Với việc có thêm Anh, tổng GDP của các nước thành viên CPTPP chiếm tỷ trọng 15% GDP toàn cầu. (Nguồn: popsci.com) |
Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Kemi Badenoch vừa chính thức ký thỏa thuận gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đưa Vương quốc Anh trở thành thành viên thứ 12 của khối thương mại năng động hàng đầu thế giới.
Năm 2021, Anh đăng ký trở thành thành viên CPTPP, không lâu sau khi rời khỏi EU (Brexit). Bắt đầu quá trình đàm phán gia nhập CPTTP từ tháng 6/2021. Sau gần hai năm, Anh đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc để gia nhập khối vào ngày 31/3 và chính thức ký thỏa thuận gia nhập vào ngày 16/7 tại Aukland (New Zealand).
Chính phủ Anh cho biết sẽ nhanh chóng thực hiện các bước cần thiết để phê chuẩn Hiệp định, bao gồm quy trình giám sát của Nghị viện, trong khi các quốc gia thành viên khác của CPTPP hoàn thiện những quy trình nội luật hóa.
Thông điệp của Vương quốc Anh
Thủ tướng Sunak nhấn mạnh, “Chúng tôi là một quốc gia ủng hộ thương mại tự do, cởi mở và hiệp định này mang lại những lợi ích kinh tế thực sự của các quyền tự do hậu Brexit của chúng tôi”.
Cụ thể hơn, Bộ trưởng Kemi Badenoch cho rằng, nước Anh đang sử dụng vị thế là quốc gia thương mại độc lập để tham gia vào một khối thương mại năng động, phát triển và hướng tới tương lai. Gia nhập CPTPP sẽ là động lực lớn cho các doanh nghiệp Anh và bổ sung hàng tỷ Bảng Anh vào hoạt động thương mại, đồng thời mở ra những cơ hội to lớn và khả năng tiếp cận chưa từng có vào thị trường rộng lớn hơn 500 triệu dân.
Tuy nhiên, trong giới chức Anh và cả giới phân tích vẫn có những quan điểm trái chiều. Một số người khẳng định, đây là Hiệp định thương mại quan trọng nhất mà London ký kết thời hậu Brexit với tiềm năng giúp gia tăng tầm quan trọng của nước này trong bối cảnh các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đang tiếp tục trỗi dậy.
Một số người khác cho rằng, CPTPP chỉ là thỏa thuận bổ sung bên cạnh các hiệp định thương mại tự do mà Anh đang có với hầu hết các nước thành viên, nên sự đột phá không nhiều. Tuy nhiên, việc gia nhập CPTPP đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ về nỗ lực của Anh mở cánh cửa đến các thị trường mới trên thế giới. Chính phủ Anh đánh giá CPTPP sẽ tạo ra lợi ích lâu dài cho cả Anh và các nước thành viên, với tổng giá trị thương mại của CPTPP sẽ tăng lên mức 12.000 tỷ USD.
Đối với Anh, CPTPP mang đến triển vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đổi mới và tạo việc làm. Các doanh nghiệp nước này cũng sẽ có thêm lựa chọn về các cơ hội thương mại và đầu tư trong tương lai. Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực pháp lý, tài chính và dịch vụ có cơ hội mở rộng kinh doanh ở thị trường đang tăng trưởng mạnh tại các nước thành viên.
Như CEO của Ngân hàng HSBC Ian Stuart nêu rõ, “Việc Anh chính thức gia nhập CPTPP đánh dấu cột mốc quan trọng đối với thương mại của Anh, cho phép các doanh nghiệp đầy tham vọng của Anh kết nối với các thị trường khởi nghiệp, đổi mới và công nghệ thú vị nhất thế giới”.
Thực tế, với hơn 99% số mặt hàng xuất khẩu của Anh sang các nước CPTPP sẽ được hưởng mức thuế 0%. Hiệp định này sẽ giúp họ giảm thuế nhập khẩu ôtô, rượu và sản phẩm từ sữa... Viện xuất khẩu và thương mại quốc tế Anh chỉ ra, nhờ vào thỏa thuận, một số mặt hàng từ các quốc gia thành viên CPTPP trở nên rẻ hơn đối với người tiêu dùng Anh, như hoa quả từ New Zealand, Chile....
Ngược lại, với tư cách thành viên CPTPP sẽ giúp Anh tiếp cận khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chiếm 60% dân số thế giới. Việc loại bỏ thuế quan giúp các sản phẩm tốt nhất của Anh, như các sản phẩm từ rượu whisky, bánh kẹo, ôtô, đồ trang sức và quần áo, dễ dàng tiếp cận hơn với người tiêu dùng ở thị trường rộng lớn này.
Chính phủ Anh ước tính, GDP của họ sẽ tăng thêm 1,8 tỷ Bảng (2,2 tỷ USD) mỗi năm trong dài hạn và con số này có thể tăng thêm khi CPTPP tiếp tục được mở rộng.
Ngoài ra, nếu bỏ qua các dự báo về lợi ích kinh tế hay các vấn đề còn gây tranh cãi như, giảm thuế dầu cọ từ Malaysia, hay cho phép thịt bò Canada tiếp cận thị trường Anh… CPTPP được chính phủ Anh đánh giá cao về mặt chiến lược. Đây cũng là cơ hội để Anh gia tăng sự hiện diện về kinh tế tại vành đai châu Á - Thái Bình Dương, tiếp nối sự hiện diện về an ninh thông qua thỏa thuận AUKUS ký với Mỹ và Australia.
Quyết định trở thành một phần của CPTPP được cho là sẽ củng cố sự hiện diện kinh tế của Vương quốc Anh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương – khu vực được xem là trọng tâm trong chiến lược “nước Anh toàn cầu” của London, đồng thời đang chứng kiến sự trỗi dậy của Trung Quốc - quốc gia đã nộp đơn xin gia nhập Hiệp định này.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak từng nhấn mạnh, đến năm 2050, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dự kiến đóng góp hơn một nửa tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Anh mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ với khu vực có ý nghĩa quan trọng trên bản đồ địa chính trị thế giới này. Bên cạnh những lợi ích thiết thực về kinh tế, tham gia CPTPP được coi là thắng lợi về mặt chính trị của London.
Luồng gió mới cho thương mại toàn cầu
CPTPP là hiệp định thương mại tự do với các điều khoản loại bỏ thuế quan giữa các nước thành viên, đồng thời đặt ra các quy tắc về những vấn đề như đầu tư xuyên biên giới, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước và lao động.
Việc Vương quốc Anh trở thành thành viên không sáng lập đầu tiên gia nhập CPTPP kể từ khi hiệp định này được ký kết vào năm 2018 tạo ra một “luồng gió mới” cho tự do thương mại toàn cầu.
Như Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins nhận định, đưa Vương quốc Anh tham gia CPTPP là cả một chặng đường dài và đôi khi đầy thách thức, nhưng việc có thêm các nền kinh tế lớn trong CPTPP sẽ giúp kết nối Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương theo cách củng cố hệ thống thương mại dựa trên các quy tắc trong khu vực.
Nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới được cho là không chỉ giúp mở rộng không gian kinh tế, tăng sự gắn kết kinh tế của cả khối. Trên thực tế, từ khi London tuyên bố ý định tham gia CPTPP, nhiều quốc gia khác đã thể hiện mong muốn và xin được gia nhập, qua đó tiếp tục thúc đẩy xu hướng đa phương hóa và tự do hóa thương mại toàn cầu. Cũng có nghĩa là, khả năng tiếp cận thị trường tiềm năng và lợi ích của các thành viên sẽ tiếp tục tăng đáng kể trong thời gian tới.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính, với việc có thêm Anh, tổng GDP của các nước thành viên CPTPP chiếm tỷ trọng 15% GDP toàn cầu, tăng từ 12% hiện tại.
Thực tế cho thấy, dù London đang có hiệp định thương mại song phương với nhiều nước thành viên CPTPP, thì sự kiện Anh trở thành thành viên CPTPP không chỉ là một động thái biểu tượng, nó mang ý nghĩa chiến lược và kinh tế lớn, góp phần tăng cường chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng trong khối; đồng thời thúc đẩy quá trình tự do hóa thương mại trong khu vực.
| Nhờ CPTPP, Canada trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng thứ 5 của Việt Nam Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam sang Canada đạt 1.687 tỷ ... |
| 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thảo luận về giảm thiểu rủi ro chiến lược Các bên đã "thảo luận về giảm thiểu rủi ro chiến lược, cũng như các học thuyết và chính sách hạt nhân". |
| Một thành viên EU tuyên bố đanh thép 'sẽ làm tất cả' để Ukraine sớm trở thành thành viên liên minh Ngày 25/6, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani nói rằng Rome 'sẽ làm tất cả để Ukraine gia nhập Liên minh châu ... |
| Khu kinh tế Vân Đồn - mũi đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Quảng Ninh Quảng Ninh đặt mục tiêu, đến năm 2040, xây dựng và phát triển KKT Vân Đồn trở thành một trong những vùng động lực phát ... |
| CPTPP có thêm thành viên mới Anh trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). |