📞

Ra mắt phim truyền thông kêu gọi bảo vệ tê giác

11:32 | 22/08/2018
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa cho ra mắt phim ngắn truyền thông mới nhất kêu gọi cộng đồng chung tay chấm dứt nạn thảm sát tê giác ở châu Phi.

Phim ngắn là câu chuyện về một doanh nhân trẻ thành đạt và rất được mến mộ. Anh ta luôn tự hào về lượng fan đông đảo trên mạng xã hội cũng như sự yêu mến, thần tượng từ bạn bè, gia đình và đồng nghiệp. Khi một quảng cáo bắt mắt hiện trên màn hình: “Bạn có thích SỬ DỤNG sừng tê giác không?”, anh đã lựa chọn “THÍCH” vì nghĩ rằng nó rất “thời thượng”.

Ngay lập tức, lượng người theo dõi anh ta sụt giảm nhanh chóng đến khi không còn một ai – chuyển biến tích cực cho thấy thay đổi trong nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng sừng tê giác. Không còn được mến mộ, anh ta trở nên suy sụp, cô đơn và đau đớn nhận ra rằng xã hội ngày nay đã không còn ủng hộ việc sử dụng sừng tê giác.

Việt Nam bị đánh giá là một quốc gia trung chuyển và là thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn trên thế giới. Trong nhiều năm qua, một số ít người vẫn mù quáng tin vào công dụng chữa bách bệnh của sừng tê giác. Cùng với đó, kinh tế phát triển kéo theo sự gia tăng số lượng những người sử dụng sừng tê giác như một cách thể hiện đẳng cấp hay là món quà xa xỉ để tăng cường các mối quan hệ làm ăn. Những cái nhìn lệch lạc này đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam.

Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), nếu tình trạng săn bắn trái phép tiếp tục gia tăng như hiện nay, tê giác có nguy cơ bị tuyệt chủng vào năm 2026. (Nguồn: ENV)

Năm 2010, cá thể tê giác cuối cùng của Việt Nam đã bị sát hại để lấy sừng. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác trong nước vẫn tiếp tục là nguyên nhân gây ra nạn thảm sát tê giác tại châu Phi. Nó cũng kích thích tình trạng săn bắn, buôn bán sừng tê giác của nhiều mạng lưới tội phạm hoạt động tự do khắp toàn cầu, như mạng lưới của Nguyễn Mậu Chiến, đối tượng bị nghi cầm đầu đường dây buôn bán trái phép sừng tê giác, ngà voi từ châu Phi về Việt Nam.

Năm 2017, 1,028 cá thể tê giác đã bị sát hại tại Nam Phi để lấy sừng. Mặc dù con số này đã giảm 26 cá thể so với năm 2016, nhưng cao hơn rất nhiều so với 10 năm trước (khoảng 13 cá thể tê giác bị giết hại năm 2007). Điều đó đồng nghĩa trung bình mỗi ngày có 3 cá thể tê giác bị giết hại, báo động sự suy giảm nghiêm trọng số lượng quần thể tê giác tại quốc gia này.

Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), nếu tình trạng săn bắn trái phép tiếp tục gia tăng như hiện nay, tê giác có nguy cơ bị tuyệt chủng vào năm 2026.

Phim ngắn sẽ được phát sóng trên các kênh truyền hình Trung ương và địa phương tại Việt Nam trong thời gian tới. Khán giả cũng có thể xem trực tuyến tại kênh YouTube của ENV.