Trong những nỗ lực chống đại dịch Covid-19, Tổ chức Y học cộng đồng, Trung tâm Phát hiện sớm Ung thư và Chăm sóc giảm nhẹ DecaCare cùng công ty M&M Production House đã phối hợp chuyển ngữ biên dịch cuốn sách Sơ cứu tâm lý: Hướng dẫn dành cho nhân viên y tế tại hiện trường.
Theo một số báo cáo trong đại dịch Covid-19 tại Trung Quốc, tỉ lệ lo lắng tăng lên tới 30%, trầm cảm tăng 17% và rối loạn căng thẳng sau sang chấn tăng 35%.
Số liệu tương tự cũng đã được ghi nhận tại nhiều nước như Italy, Ấn Độ, Bangladesh và Nhật Bản, nhất là ở những người phải cách ly. Số ca tự tử do nhiều nguyên nhân cũng đã tăng lên.
Đội ngũ biên dịch chuyển ngữ và Tổ chức Y học cộng đồng hy vọng ấn phẩm sẽ là sự hỗ trợ hữu ích và thiết thực tới những người đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (Ảnh: Đỗ Thành Đạt) |
Theo một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Phòng ngừa bệnh mạn tính, các rối loạn tâm lý như lo âu hoặc sợ hãi và các tình trạng liên quan làm tăng tỷ lệ tử vong cao hơn 28%, đứng thứ 2 chỉ sau béo phì (30%). Bài báo này cũng đã kết luận, các rối loạn lo âu là một trong những yếu tố nguy cơ cao nhất liên quan tới tình trạng nặng nề của bệnh Covid-19.
Trước diễn biến căng thẳng của dịch bệnh và đối sách chống dịch tại Việt Nam, nhiều chuyên gia dự đoán rằng số người bị rối loạn tâm lý cũng sẽ tăng cao. Thêm vào đó, các rối loạn căng thẳng sau sang chấn không xuất hiện ngay mà có thể đến sau khi dịch bệnh kết thúc.
Bên cạnh các hoạt động sơ cứu cấp cứu y tế thường gặp, sơ cứu tâm lý cũng được đánh giá là phương pháp thiết yếu giúp những cá nhân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, dịch bệnh hay những sự cố đau thương khác cải thiện tâm trạng và tái thiết lập lại cuộc sống.
Sơ cứu tâm lý (PFA) được thiết kế với mục đích hỗ trợ giảm thiểu cảm giác đau đớn do các sự kiện không mong muốn gây ra, đồng thời thúc đẩy khả năng thích ứng và đối phó với các vấn đề trong tương lai.
Sơ cứu tâm lý đã được các tổ chức chuyên môn cấp quốc gia và quốc tế xây dựng và khuyến cáo, bao gồm Ủy ban Thường vụ Liên cơ quan (IASC) và Nhóm chuyên gia Dự án.
Năm 2009, Nhóm Phát triển Hướng dẫn mhGAP của Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã đánh giá bằng chứng và kết luận rằng: “Việc sơ cứu tâm lý nên được cung cấp cho những người gặp khủng hoảng nghiêm trọng sau khi trải qua đau thương thay cho phương pháp “phỏng vấn tâm lý”.
Ngoài ra, việc tập hợp và hướng dẫn cho nhiều tình nguyện viên tự phát trong cộng đồng biết cách hỗ trợ tâm lý thích hợp cho người khó khăn là một giải pháp quan trọng.
Với phiên bản Việt hóa được chuyển ngữ cẩn thận, chắt lọc từ vựng phù hợp, ấn phẩm sẽ đem đến những kiến thức thực tế hữu ích và định hướng các bước bài bản cho những người có mong muốn hỗ trợ tâm lý cộng đồng.
Sau khi ra mắt, nhận được nhiều sự ủng hộ của các nhà chuyên môn và độc giả, đội ngũ biên dịch chuyển ngữ và Tổ chức Y học cộng đồng đã phối hợp cùng bác sĩ Hồ Nhật Quang, dự án Đường dây nóng Ngày mai, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ A. Yersin và Cổng thông tin Y học hiện đại Medinsights thực hiện những hoạt động truyền thông với mong muốn truyền tải những thông tin hữu ích cũng như kết nối chuyên gia tới cộng đồng.
Tổ chức Y học cộng đồng là dự án thiện nguyện do hơn 400 bác sĩ và cộng tác viên trong và ngoài nước chung tay xây dựng từ năm 2012 với mục tiêu cải thiện dân trí về y tế. Sau gần 10 năm hoạt động, dự án hiện có hơn 4000 bài viết, 600 video clips và sách về cách phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị các loại bệnh nhằm cải thiện sức khỏe của cộng đồng. |