Tối ngày 23/11, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam phối hợp cùng Quỹ Văn hóa Hà Nội đã tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (ngày 23/11) và ra mắt Trung tâm Xúc tiến, Quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam.
Lễ kỷ niệm được tổ chức tại Nhà hát Chèo Việt Nam với hình thức biểu diễn nghệ thuật phối hợp giữa chèo, xẩm, ví giặm, đờn ca tài tử. Đặc biệt, lần đầu tiên trên sân khấu chuyên nghiệp xuất hiện nghệ thuật Thư pháp hành vi - loại hình nghệ thuật truyền thống theo phong cách đương đại. Tại đây, các thành viên trong Nhị thập bát tú - 28 vị tinh tú nhất của giới thư pháp Việt Nam, vừa lắng nghe các lão nghệ nhân dân gian hát chầu văn, vừa xuất tâm cảm thụ chủ đề của bản văn được hát thành chữ đại tự trên khổ giấy cao 10m.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật tối ngày 23/11. (Nguồn: Laodongxahoi) |
Ngoài ra, chương trình còn tái hiện nghi lễ hầu bóng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt - di sản văn hóa phi vật thể đang được đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.
Chương trình biểu diễn này đánh dấu mốc đầu tiên trong quá trình hoạt động của Trung tâm Xúc tiến, Quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam. Theo quyết định thành lập, Trung tâm là đơn vị xã hội nghề nghiệp tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản để giao dịch theo quy định của pháp luật và chấp hành quy chế của Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Giáo sư Hoàng Chương - Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cho biết, kể từ khi được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận ngày 23/11 hàng năm là ngày Di sản văn hóa Việt Nam vào năm 2004 đến nay, Việt Nam đã bảo vệ thành công 15 hồ sơ di sản, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, nâng tổng số Di sản văn hóa thế giới của Việt Nam lên 17 - đứng đầu Đông Nam Á về số lượng di sản.
Theo Giáo sư Hoàng Chương, ngoài những di sản đã được UNESSCO công nhận, còn có 161 di sản văn hóa phi vật thể của người Việt hiện vẫn được nhân dân lưu giữ. Vì vậy, việc thành lập trung tâm xúc tiến di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam là hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm quảng bá và phát huy những giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể đến người dân trong và ngoài nước.
Được biết, Trung tâm sẽ tổ chức các hoạt động về di sản, tổ chức sự kiện và cung cấp dịch vụ về xúc tiến, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ hơn nữa giữa Việt Nam và các nước và tạo cơ hội để các nghệ nhân, nghệ sĩ, cá nhân được thể hiện tài năng trên môi trường quốc tế.