📞

Quyết tâm thoát khí đốt Nga, EU đã tìm ra nhà cung thay thế?

Hải An 09:29 | 04/05/2022
Hôm 3/5, hãng tin Bloomberg dẫn một tài liệu dự thảo của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, các quốc gia ở châu Phi (như Nigeria, Senegal và Angola) có tiềm năng lớn về khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) chưa được khai thác.
Đường ống tại trạm phân phối khí đốt ở Gustorzyn, miền Trung Ba Lan. (Nguồn: Reuters)

Theo đó, Ủy ban châu Âu sẽ công bố kế hoạch hợp tác năng lượng với các quốc gia Tây Phi và các nhà cung cấp khác vào cuối tháng 5, một phần nỗ lực cắt giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga trong bối cảnh chiến dịch quân sự đang leo thang tại Ukraine.

EU cam kết sẽ cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga vào năm 2023, hướng tới hoàn toàn không phụ thuộc vào năng lượng Moscow trước năm 2030.

Để đạt được mục tiêu này, châu Âu phải tái thiết lập quan hệ với các nhà cung cấp khí đốt truyền thống và tiếp cận những nhà cung cấp mới. Tài liệu giải thích rằng, cho đến năm 2030, khối này cần tăng cường nhập khẩu thêm 50 tỷ m3 LNG mỗi năm và thúc đẩy vận chuyển khí đốt từ các quốc gia khác ngoài Nga.

Ngoài ra, tài liệu nêu rõ, EU phải thực hiện đầy đủ các thỏa thuận với Mỹ về LNG, đồng thời mở rộng thương mại với các nhà cung cấp như Ai Cập, Israel, Azerbaijan và Australia.

Việc EU thúc đẩy tự ngăn dòng khí đốt của Nga theo các lệnh trừng phạt liên quan đến xung đột ở Ukraine đã khiến châu Âu tích cực tìm nguồn cung thay thế trong bối cảnh giá cả toàn cầu tăng mạnh và giá LNG cao. Nga là nhà cung cấp năng lượng chính cho EU, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu LNG của khối.

Theo sắc lệnh ký kết hồi cuối tháng 3, Tổng thống Vladimir Putin đã yêu cầu người mua từ các quốc gia “không thân thiện” phải thanh toán khí đốt Nga bằng đồng Ruble nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow.

Các nhà kinh tế cho rằng đây không phải là điều dễ dàng. Hầu hết 27 quốc gia thành viên EU dựa vào khí đốt Nga để sưởi ấm, sinh hoạt và sản xuất điện.

Giới chuyên gia cảnh báo, việc giảm phụ thuộc vào nguồn khí đốt dồi dào, giá rẻ của Nga sẽ là một viễn cảnh vô cùng khó khăn.

Một số quan chức EU thừa nhận rằng, sự thay đổi đột ngột từ năng lượng của Nga sẽ rất nan giải, gây ra suy thoái và lạm phát nghiêm trọng đối với nền kinh tế châu Âu.

(theo Báo Tin tức)