TIN LIÊN QUAN | |
Những trọng tâm thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN | |
Những ưu tiên của Thái Lan trong năm Chủ tịch ASEAN |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Nhà lãnh đạo ASEAN chụp ảnh chung tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34. (Nguồn: TTXVN) |
Vai trò của RCEP
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được khởi xướng vào tháng 11/2012, với mục đích thiết lập một nền tảng hợp tác kinh tế sâu sắc hơn giữa 10 nước ASEAN với các đối tác Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, tập trung vào thương mại hàng hoá, dịch vụ và đầu tư.
Nếu được ký kết, RCEP dự kiến sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với khoảng 3,5 tỷ dân và chiếm tới 30% tổng GDP toàn cầu. Con số này lớn hơn khá nhiều so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với phiên bản mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Mỹ rút khỏi vào tháng 1/2017.
RCEP khác với các hiệp định thương mại đa phương khác khi chỉ bao gồm các thành viên khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thỏa thuận thương mại này được đánh giá kém tham vọng hơn so với CPTPP hay EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU), khi chủ yếu liên quan tới thương mại, trong khi đặt ra những yêu cầu rất cơ bản cho các vấn đề gai góc như quyền sở hữu trí tuệ, môi trường và doanh nghiệp nhà nước.
Trong số 16 quốc gia thành viên RCEP, hơn một nửa thành viên hiện đang thuộc CPTPP, gồm Singapore, Malaysia, Việt Nam, Brunei, Nhật Bản, Australia và New Zealand.
Hiện Hiệp định đã kết thúc đàm phán 6 nội dung, bao gồm hợp tác kinh tế kỹ thuật; doanh nghiệp vừa và nhỏ; các biện pháp vệ sinh kiểm dịch; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp; mua sắm của chính phủ; thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại.
Tính đến nay, tiến trình đàm phán đã kéo dài 6 năm và RCEP không ít lần lỡ hẹn do những bất đồng chưa được giải quyết.
Động lực mới thúc đẩy liên kết kinh tế đa phương
Trong bối cảnh bất ổn thương mại gia tăng có khả năng gây tổn thương xuất khẩu, các quốc gia ASEAN tiếp tục khẳng định sự ủng hộ đối với thương mại tự do. Bộ trưởng kinh tế các nước thành viên ASEAN đã đồng ý tăng cường hiệp định thương mại (FTA) trên nền tảng RCEP nhằm đảm bảo các rào cản thương mại được giảm dần xuống.
RCEP khác với các hiệp định thương mại đa phương khác khi chỉ bao gồm các thành viên khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh minh họa. (Nguồn: asean.org) |
“Thành viên ASEAN và RCEP đều tin vào hệ thống đa phương và một hệ thống dựa trên luật lệ. Chúng tôi tin rằng đây là cách tốt nhất để vượt qua nhiều thách thức đang phải đối mặt trong môi trường kinh tế toàn cầu như hiện nay”, tờ Asian Nikkei Review dẫn lời Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing.
Truyền thông Thái Lan dẫn lời Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha phát biểu tại một diễn đàn kinh doanh được tổ chức bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34: “Các mâu thuẫn thương mại giữa các cường quốc chính đã tác động đến thương mại toàn cầu cũng như bầu không khí đầu tư và cuối cùng có thể dẫn tới một cuộc xung đột thương mại. Ngoài ra, chúng ta phải đối mặt với thách thức của Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 với công nghệ và sáng tạo mang tính đột phá mà sẽ tác động tới nền kinh tế toàn cầu, kể cả những người dân từ mọi tầng lớp”.
Ông Prayuth Chan-o-cha bày tỏ tin tưởng rằng Thái Lan và ASEAN có khả năng đương đầu với những thách thức nói trên, đồng thời có thể hành động như là một cơ sở ổn định cho thương mại và đầu tư và là giải pháp để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trên khắp thế giới. Ngoài ra, ASEAN vẫn sẽ duy trì được tính trung tâm của Hiệp hội trong cấu trúc khu vực giữa lúc có sự cạnh tranh của các cường quốc lớn trong vùng.
Trả lời phỏng vấn tờ The Nation (Thái Lan) nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, trong bối cảnh căng thẳng thương mại và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng mạnh mẽ, cùng với việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP (liên quan đến 4 nước ASEAN) được triển khai từ đầu năm 2019, việc thúc đẩy đàm phán RCEP sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy liên kết kinh tế đa phương dựa trên luật lệ và tự do hoá thương mại tại châu Á-Thái Bình Dương, qua đó góp phần duy trì vai trò của châu Á-Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ-Trung đang ảnh hưởng ngày càng nhiều đến kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế khu vực nói riêng, phát ngôn viên của Chính phủ Thái Lan ông Weerachon Sukhontapatipak đã tuyên bố với báo chí: “Hiệp định RCEP sẽ là yếu tố chủ chốt giúp gia tăng trao đổi thương mại”.
| Doanh nghiệp Việt nên kỳ vọng gì vào RCEP? Dự kiến, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được hoàn tất đàm phán trong năm nay. Khi được thông qua, ... |
| Thái Lan ưu tiên triển khai Cửa sổ thương mại ASEAN và hoàn tất đàm phán RCEP Bà Auramon Supthaweethum, Vụ trưởng Vụ Đàm phán thương mại, Bộ Thương mại Thái Lan, khẳng định: “Hoàn thành đàm phán RCEP vào cuối năm ... |
| RCEP lại bị trì hoãn, lý do vì đâu? Bất chấp việc được kỳ vọng hoàn thiện vào cuối năm nay, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) lại một ... |