📞

Ra mắt hệ thống cảnh báo thương mại toàn cầu phiên bản tiếng Việt

Vân Chi 17:39 | 01/05/2021
Hệ thống cảnh báo thương mại toàn cầu ePing với phiên bản tiếng Việt sẽ giúp đơn vị xuất nhập khẩu nhận được đầy đủ thông tin từ những thông báo của WTO một cách kịp thời nhất.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa ITC và trường Đại học Ngoại Thương về việc đưa ePing vào Chương trình đào tạo và thí điểm dịch thuật các cảnh báo của hệ thống. (Nguồn: Tạp chí Công Thương)

Nhằm mục tiêu tăng cường tính minh bạch và thúc đẩy thương mại toàn cầu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) vừa phối hợp với Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) - đơn vị của Liên hợp quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tổ chức Hội thảo “Giới thiệu Hệ thống cảnh báo thương mại toàn cầu ePing phiên bản tiếng Việt”.

Hội thảo nhằm hỗ trợ các cơ quan chính phủ, các tổ chức, hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp theo dõi các thông tin mới nhất về các yêu cầu pháp lý đối với thương mại quốc tế.

Hệ thống cảnh báo thương mại toàn cầu ePing hỗ trợ, tạo điều kiện việc tuân thủ các yêu cầu liên quan đến quy định về an toàn và sức khỏe, các quy định về sản phẩm, quy trình thử nghiệm và chứng nhận, các biện pháp cần thiết khác để tiếp cận thị trường quốc tế.

Đặc biệt, đối với doanh nghiệp, việc theo dõi sự thay đổi về yêu cầu về sản phẩm tại các thị trường mục tiêu là việc quan trọng hàng đầu, tác động trực tiếp đến sự thành công hay thất bại của hoạt động kinh doanh và xuất khẩu.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tại Việt Nam, Hệ thống cảnh báo thương mại toàn cầu ePing đã được Trung tâm ITC phối hợp với Cục Xúc tiến đưa vào kế hoạch hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Đối phó với hàng rào phi thuế quan” từ năm 2018.

Ngoài các hoạt động nâng cao năng lực, huấn luyện giảng viên, chuyên gia về lĩnh vực hàng rào phi thuế quan, Dự án còn đặc biệt tập trung vào hỗ trợ triển khai Hệ thống ePing phiên bản tiếng Việt.

Hệ thống ePing phiên bản tiếng Việt có nội dung tập trung vào một số lĩnh vực chính và có tiềm năng như nông sản, thủy sản, da giầy, thực phẩm, thiết bị xây dựng, thức ăn chăn nuôi, phân bón, dược phẩm, thiết bị điện…

Những nội dung về cảnh báo từ các ngành nghề và lĩnh vực này được dịch sang tiếng Việt giúp cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức truy cập dễ dàng, tiết kiệm thời gian và nguồn lực để tiếp cận gần hơn với thương mại quốc tế.

"Đối với hoạt động nâng cao năng lực và phổ biến kiến thức về ePing, cho đến nay, đã có 03 khóa huấn về hệ thống ePing được triển khai trực tuyến. Các đối tượng là các tổ chức xúc tiến thương mại và doanh nghiệp. Các đơn vị đều có những phản hồi tích cực và đánh giá cao khi biết đến hệ thống ePing", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng lưu ý, tại Việt Nam, việc tiếp cận thông tin và hoạt động tư vấn về hệ thống cảnh báo thương mại toàn cầu được thực hiện thông qua Văn phòng Thông báo và Hỏi đáp quốc gia về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TBT), Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) và Cục Xúc tiến thương mại. Các đơn vị này cũng được ITC và WTO hỗ trợ kỹ thuật để sử dụng thành thạo hệ thống ePing, đảm bảo tư vấn hiệu quả cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho rằng, trong 2 thập kỷ qua, thế giới chứng kiến sự gia tăng mạnh về số lượng hàng rào kỹ thuật trong bối cảnh thuế quan liên tục giảm theo các cam kết WTO và FTA… Khi mức thuế trung bình trên thế giới giảm theo các cam kết thì các thông báo về hàng rào kỹ thuật TBT và SPS lại có xu hướng tăng mạnh.

“Do đó, ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp, Hệ thống cảnh báo thương mại toàn cầu phiên phản tiếng Việt sẽ hỗ trợ các cơ quan quản lý, các tổ chức nghiên cứu triển khai các hoạt động nâng cao năng lực cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, sát với thực tế”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bà Pamela Coke-Hamilton - Giám đốc Trung tâm thương mại quốc tế ITC cho biết, đây là lần đầu tiên ePing có ngôn ngữ không chính thức của WTO. ePing với phiên bản tiếng Việt sẽ giúp đơn vị xuất nhập khẩu nhận được đầy đủ thông tin từ những thông báo của WTO một cách kịp thời nhất.

Từ đó các doanh nghiệp sẽ có bước giải quyết nhanh chóng trước những thay đổi về quy định tại các quốc gia đối tác và giúp họ xác định rõ hơn những trở ngại có thể phải đối mặt trong quá trình tuân thủ quy định mới.

Cũng theo chia sẻ của Giám đốc ITC, hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc cập nhật các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật và các rào cản kỹ thuật trong thương mại tại thị trường nước ngoài. Qua cuộc khảo sát doanh nghiệp của ITC vào năm 2019, rào cản ngôn ngữ là một trong những thách thức lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam.