Australia đã lùi thời hạn hoàn thành các mục tiêu tái chế đến năm 2030 so với mốc 2025 trước đó. (Nguồn: Cơ quan Bảo vệ Môi trường NSW ) |
Mới đây, Hiệp hội Đối thoại Hàng hải Australia (AMCS) và Liên minh Boomerang, một tổ chức hoạt động vì môi trường, đã tiến hành kiểm tra các siêu thị lớn của Australia, tập trung vào 5 sản phẩm rau quả.
Theo báo cáo của 2 tổ chức này được công bố ngày 21/11, các chuỗi siêu thị lớn đang gây ra vấn đề về nhựa ở Australia bằng cách đưa ra mức giá thấp hơn đáng kể đối với những sản phẩm tươi sống hoặc rau củ quả được đóng gói sẵn trong các túi nilon.
Ví dụ, giá khoai tây mà khách hàng mua lẻ bên ngoài sẽ cao hơn khoảng 53% so với mua khoai tây đóng gói bằng túi nilon. Theo nhận định của bà Cip Hamilton, Giám đốc phụ trách chiến dịch nhựa của AMCS, điều đó sẽ khuyến khích mọi người mua nhiều sản phẩm đóng gói sẵn hơn vì họ thấy giá rẻ hơn.
Theo đánh giá của Tổ chức Hiệp ước Bao bì Australia (APCO), Australia sẽ không đạt được các mục tiêu đóng gói quốc gia, bao gồm việc loại bỏ dần bao bì nhựa sử dụng một lần có vấn đề và không cần thiết vào năm 2025.
Bà Hamilton cho rằng kết quả kiểm tra vừa qua cho thấy các siêu thị là một phần nguyên nhân. Hiện có sự thiếu minh bạch “đáng kinh ngạc” liên quan đến số lượng bao bì nhựa hoặc nilon mà siêu thị bán ra cho khách hàng, chỉ có 1 trong 4 siêu thị lớn cung cấp dữ liệu về bao bì nhựa.
Các siêu thị ở Australia bán trái cây và rau củ trong túi nhựa với số lượng lớn. (Nguồn: Hiệp hội Bảo tồn Biển Australia ) |
Phản hồi trước thông tin trên, chuỗi siêu thị Woolworths cho biết, phần lớn các loại rau quả của họ được bán rời, nhưng họ đã bán một số mặt hàng đóng gói để kéo dài thời hạn sử dụng hoặc cung cấp sản phẩm với số lượng lớn.
Theo người phát ngôn của Woolworths, dưa chuột được bọc trong bao bì nhựa có thời hạn sử dụng lâu hơn gấp 3 lần so với dưa chuột bán rời.
Tuy nhiên, một nghiên của nhóm vì sự phát triển bền vững của châu Âu mang tên Wrap đã phản bác tuyên bố đó và cho rằng có ít bằng chứng cho thấy việc bọc nhựa kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm.
Trong số 10 so sánh được thực hiện giữa các sản phẩm rau quả đóng gói và dạng rời, 8 sản phẩm không có sự khác biệt nào về thời hạn sử dụng.
Số liệu của APCO cho thấy, Australia tạo ra nhiều rác thải nhựa bình quân đầu người hơn mọi quốc gia khác trên thế giới, ngoại trừ Singapore.
Bộ trưởng môi trường các bang sẽ họp với Chính phủ Liên bang vào tháng 12 tới để xem xét việc áp đặt các yêu cầu bắt buộc nhằm giải quyết vấn đề.
Rác thải nhựa được thu thập từ một con sông. (Nguồn: ABC News) |
Người phát ngôn của Bộ Biến đổi Khí hậu, Năng lượng, Môi trường và Nước của Australia cho hay, những cải cách có thể bao gồm các yêu cầu thiết kế bắt buộc, bao gồm ngưỡng tối thiểu của hàm lượng tái chế trong bao bì và cấm các hóa chất và phụ gia độc hại.
Trước đó, Bộ trưởng Môi trường Liên bang Tanya Plibersek đã bày tỏ sự thất vọng khi các mục tiêu tái chế của Australia sẽ không đạt được vào năm 2025.
Hiện thời hạn để đạt được mục tiêu này đã lùi lại đến năm 2030, nhưng các mục tiêu vẫn giữ nguyên, đó là đảm bảo tất cả bao bì có thể tái chế, tái sử dụng hoặc có thể phân hủy, 70% được tái chế hoặc làm phân trộn và một nửa số bao bì được làm bằng vật liệu tái chế.
Bà Plibersek cho biết, Quỹ Hiện đại hóa Tái chế trị giá hàng tỷ USD đã được thành lập với mục đích tăng cường năng lực tái chế của đất nước.
Năng lực tái chế đã trở thành một vấn đề đối với Australia kể từ khi Trung Quốc ngừng lấy rác thải của Australia để tái chế và vấn đề này trở nên tồi tệ hơn khi công ty tái chế nhựa mềm REDcycle của Australia sụp đổ năm 2022.
Bên cạnh đó, các bãi rác ở Australia cũng đang gặp vấn đề. Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) bang New South Wales tiết lộ rằng thành phố Sydney sẽ hết chỗ chôn rác vào năm 2030.
Chính phủ liên bang đã thành lập quỹ Quỹ Hiện đại hóa Tái chế trị giá hàng tỷ USD đã được thành lập với mục đích tăng cường năng lực tái chế của Australia. (Nguồn: NSW EPA ) |
Người phát ngôn của EPA bang New South Wales thông tin, bang này đang tài trợ cho các dự án nhằm tăng công suất tái chế, bao gồm khoản tài trợ trị giá 1 triệu AUD cho công ty Visy để tăng gấp 5 công suất tại nhà máy tái chế Smithfield ở Sydney.
Đồng thời, EPA của bang New South Wales cũng đã cung cấp 260.000 AUD cho tập đoàn Unilever để tạo ra công nghệ khuôn chai mới bổ sung nhựa tái chế để sản xuất các hộp đựng mới có thể tái chế.
Trong khi đó, các siêu thị tại Australia cho biết họ đang nỗ lực giảm lượng nhựa trong cửa hàng của mình.
Theo đó, chuỗi siêu thị Woolworths ngừng sử dụng 220 triệu túi mua sắm trong năm ngoái và loại bỏ hơn 1 triệu kg nhựa nguyên sinh khỏi thương hiệu nội địa của mình trong vòng 6 năm. Trong các sản phẩm mang thương hiệu Woolworths, 85% bao bì có thể được tái chế tại nhà.
Coles, một chuỗi siêu thị lớn khác của Australia, cũng đang nỗ lực giảm bớt bao bì nhựa không cần thiết khỏi các cửa hàng khi loại bỏ 500 triệu miếng nhựa ra khỏi các sản phẩm mang thương hiệu của hãng và giảm sử dụng 230 triệu túi nhựa mua sắm.