Tọa đàm thu hút đông đảo bạn đọc yêu thích các tác phẩm của tiểu thuyết gia Bernhard Schild. |
Buổi ra mắt có sự tham gia của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên và biên tập viên Nhã Nam Trần Linh. Dịch giả Lê Quang - dịch giả của cuốn sách tham gia giao lưu trực tuyến với độc giả qua nền tảng Zoom.
9 màu chia ly là những câu chuyện về những cuộc chia tay đầy day dứt và những cuộc chia tay về sự giải thoát, về thành công và thất bại của tình yêu, cả về sự tin tưởng và phản bội.
Đây còn là câu chuyện của những con người trong những giai đoạn khác nhau của cuộc đời, khi cuối đời nhìn lại, hoặc khi có dịp ngoái lại quá khứ, con người phải đối mặt với những câu hỏi không dễ trả lời. Những cuộc chia ly ở đây diễn ra trong cảm xúc, trong hoài niệm, trong tâm tưởng, trong sự dằn vặt, hoài nghi, luyến tiếc, cả trong hạnh phúc và đau khổ, của các nhân vật kể chuyện trong mỗi truyện.
Đó có phải là những sắc màu của chia ly đời người?
Chia sẻ tại tọa đàm, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho biết: “Có thể do tác phẩm này được tác giả viết ra ở nửa muộn của tuổi 70, nên tất cả các truyện ngắn hầu như là sự hoài niệm, hoài cổ, hoài cảm của tác giả về quá khứ của chính mình”.
Ấn phẩm 9 màu chia ly được chính thức phát hành từ ngày 11/5/2022. |
Ở phần giới thiệu ngắn đầu tập truyện, dịch giả Lê Quang viết rằng: "Với những cốt truyện đầy kịch tính tương tự ở cả 9 truyện ngắn, khó ngờ là tác giả viết được với giọng điềm tĩnh để giữ cái kết ở tình trạng lửng lơ. Những màu của chia ly đều ở gam trầm, ngả về tiết thu chứ không phải xuân hè rực rỡ".
Dịch giả Lê Quang nổi tiếng với các tác phẩm chuyển ngữ từ tiếng Đức với hơn 30 đầu sách từng được xuất bản. Riêng với tác giả Bernhard Schlink, anh đã dịch 4 trong 5 tác phẩm đã được dịch ra tiếng Việt. Đó là các bản dịch: Người đọc, Người đàn bà trên cầu thang, Mùa hè dối trá và Chín màu chia ly.
Anh chia sẻ thêm, Bernhard Schlink là nhà văn yêu thích của mình và bản thân anh có mối quan hệ thân thiết với tác giả cuốn sách. Cả hai thường xuyên trao đổi, trò chuyện về nội dung các cuốn sách mới và chính anh cũng ám ảnh văn phong của Schlink đến mức các bản dịch không lệch cả một dấu chấm câu.
Trong ấn bản tiếng Việt, tác giả Bernhard Schlink đã gửi lời cảm ơn bằng chữ viết tay tới độc giả Việt Nam và được in trang trọng qua trang giấy đầu tiên: “Thật tuyệt khi tôi cũng được đọc ở Việt Nam. Tôi cảm ơn Lê Quang qua bản dịch hay đã đưa tôi lại gần với độc giả Việt Nam”.
Dịch giả Lê Quang tham gia tọa đàm qua nền tảng trực tuyến. |
Biên tập viên Trần Linh chia sẻ, khi đọc bản dịch, chị đã không thể rời mắt bởi nội dung mang đậm hơi thở trinh thám, văn phong chặt chẽ cùng cốt truyện kịch tích có nhiều plot twist sẽ thu hút đông đảo độc giả đam mê thể loại này.
Đây là một tập truyện hay, sâu sắc, kết thúc mở ở cuối mỗi truyện sẽ khiến độc giả ngậm ngùi, suy ngẫm. Những màu của chia ly đều ở gam trầm, ngả về tiết thu chứ không xuân hè rực rỡ.
Nói như dịch giả Lê Quang, cuốn sách không thích hợp để ai đó đọc nhanh giết thì giờ một cách vô nghĩa, mà phải thấy giờ đọc là giờ quý giá của cuộc đời ta cần nâng niu.
Bernhard Schlink là giáo sư luật công và triết học pháp lý tại Đại học Humbolt tại Berlin. Ông viết nhiều sách giáo khoa và tham luận khoa học về luật. Sự nghiệp văn chương của Bernhard Schilink bắt đầu với truyện trinh thám Selb Justiv, viết cùng Walter Popp. Sau đó, ông sáng tác một loạt truyện trinh thám, đều được các giải thưởng văn chương. Và tại Việt Nam, ông cũng có một bộ phận khán giả của riêng mình cho các tác phẩm như là Người đọc (2006), Người đàn bà trên cầu thang (2017), Những cuộc chạy trốn tình yêu (2018), Mùa hè dối trá (2019) và 9 màu chia ly (2022). Năm 2008, tiểu thuyết Nguời đọc được chuyển thể thành phim, trở thành bộ phim được yêu thích và gây tranh cãi trong giới phê bình điện ảnh và khán giả thế giới. |