Tác phẩm gồm 9 chương phác họa cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú (1904-1931). Trong gần 200 trang truyện ký, nhà văn Sơn Tùng đã kể lại những dấu mốc quan trọng nhất trong cuộc đời 27 mùa Xuân sáng chói của ông.
Bìa tác phẩm về Tổng Bí thư Trần Phú. (Nguồn: Nhà xuất bản Kim Đồng) |
Đương thời, khi cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên năm 1980, nhà văn Sơn Tùng có chia sẻ rằng, trong lúc tìm kiếm tư liệu về cuộc đời của Hồ Chủ tịch, ông đồng thời cũng tìm hiểu về những nhà cách mạng cùng thời đã từng được gặp, từng công tác với Bác.
Đó chính là lý do ông nắm được nhiều tư liệu, tích lại đầy đủ để viết về Trần Phú, người mà ông gọi là “Ánh sao Băng ở hàng đầu đội ngũ”.
Nhà văn Sơn Tùng đã kiên trì sưu tầm tư liệu, tìm gặp nhân chứng… kết nối các chi tiết xây dựng một chân dung chân thực và hoàn chỉnh về Trần Phú.
Những thông tin về thời thơ ấu của Trần Phú cũng như cuộc đời hoạt động của ông là những tư liệu quý giá mà nhà văn Sơn Tùng đã tìm thấy và cung cấp cho độc giả và giới nghiên cứu lịch sử Đảng.
Năm 2024, kỷ niệm 120 năm ngày sinh Đồng chí Trần Phú, Nhà xuất bản Kim Đồng hi vọng với truyện kí Trần Phú, mỗi bạn đọc trẻ hôm nay thêm một lần ôn lại về tấm gương chiến đấu, hi sinh của Tổng Bí thư Trần Phú.
Sinh ra trong một gia đình nhà nho giàu lòng yêu nước, khi mới 4 tuổi cậu bé Trần Phú đã tận mắt chứng kiến cha mình - quan huyện Trần Văn Phổ treo cổ tuẫn tiết để chống lại sự ép bức của thực dân Pháp lên đầu lên cổ dân ta. Cha mất, mẹ cậu bươn trải nuôi đàn con. Lên 6 tuổi sau khi mẹ mất, Trần Phú được họ hàng đưa về Huế nuôi ăn học. Ở trường anh không chỉ được bạn bè và thầy giáo yêu quý bởi thông minh, hiếu học mà còn ở tính tình thẳng thắn, khảng khái, dám bênh vực kẻ yếu, đấu tranh cho công bằng, đặc biệt là tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc. Những năm tháng ở Huế anh cũng được chứng kiến những năm lụi tàn của triều đình nhà Nguyễn, suy nghĩ về các phong trào yêu nước còn chưa có lý tưởng nào dẫn dắt và anh khao khát được tìm kiếm con đường đi khác. Tốt nghiệp thủ khoa năm 18 tuổi, Trần Phú trở về quê cha làm nghề dạy học và bắt đầu tham gia cách mạng. Anh được cử sang Hương Cảng gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc, rồi đến Mạc Tư Khoa học trường Đại học Đông Phương của Quốc tế Cộng sản. Tại quê hương Cách mạng tháng Mười, Trần Phú nhận ra “Danh hiệu Con người đang được hoàn thiện mà bước đầu khẳng định từ một biểu hiện: Người đứng thẳng trước người; sự khom lưng, quỳ gối, uốn lưỡi sẽ loạt trừ khỏi tính cách con người". Giữa mùa Đông nước Nga, Trần Phú đọc Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đến thuộc lòng. Từ trên bình diện lớn lao của học thuyết Marc-Lênin, Trần Phú thu nhận những nguyên lí cơ bản để rồi vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Tháng 4/1930, Trần Phú từ Pháp về Hong Kong gặp Nguyễn Ái Quốc sau Hội nghị thành lập Đảng, rồi nhận được lệnh trở về nước hoạt động. Tháng 8/1930, Trần Phú hoàn thành Luận cương chính trị, tháng 10 năm 1930 tại Hội nghị thứ nhất của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương đã thông qua bản Luận cương và bầu Trần Phú là Bí thư của Đảng. |