Buổi ra mắt cuốn sách tại Hà Nội: ngồi giữa hàng đầu cầm cuốn sách là tác giả Mary Zurbuchen, bên trái là ông Phạm Văn Chương; bên phải lần lượt là bà Minh Kauffman và ông Bùi Thế Giang. |
Có mặt hôm ấy, ngoài tác giả Mary S. Zurbuchen và bà Minh Kauffman còn có ông Phạm Văn Chương, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, nguyên Trưởng Ban Tiếp nhận viện trợ nhân dân PACCOM; ông Bùi Thế Giang, nguyên Vụ trưởng Vụ Đối ngoại Nhân dân Ban Đối ngoại Trung ương; ông Nguyễn Quý Bính, nguyên Vụ trưởng Vụ Luật pháp quốc tế BNG, Đại sứ trưởng Phái đoàn VN tại LHQ, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva; ông Nguyễn Vũ Tú (nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ T/p HCM, nguyên Đại sứ VN tại Hàn Quốc); bà Nguyễn Thu Hà – nguyên Phó Tổng giám đốc Vietcombank… cùng nhiều anh chị từ nhiều cơ quan khác nhau. Tất cả đều có chung một điểm là đã từng là Fulbrighter, là Harvard – Yenching Institute hay Ford Foundation scholars của những năm 90 của thế kỷ trước và những năm đầu thế kỷ này.
Buổi ra mắt cuốn sách The Excellent Bridge tại Tp. HCM. |
Điều đặc biệt là chỉ ít ngày sau buổi giới thiệu cuốn sách tại Hà Nội, đã diễn ra một buổi giới thiệu sách khác tại T/p HCM, với sự tham dự của đông đảo Fulbrighter, Harvard-Yenching Institute, Ford Foundation scholars sinh sống và công tác ở đây, trong đó có ông Lê Mạnh Hà - nguyên Phó Chủ tịch UBND T/p HCM, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Ngô Đức Mạnh - nguyên Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội, nguyên ĐS VN tại Nga; TS Nguyễn Nam đến từ Đại học Fulbright Việt Nam; ông Võ Trọng Chí, nguyên Trưởng đại diện ĐH Cần Thơ tại T/p HCM; ông Đoàn Hữu Đức, CEO & Founder, Vietnam Consulting Group; bà Lý Lan Phương đến từ Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit Corp) và hiện đang là Chủ tịch Hội đồng quản lý STG (tổ chức mới hình thành để tiếp quản di sản của CEEVN)...
Chị Minh Kauffman chia sẻ cảm tưởng tại buổi giới thiệu sách ở Tp. HCM. |
Từ Hà Nội đến TP. HCM, cả hai cuộc gặp đều đầy ắp những tiếng cười, những lời thăm hỏi, lời chúc, chia sẻ về những kỷ niệm đẹp của một thời, cùng những bâng khuâng, hồi tưởng. Tại Tp. HCM, mọi người còn trao đổi và giới thiệu Quỹ Sáng kiến chung tay phát triển cộng đồng tự lực – Stronger Together Fund for Asset-Based Community Development, sau khi Trung tâm trao đổi giáo dục với Việt Nam (CEEVN) chính thức ngừng hoạt động.
*
* *
Sau khi VN thống nhất vào năm 1975, khi Việt Nam và Mỹ rất ít có quan hệ do còn trong tình trạng thù địch, ít ai biết Mennonite Central Committee (MCC) là một trong số rất ít tổ chức phi chính phủ của Mỹ còn duy trì hoạt động tại VN, hỗ trợ chống đói nghèo, khi đó văn phòng còn đóng ở Bangkok.
Vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, với nỗ lực của bà Minh Kauffman và chồng là Fred Kauffman, MCC Center for Educational Exchange Programs (EdEx) đã được lập ra, với mục đích hỗ trợ trao đổi các nhà chuyên môn và học thuật Việt Nam với các nước Đông Nam Á. Đến năm 1994, EdEx chính thức chuyển thành Center for Educational Exchange with Vietnam (CEEVN) và mở văn phòng tại 91 Thợ Nhuộm, Hà Nội.
Không lâu sau đó, CEEVN trở thành đại diện của Hội đồng các tổ chức Học thuật Hoa Kỳ (ACLS) và là đối tác chính của Viện hàn lâm KHXH Việt Nam. Bên cạnh đó, Quỹ Ford cũng nhờ CEEVN hỗ trợ triển khai nhiều chương trình. Từ đây, CEEVN tiếp tục chặng đường dài hơn hai thập kỷ thúc đẩy hợp tác, trao đổi học thuật, giáo dục, chuyên môn của Việt Nam với nước ngoài cho đến năm 2020[i].
Tác giả Mary Zurbuchen và bà Minh Kauffman cùng ông Bùi Thế Giang. |
Giáo sư Nguyễn Duy Quý, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhận xét: “CEEVN không đến Việt Nam với những lời khuyên rỗng tuếch, mà với những ý tưởng cụ thể và các chương trình thiết thực nhằm giải quyết những nhu cầu rất cụ thể; không phải với những lời nói suông hay tranh luận về lý luận, mà bằng những hành động thực tế, cụ thể và đầy tính thuyết phục”[ii].
Xuyên suốt hành trình ấy của CEEVN là sự tham gia bền bỉ, thấu hiểu và rất có hiệu quả của bà Minh Kauffman.
Tác giả Mary S. Zurbuchen, bà Minh Kauffman cùng nguyên đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh tại buổi ra mắt sách ở Tp. HCM |
Ông Ngô Đức Mạnh, một Fulbrighter, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội, nguyên Đại sứ VN tại Liên bang Nga, đã chia sẻ trên FB về những thành công của CEEVN như sau:
“Trong gần 20 năm, là Giám đốc của CEEVN, bà Minh Kauffman và các cộng sự của mình đã cố gắng không mệt mỏi, vượt qua những khó khăn tưởng không thể vượt qua, rất sáng tạo và chuyên nghiệp, để lập chương trình, tuyển chọn, phỏng vấn, thu xếp và quản lý các chương trình học bổng của Quỹ Ford, Fulbright… tài trợ gần 2.000 học bổng, các chuyến tham quan nghiên cứu dành cho cán bộ lãnh đạo và cán bộ cao cấp, các nhà quản lý và nghiên cứu khoa học ở Hoa Kỳ và cả ở Việt Nam”.
Quả là những con số đầy ấn tượng và nói lên rất nhiều. Xin được bổ sung đó là chưa kể đến sự thụ hưởng từ hoạt động của CEEVN của các cơ quan quản lý nhà nước và nghiên cứu khoa học, các cộng đồng người từ các địa phương từng ấy năm tháng, chắc chắn không thể đếm trên con số nghìn.
Theo tác giả của cuốn sách, trong những năm đầu hoạt động, CEEVN hiểu bối cảnh của sự hòa giải giữa hai nước, hiểu sự nghi kỵ và oán giận còn rất cao trong nhiều quan chức từ cả hai nước, đã làm rất tốt vai trò trung gian tuy âm thầm nhưng có tầm ảnh hưởng tới giao thiệp, hòa giải và đối thoại giữa hai nước trong lĩnh vực phát triển xã hội.
Ông Nguyễn Quang Dy – nguyên cán bộ của Trung tâm báo chí nước ngoài Bộ Ngoại giao, nguyên nghiên cứu viên của Harvard Nieman Fellow 1993, cho rằng trong thời kỳ đầu này, “CEEVN không chỉ có bước đi ban đầu đúng hướng, mà còn đóng một vai trò thiết yếu là ‘bên kết nối hệ thống’ trong việc hợp tác và điều phối cùng với các đối tác”, “là cây cầu kết nối các khoảng cách và các điểm lại với nhau”.
Từ phải sang: TS Nguyễn Nam, bà Minh Kauffman, Ms Mary Zurbuchen, ông Đoàn Hữu Đức (CEO & Founder, Vietnam Consulting Group). |
TS Nguyễn Nam, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Việt Nam tại ĐH Fulbright đánh giá: “Câu chuyện của CEEVN, của bà Minh Kauffman và rất nhiều người khác có tên trong cuốn sách cũng là một phần quan trọng, không thể thiếu của tiến trình bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Hoa kỳ”.
Về phần mình, để có được sự thành công trong công việc trong suốt mấy chục năm qua, theo bà Minh: “CEEVN có được sự tin cậy của nhiều quan chức Chính phủ VN, nhiều học giả và các nhà chuyên môn thuộc nhiều lĩnh vực… Những tài sản xã hội này tạo ra một mạng lưới các cá nhân và cơ quan ủng hộ nỗ lực của CEEVN mỗi khi CEEVN mở một chương trình mới, với một loạt các chuyên gia mà CEEVN có thể tìm những lời khuyên và sự hướng dẫn”[iii].
Đại sứ Nguyễn Vũ Tú nhận xét cách làm việc của bà Minh Kauffman là “tư duy vượt giới hạn” (out-of-the-box thinking”), không theo lối mòn mà sáng tạo ra cách đi mới; dù mang danh nghĩa làm việc cho Quỹ Ford, nhưng bà vẫn thể hiện cái riêng, cái độc lập của mình. Không những thế, những ai đã từng làm việc với bà Minh hẳn còn nhớ bà thường nêu vấn đề của đối tác Mỹ, sau đó lắng nghe ý kiến của phía ta, thậm chí hỏi định làm thế này thế kia với phía Mỹ thì về phía VN “có được không?”. Lắng nghe, thấu hiểu, từng bước đưa hai bên xích lại gần nhau, biến cái không thể thành cái có thể, đó là bà Minh Kauffman.
Ẩn sau tất cả những phương cách làm việc ấy phải có một điều gì đó tạo nên sự khác biệt. Chúng tôi những Fulbrighter, những Harvard – Yenching Institute và Ford Foundation grantee đã có không ít lần trao đổi, và đều thừa nhận rằng nếu đơn thuần là một người Mỹ da trắng, hay một người Mỹ gốc Thái lan, gốc Philippines chẳng hạn, bà Minh không thể đạt đến những thành công của mấy chục năm qua. Câu trả lời đã được ông Nguyễn Xuân Phong – nguyên Vụ trưởng Vụ Châu Mỹ, Bộ Ngoại giao đưa ra, đó là do bà Minh thấu hiểu điều kiện và truyền thống của VN, bởi bà “vẫn mang trong mình tâm hồn của một người Việt dù là công dân Mỹ”[iv].
Với những đóng góp to lớn của mình, bà Minh Kauffman đã được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý của VN, đặc biệt phải kể đến Huy chương Hữu nghị của Chủ tịch nước (2005), Kỷ niệm chương của Quốc hội (2016); tiếp đó là Kỷ niệm chương của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2007), Bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao (2008), Kỷ niệm chương của Viện Khoa học xã hội VN (2005), Huy chương vì sự nghiệp khuyến học của Hội khuyến học VN (2005), Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Nông nghiệp và PTNT (2006), Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục (2007), Bằng khen của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị VN (2014); cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các địa phương mà CEEVN có nhiều quan hệ.
*
* *
CEEVN cùng bà Minh Kauffman là một chặng đường đặc biệt thành công và sẽ còn để lại dấu ấn lâu dài, có ý nghĩa ở Việt Nam.
-----------------------------------------
[i] Hai cấu thành lớn nhất của CEEVN là thực hiện chương trình Fulbright từ 1992 đến 1999, và các chương trình của Quỹ Ford từ 1992 đến 2009.
[ii] The Excellent Bridge, tr. 12.
[iii] Sách đã dẫn, tr. 81.
[iv] Sách đã dẫn, tr. 142.
THE EXCELLENT BRIDGE: The Journey of the ACLS Center for Educational Exchange with Vietnam (CẦU NỐI TUYỆT VỜI Hành trình của Trung tâm Trao đổi Giáo dục với Việt Nam thuộc Hội đồng các Tổ chức Học thuật Mỹ Tác giả: Mary S. Zurbuchen Chịu trách nhiệm hiệu đính và bổ sung nguồn tài liệu: Justin Peters Người dịch: Minh Kauffman - CEEVN American Council of Learned Societies, New York, 2020 Cuốn sách gồm Lời tựa, Lời giới thiệu và 5 Chương: Chương 1. With Honest Purpose: kể về gia đình Kauffman, việc bà Minh tham gia các công việc từ thiện theo MCC từ trước CEEVN, từ thời còn ở Ấn Độ, Campuchia, việc mở Phòng đọc tại Trung tâm thông tin Viện KHXHVN… Chương 2. The Excellent Brigde: tiếp tục mô tả hoạt động của Chương trình Fulbright và của Quỹ Ford, cùng với vai trò trung gian của bà Minh Kauffman những năm 90 của thế kỷ 20 và những năm đầu thập niên của thế kỷ 21 xuyên qua quá trình BTHQH giữa VN và Mỹ (7/1995) với không ít khó khăn; việc chuyển EdEx từ Bangkok về Hà Nội đầu năm 1994, đăng ký hoạt động là NGO với đối tác là Ủy ban Khoa học Xã hội (nay là Viện Hàn lâm KHXH VN), từng bước tạo được chỗ đứng vững chắc, thiết lập quan hệ công tác với các bộ ngành trung ương. Chương 3. Right Place, Right Time: những năm sau đó là việc tổ chức các chuyến thăm của các lãnh đạo cao cấp của VN tới Mỹ, do CEEVN tổ chức bằng tài trợ của Quỹ Ford, cùng các chuyến đi trao đổi từ nhiều bộ ngành, được chính những người tham gia đánh giá là hữu ích để thấy được thực tế cuộc sống. Các Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công An, Học Viện CTQG Hồ Chí Minh, Bộ NN&PTNT là những cơ quan lớn tham gia. Chương 4. Reaching Farther for Social Justice: CEEVN thực hiện chương trình học bổng Ford Foundation International Fellowships Program (IFP) trong 10 năm, tạo cơ hội toàn quốc cho các đối tượng thiếu cơ hội tiếp cận với giáo dục bậc cao (người yếm thế, người thiểu số, vùng sâu vùng xa, Tây Nguyên). Chương 5. Stronger Together: Chương cuối cuốn sách ghi lại những diễn biến trong việc CEEVN hỗ trợ cộng đồng địa phương bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân gian, xây dựng mạng lưới ABCD (Asset-based Community Development) sau này được nhân rộng thành công tại Bộ NN&PTNT. (không xuất phát từ “cái đang thiếu” mà từ “cái đang có”). Việc CEEVN tiếp tục các chương trình của FF cả những năm sau khi FF đóng cửa Văn phòng tại HN vào năm 2009. Kết thúc hoạt động của CEEVN vào năm 2019, bà Minh Kauffman đã cùng mọi người trao đổi để đi đến việc thành lập Trung tâm nghiên cứu, tư vấn, đào tạo về phát triển địa phương STG. ------------------- Lời giới thiệu Cuốn sách này ghi lại hành trình của một tổ chức phi chính phủ (NGO) Mỹ đã làm việc trực tiếp với người dân Việt Nam trong hơn ba thập kỷ qua. Câu chuyện về Trung tâm Trao đổi Giáo dục với Việt Nam - sau đây gọi tắt là CEEVN - thuộc Hội đồng các Tổ chức Học thuật Mỹ (ACLS) được ghi chép lại từ lịch sử qua lời kể và nghiên cứu hồ sơ lưu trữ. Hành trình bắt đầu từ sau khi chấm dứt cuộc chiến tranh của Mỹ năm 1975, khi nhiều tổ chức tình nguyện tư nhân khác nhau của Hoa Kỳ tham gia vào nỗ lực cứu trợ, phát triển xã hội và xây dựng hòa bình, và kết thúc vào năm 2020 khi CEEVN, với sứ mệnh đã hoàn thành và di sản được gìn giữ, chuẩn bị ngừng hoạt động tại Việt Nam. Trung tâm Trao đổi Giáo dục với Việt Nam là một nhân tố có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, giáo dục cao học và phát triển của Việt Nam từ những năm 80 của thế kỷ trước. Xuất thân từ mạng lưới quốc tế của Ủy ban Trung ương Mennonite (MCC), CEEVN bắt đầu sứ mệnh của mình trong thời kỳ Việt Nam chuyển đổi thực hiện công cuộc Đổi mới vào năm 1986 nhằm xử lý tình trạng bị quốc tế cô lập và nghèo nàn thời kỳ hậu chiến tranh. Thời kỳ đầu, CEEVN - được biết đến là Trung tâm Thực hiện các Chương trình Trao đổi Giáo dục của MCC hay còn được gọi là EdEx - đặt trụ sở tại Bangkok với sứ mệnh ban đầu là hỗ trợ Việt Nam tham gia các chương trình trao đổi chuyên môn và học thuật ở Đông Nam Á. Tổ chức này sau đó chuyển trụ sở sang Hà Nội và bắt đầu hoạt động với tên gọi là CEEVN năm 1994, vào thời điểm các tổ chức tư nhân tăng cường tương tác cũng như Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ tăng cường tiếp xúc trong bối cảnh bình thường hóa quan hệ hai nước. Cũng vào năm 1994, CEEVN trở thành một chi nhánh của Hội đồng các Tổ chức Học thuật Mỹ, và được đăng ký hoạt động tại Việt Nam với tư cách là một NGO, nhằm triển khai các hoạt động theo chương trình với đối tác Việt Nam chính thức là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS). Tính chất lưỡng quốc và gồm rất nhiều cơ quan đối tác chủ chốt đã giúp CEEVN thúc đẩy hàng loạt hoạt động trao đổi chính thức và tư nhân quan trọng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong nhiều năm qua. CEEVN là đối tác chính chịu trách nhiệm tuyển sinh cho Chương trình học bổng Fulbright của Hoa Kỳ ở Việt Nam từ 1992 đến 1999. Thông qua quan hệ đối tác với Quỹ Ford từ 1992 đến 2009, CEEVN đã triển khai nhiều hoạt động trao đổi và nghiên cứu quốc tế với sự tham gia của người Việt Nam thuộc mọi cấp độ xã hội. Và mạng lưới kết nối mạnh mẽ của CEEVN gồm vài nghìn người từng được đào tạo và nhận học bổng trên khắp cả nước hiện nay vẫn tiếp tục tham gia vào những vấn đề phát triển cộng đồng ở Việt Nam. Thành công lâu dài của CEEVN hoàn toàn không phải là điều có thể định trước. Trung tâm được thành lập khi Việt Nam vẫn đang nhích từng bước trên con đường hòa giải với phương Tây, và những nghi kỵ và oán giận thời chiến tranh vẫn còn khá lớn trong tâm tưởng của nhiều quan chức ở cả hai nước. Nỗ lực chèo lái khéo léo của CEEVN trong môi trường khó khăn này là một hình mẫu cho các NGO khác đang tìm cách hoạt động trong hoàn cảnh tương tự. Cuốn sách này nghiên cứu cách thức CEEVN đã thực hiện để có thể phát triển từ gốc gác khiêm tốn ban đầu trở thành một tổ chức thừa kế những vai trò trung gian có ảnh hưởng lớn ở những thời điểm quan trọng trong tiến trình chuyển đổi của Việt Nam. Cuốn sách cũng ghi lại cách thức CEEVN trở thành một nhân tố kết nối tin cậy thúc đẩy tương tác và đối thoại phục vụ cho lợi ích của cả Mỹ và Việt Nam. Sách đã tổng hợp được tiếng nói của những nhân tố ở cả hai nước từng làm việc với CEEVN và chứng kiến quá trình hợp tác của CEEVN với Chính phủ và xã hội Việt Nam. Nó cũng cho thấy cách thức làm sao để các quan điểm, góc nhìn khác nhau - từ khía cạnh từ thiện, tham gia dân sự, đối thoại lưỡng quốc đến hành động độc lập - có thể kết hợp trong công tác phát triển xã hội. Câu chuyện của CEEVN có thể là những chỉ dẫn bổ ích cho nỗ lực kiến tạo hòa bình trong tương lai. CEEVN đã tham gia vào quá trình chuyển đổi của Việt Nam sau khi đất nước thống nhất và quan hệ đối ngoại của Việt Nam thay đổi đáng kể. Cuốn sách tập trung vào nỗ lực của CEEVN thúc đẩy mối liên hệ giữa Mỹ và Việt Nam trên đà bình thường hóa quan hệ; vào việc tổ chức này đã sáng tạo những con đường cho giáo dục và đào tạo quốc tế thông qua Quỹ Ford và các chương trình Fulbright; và vào sự tham gia sâu của CEEVN vào xã hội dân sự đang nổi lên cũng như các phong trào phát triển dựa trên cộng đồng của Việt Nam. Khi được hỏi nhận xét về cách thức CEEVN có thể hợp tác hiệu quả với Chính phủ Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Duy Quý, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nói: “CEEVN không đến Việt Nam với những lời khuyên rỗng tuếch, mà với những ý tưởng cụ thể và các chương trình thiết thực nhằm giải quyết những nhu cầu rất cụ thể; không phải với những lời nói suông hay tranh luận về lý luận, mà bằng những hành động thực tế, cụ thể và đầy tính thuyết phục.” Chủ đề này sẽ xuất hiện thường xuyên trong suốt câu chuyện của chúng tôi. Mở rộng ra ngoài khía cạnh phát triển về tổ chức và hoạt động, cuốn sách đi sâu phân tích những yếu tố, đặc tính đã tạo động lực cho hoạt động của CEEVN, và đánh giá của các cá nhân và tổ chức về kết quả triển khai những hoạt động đó. Mạng lưới của CEEVN bao gồm đông đảo chuyên gia nước ngoài, từ các nhà lãnh đạo chính phủ và giới học giả đến hàng loạt NGO và các quỹ từ thiện. Ở Việt Nam, hàng nghìn cá nhân thuộc tầng lớp tinh hoa ở thành thị đến những người dân bình thường đều tham gia hoặc chịu tác động từ hoạt động của Trung tâm. Với việc tiếp thu phản ánh của một nhóm đại diện cho các bên liên quan của nước ngoài và Việt Nam, chúng ta được nghe về kết quả nỗ lực của CEEVN thông qua tiếng nói của nhiều đối tác và những người mà CEEVN đặt mục tiêu phải phục vụ. Bao quát toàn bộ câu chuyện về CEEVN là vô số những mẩu chuyện nhỏ về sự chuyển biến của cá nhân và sự biến chuyển của xã hội. Loạt mẩu chuyện này - của những người mà CEEVN từng cùng làm việc và của những cuộc đời mà CEEVN đã giúp thay đổi - chính là phần quan trọng nhất của cuốn sách. Ngay từ buổi ban đầu, CEEVN đã được xây dựng trên cơ sở của một cam kết thực hiện sứ mệnh gắn kết con người với cơ hội giáo dục. Để thực hiện cam kết đó, CEEVN không chỉ giúp thay đổi vô vàn cá nhân, mà còn giúp họ thay đổi cách nhìn nhận cộng đồng và tương lai của họ. Những câu chuyện về họ chính là di sản đích thực của CEEVN. *** Cuốn sách đã tiến hành nghiên cứu và thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn ở cả Hoa Kỳ và Việt Nam, và được tổng hợp từ các nguồn tư liệụ lưu trữ tại Trụ sở chính của CEEVN ở Philadelphia; trung tâm lưu trữ của MCC ở Akron, bang Pennsylvania; tài liệu liên quan đến Chương trình Fulbright ở Việt Nam do Hội đồng các Tổ chức Học thuật Mỹ lưu giữ tại New York; hồ sơ lưu trữ của ACLS tại Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ; hồ sơ các chương trình ở Đông Nam Á của Quỹ Ford lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Rockefeller ở Pocantino Hills, New York; hồ sơ từ Chương trình Học bổng Quốc tế của Quỹ Ford (IFP) được CEEVN lưu giữ, cũng như nguồn tư liệu về IFP được lưu giữ tại Đại học Columbia. Tại Việt Nam, các cuộc phỏng vấn và thảo luận nhóm được thực hiện với sự tham gia của các quan chức và nguyên quan chức chính phủ từ lĩnh vực chính trị - ngoại giao, hàng loạt giáo sư, nhà khoa học của các trường đại học, các nhà hoạt động xã hội dân sự đến những người thuộc nhiều vùng miền khác nhau trên cả nước. Hầu hết những người Việt Nam được phỏng vấn là những đối tượng được hưởng lợi hoặc là đối tác của các chương trình do CEEVN điều phối. Họ đã hào phóng chia sẻ, một cách rất chi tiết, về những trải nghiệm và ký ức của mình. Những câu trích không có chú giải từ các cuộc phỏng vấn và bản viết được thực hiện và tổng hợp trong giai đoạn từ 2016 đến 2019. Tất cả các bản thảo và bản dịch được CEEVN lưu giữ. CEEVN là một tổ chức độc lập có nguồn gốc từ truyền thống trách nhiệm dân sự và hành động dựa vào lòng tin, một nét độc đáo đối với nhiều vai trò mà CEEVN đã thực hiện trong lịch sử quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Cuốn sách cũng khắc họa hàng loạt các cuộc đối thoại, quan hệ đối tác và những chiến lược mà CEEVN đã thực hiện để có thể đóng một vai trò trung gian hiệu quả vào thời điểm mà các kênh liên hệ chính thức thường bị phong tỏa hoặc chưa được khai thông. Cuốn sách cho chúng ta một ví dụ bổ ích về những động lực, chiến lược và đóng góp của một tổ chức tư nhân Mỹ trong thời kỳ hậu chiến, khi Việt Nam thảo luận về những chuyển dịch lớn trong chính sách đối nội và hai nước đang nhích tới bình thường hóa quan hệ. Về lĩnh vực phát triển quốc tế, cuốn sách là một nghiên cứu cụ thể về cách thức một NGO tham gia hoạt động dựa trên cộng đồng và những vấn đề rộng lớn về thay đổi xã hội dựa trên cam kết xây dựng sự hiểu biết giữa ở cấp độ nhân dân và hòa giải sau chiến tranh. Ông Trần Vũ Hoài, nguyên cán bộ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, người từng theo học tại Trường Kinh doanh Harvard với tư cách là một trong những nghiên cứu sinh Việt Nam nhận học bổng Fulbright đầu tiên nhận xét: “Đối với tôi, CEEVN là một NGO đi tiên phong ở Việt Nam, là một tấm gương sáng về cách thức một NGO nên làm việc và hợp tác với các bên liên quan của Việt Nam để tăng cường lòng tin và sự hiểu biết giữa chính phủ và các NGO”. Có rất nhiều điều có thể học được từ câu chuyện về CEEVN. |
| Ra mắt bản dịch tiếng Việt tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Pháp Jean-Paul Duboi Kể về cuộc đời kỳ lạ của một phạm nhân, cuốn tiểu thuyết Không ai sống giống ai trong cuộc đời này là một trong ... |
| Phát hành cuốn sách đặc biệt về Đại tướng Võ Nguyên Giáp Nhân kỷ niệm 111 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2022), tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung kết hợp với Bảo tàng ... |
| Ra mắt phiên bản mới của cuốn sách 'Việt Nam văn hóa sử cương' 'Việt Nam văn hóa sử cương' của học giả Đào Duy Anh được coi là kim chỉ nam cho nhiều công trình nghiên cứu văn ... |