngoài đã hỗ trợ trang thiết bị y tế phục vụ kịp thời và thiết thực công tác phòng chống dịch trong nước. Chúng ta đã nhận được hơn 6.368.000 bộ xét nghiệm, gần 600.000 khẩu trang các loại, khoảng 600 máy tạo oxy, 300 máy nén oxy, 100 tấn oxy hóa lỏng, 30 máy thở và 77 tủ lạnh bảo quản vaccine cùng nhiều thiết bị y tế phục vụ công tác điều trị bệnh nhân và phòng chống dịch. Một số doanh nghiệp của ta đã đàm phán, hợp tác với các đối tác Mỹ, Nga, Nhật, Đức, Cuba… trong chuyển giao công nghệ sản xuất nhằm đạt mục tiêu tự chủ về vaccine vào năm 2022. Công ty Vabiotech ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp Nga về đóng ống vaccine Sputnik-3 từ bán thành phẩm, Vingroup đạt thỏa thuận với nhà sản xuất Mỹ về chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid từ tinh chất mRNA… Về hỗ trợ sản xuất vaccine trong nước, công ty Nanogen đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Vekaria của Ấn Độ để thử nghiệm và sản xuất vaccine Nanocovax. |
Tìm cơ hội trong khó khăn
Tình hình vận động ngoại giao vaccine hiện đang gặp nhiều khó khăn. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo, tình hình khan hiếm vaccine sẽ tiếp tục diễn ra hết sức nghiêm trọng do nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu, đứt gãy chuỗi sản xuất và sự tích trữ quá mức của các nước phát triển.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, thế giới mới sản xuất được 4,5 tỷ liều vaccine, so với 10 tỷ liều cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng. Trong khi đó, sự nguy hiểm của biến chủng Delta và xuất hiện các biến chủng mới (Lambda) khiến nguồn vaccine tiếp tục bị thu hẹp, các nước tích trữ vaccine để tiêm nhắc lại, hoặc tiêm mũi thứ ba cho người dân.
Tiến trình thực hiện các cam kết và bàn giao vaccine cũng được triển khai khá chậm. Bên cạnh đó, tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn vaccine cũng làm gia tăng sự khan hiếm vaccine với nhiều quốc gia.
Hai triệu liều vaccine Covid-19 do Mỹ hỗ trợ thông qua Cơ chế COVAX đến Việt Nam ngày 10/7. (Nguồn: UNICEF) |
Trong nước, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương phía nam, khiến nhu cầu về vaccine càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Mục tiêu đặt ra là 150 triệu liều vaccine để đến đầu năm 2022 tiêm chủng cho 70% dân số, tuy nhiên, hiện nay số lượng vaccine về nước vẫn còn hạn chế và số người được tiêm mới chỉ đạt hơn 16 triệu người.
Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng chia sẻ, tình trạng khan hiếm vaccine xảy ra không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các nước, đặc biệt là tại các nước đang phát triển.
Bà cũng cho biết, Việt Nam đã rất chủ động trong đàm phán để có được các nguồn vaccine, nhưng đạt thỏa thuận không có nghĩa là các hãng vaccine sẽ chuyển giao đúng thỏa thuận, đúng thời hạn.
Ngoài ra, trong vấn đề vaccine, có một số nguyên tắc, cách làm nhất định. Đó là việc xuất khẩu vaccine phải do chính phủ hoặc bộ ngoại giao quyết định. Khi đàm phán về vaccine không phải các doanh nghiệp có toàn quyền quyết định vấn đề này.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, các hãng sản xuất vaccine có thể có những đối tác sản xuất ở các nước khác nhau, nhưng quyền quyết định bán, phân phối cho nước nào, phân phối bao nhiêu, thời điểm nào thì thuộc về các hãng sản xuất chính.
Khó khăn là vậy, nhưng qua tìm hiểu, đánh giá tình hình của hơn 90 cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, có thể thấy rằng chúng ta vẫn có cơ hội thúc đẩy việc vận động các nước, các đối tác, nhất là với các nước đang bước vào giai đoạn dư thừa vaccine do đã tiêm cho phần lớn dân số, và tích trữ quá nhiều trong khi vaccine có hạn sử dụng nhất định.
Quyết liệt, tăng tốc hơn nữa
Trong Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 vào tháng 7, “với tinh thần "chống dịch như chống giặc", bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tha thiết kêu gọi: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.
Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 với nhiều nội dung tạo điều kiện để Chính phủ chủ động, linh hoạt xử lý các tình huống cụ thể đáp ứng yêu cầu khẩn cấp trong phòng chống dịch bệnh.
Trên tinh thần cố gắng, quyết tâm hơn nữa, Chính phủ và trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu là cần phải tăng tốc hơn trong việc triển khai một cách hiệu quả hơn, quyết liệt hơn "ngoại giao vaccine" trong thời gian tới.
Và có lẽ đó chính là lý do dẫn đến việc ngày 13/8, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng, thành viên là lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các Bộ Ngoại giao, Y tế, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Khoa học-Công nghệ, với nhiệm vụ xúc tiến, vận động viện trợ vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc phòng, chống dịch từ các đối tác song phương và đa phương.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh họp với Tổ công tác của Chính phủ về Ngoại giao vaccine ngày 24/8. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Tại cuộc họp với Tổ công tác ngày 24/8, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định ngoại giao vaccine là “mặt trận” quyết định thành công của chiến lược vaccine của Chính phủ.
Trước đó, trong cuộc họp đầu tiên ngày 16/8 của Tổ công tác, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, phương châm của ngoại giao vaccine là “chủ động tiến công”, phối hợp chặt chẽ, sáng tạo, hiệu quả.
Các thành viên Tổ Công tác đã trao đổi nhiều biện pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh vận động vaccine, chú trọng đẩy mạnh vận động cấp cao và các cấp, đôn đốc các hãng sản xuất cung cấp vaccine nhanh nhất và sớm nhất, thúc đẩy khả năng các nước nhượng lại vaccine trong giai đoạn cấp bách hiện nay.
Trong Công điện gần nhất ngày 23/8 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc" xác định: Điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu, Bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu. Vaccine, thuốc điều trị là chiến lược.
Công điện cũng nêu rõ “tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao vaccine” để có sớm nhất, nhiều nhất vaccine. Thúc đẩy mạnh mẽ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước. Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhập khẩu vaccine nhưng phải bảo đảm vaccine thuộc danh mục Bộ Y tế cấp phép và rõ nguồn gốc xuất xứ. Khẳng định tinh thần: vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất; khắc phục ngay tình trạng chờ đợi lựa chọn vaccine.
Với những chính sách bài bản, xuyên suốt; sự quyết tâm cao, việc triển khai chủ động, quyết liệt và tăng tốc hơn nữa của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan về ngoại giao vaccine, hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng trong thời gian tới Việt Nam sẽ có được thêm nhiều nguồn vaccine và trang thiết bị y tế, thuốc điều trị.
Nguồn "tiếp tế" này kịp thời đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của người dân và bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, từng bước phục hồi kinh tế và đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.