Hiểm họa khôn lường
Thống kê của Tổ chức Bảo vệ Môi trường biển Ocean Conservancy cho thấy, 90% lượng rác thải trôi nổi trên biển là rác thải nhựa gồm: vỏ bánh kẹo, chai lọ nhựa, túi nilon, thìa, dĩa, ống hút…
Theo kịch bản xấu nhất mà Ocean Conservancy và công ty tư vấn McKinsey dự báo, tới năm 2025, cứ có 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa trên đại dương. Lượng nhựa được tiêu thụ hàng năm tại châu Á được dự kiến sẽ tăng tới 80% trong 10 năm tới, vượt ngưỡng 200 triệu tấn vào năm 2025. Số rác thải này không những “sinh sôi” thêm hàng năm mà còn tồn tại rất lâu. Ước tính, chúng mất hơn 400 năm để có thể phân hủy.
Rác thải nhựa không chỉ chiếm một phần môi trường sống của các sinh vật biển mà còn là nguyên nhân gây ra các bệnh gây tử vong cho các cá thể sống tại đây. Đặc biệt, nghiên cứu y khoa cho thấy, các loài cá ăn phải hạt nhựa trên biển sẽ mắc bệnh về gan và dẫn đến tử vong do cơ thể không có khả năng tiêu hóa hay lọc độc (hợp chất chống cháy, chất độc PCB…) từ các hạt này. Bởi vậy, rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng chính là “tử thần” của các sinh vật biển.
Dự báo tới năm 2025 trên các đại dương khắp thế giới cứ có 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa. (Nguồn: The Chronicles Of Atlantis) |
Không chỉ ảnh hưởng tới sinh vật sống dưới đại dương, tờ LA Times còn chứng minh rác thải nhựa có tác động lớn tới cả các loài chim biển. Nghiên cứu khoa học của UC Davis công bố tháng 11/2016 cho thấy, đã có những cá thể chim biển chết với dạ dày đầy rác nhựa. Ước tính đến năm 2050, sẽ có tới 99% chim biển ăn phải rác nhựa.
Một báo cáo mới đây cũng cho thấy, có tới 28% số cá được bán trong chợ ở Indonesia và 25% số cá trong các siêu thị ở California (Mỹ) có chứa rác thải bên trong cơ thể. Hiện chưa có nghiên cứu cụ thể về tác động của rác thải nhựa lên sức khỏe con người nhưng chúng ta có thể đoán được phần nào hậu quả khi ăn phải thực phẩm biển đã bị nhiễm độc.
Không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh vật biển, sức khỏe của con người, sự gia tăng rác thải nhựa còn ảnh hưởng đến kinh tế các nước. Nghiên cứu mới nhất của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á -Thái Bình Dương (APEC) cho thấy, các nước thành viên đang phải chi trả tới 1,3 tỷ USD/năm để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường trên biển. Trong khi đó, mỗi năm, thế giới chi tới 80 tỷ - 120 tỷ USD để sản xuất bao bì nhựa.
Indonesia nỗ lực xử lý rác thải nhựa
Theo nghiên cứu công bố năm 2015, Indonesia là quốc gia thải rác nhựa ra biển nhiều thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc với 2,4 triệu tấn). Báo cáo khoa học mới nhất về môi trường của nhóm nghiên cứu quốc tế cũng cho thấy, 2 quốc gia châu Á này chiếm tới 1/3 rác nhựa thải ra môi trường biển của cả hành tinh.
Hàng năm, xứ vạn đảo thải tới 1,3 triệu tấn rác nhựa ra đại dương. Kèm theo hiện tượng tan băng ở 2 cực do trái đất nóng lên, nước này không chỉ có khả năng bị chìm dưới mực nước biển mà còn chìm trong rác. Hơn nữa, Indonesia lại có vị trí cửa ngõ của một trong những tuyến hàng hải thông thương nhộn nhịp nhất thế giới. Đường biển của Indonesia tiếp giáp với 10 quốc gia, bởi vậy, xứ sở vạn đảo sẽ gặp khó khăn trong việc kiềm chế rác thải từ các tàu thuyền nước ngoài tới giao thương. Hiện môi trường biển của Indonesia đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lượng rác thải nhựa, tác động tiêu cực đến ngành du lịch cũng như khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản.
Gần đây, Indonesia đã tích cực tham gia các diễn đàn toàn cầu và khu vực và có những cam kết mạnh mẽ về vấn đề đối phó với tình trạng rác nhựa trên biển. Trong đó có nỗ lực hợp tác với các doanh nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực biến rác thành năng lượng. Đầu tháng 11, Indonesia cũng đã tổ chức hội thảo về vấn đề này với các chuyên gia Đan Mạch - quốc gia tái chế thành công 95% lượng rác thải nhựa đổ ra biển, biến một phần thành năng lượng điện phục vụ sinh hoạt. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao kỹ thuật thu gom, xử lý rác thải nhựa trên biển. Ngoài ra, các chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường biển cũng được đẩy mạnh như chương trình “Chiến lược từ đất liền cho một đại dương không rác thải nhựa”…