📞

RCEP lại bị trì hoãn, lý do vì đâu?

11:15 | 18/11/2018
Bất chấp việc được kỳ vọng hoàn thiện vào cuối năm nay, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) lại một lần nữa không đi đến được giai đoạn hoàn thiện và chuẩn bị ký kết và phải lùi thời hạn hoàn thành đến 2019.

Trước đó, Bộ trưởng Thương mại của 16 nước RCEP đã nhóm họp tại Singapore ngày 12/11 nhưng không đạt được đồng thuận về các điều khoản chủ chốt trong hiệp định và nhất trí lùi thời hạn hoàn tất đàm phán sang 2019.

Trước khi đến với Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), một số lãnh đạo các nước thuộc RCEP đã gợi ý rằng cuộc đàm phán lần này khó có thể đi đến một kết luận thực sự. Thủ tướng Australia Scott Morrison gần đây đã chỉ ra rằng mục tiêu của các nhà lãnh đạo tại EAS là “xem xét lại tiến độ để hoàn thiện RCEP”, đồng thời ghi nhận giá trị của một hiệp định giúp “đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực”.

Các nhà lãnh đạo dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 các nước tham gia đàm phán Hiệp định RCEP.

Tuyên bố chung của hội nghị được ban hành ngày 14/11 cho thấy RCEP “đã tiến tới giai đoạn cuối cùng của các cuộc đàm phán”. Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh rằng RCEP đã đi tới nhiều “tiến bộ đáng kể” trong năm nay và trích dẫn rằng 7/18 chương trong bản dự thảo RCEP đã được hoàn tất. Ngoài ra, tuyên bố chung cũng bày tỏ cam kết nhằm “hoàn thiện một RCEP hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và có lợi cho các bên vào năm 2019”.

Thực tế, một phần khiến RCEP không được hoàn thiện trong năm nay là do Ấn Độ chưa tìm được tiếng nói chung do Thủ tướng Narendra Modi lo ngại RCEP sẽ gây cản trở chương trình “Make in India” mà ông vạch ra nhằm đẩy mạnh kinh tế nước nhà. Hợp tác RCEP sẽ tác động đến những lĩnh vực mà ông Modi đặc biệt muốn phát triển thị trường nội địa như thép, dược phẩm, thương mại điện tử, chế biến thực phẩm, nông nghiệp, sở hữu trí tuệ và an ninh lương thực.

Vấn đề mở cửa thị trường cho Trung Quốc là mối quan ngại chính đối với Ấn Độ trong việc tham gia RCEP. Một số nước thành viên ASEAN tham gia RCEP đã đưa ra nhượng bộ đáng kể với Ấn Độ nhằm khuyến khích quốc gia Nam Á này tham gia hiệp định, theo đó, giảm mức mở cửa thị trường của Ấn Độ xuống khoảng 83% thay vì 92% như mức quy định ban đầu trong RCEP.

Ngoài ra, các quy chuẩn cao từ phía Nhật Bản và Australia dành cho các quy tắc thương mại điện tử cũng là một bước lùi khiến cho đàm phán RCEP gặp khó khăn.

Bản tuyên bố chung cũng bao gồm một trang phụ lục ngắn đề cập đến việc các quốc gia cần phải thu hẹp khoảng cách tiếp cận thị trường với nhau. Bản phụ lục cho rằng không phải tất cả các nước tham gia RCEP đều sở hữu các thoả thuận tự do thương mại song phương với nhau, vậy nên quá trình đàm phán cân được xem xét kỹ càng và đặc biệt hơn để tránh không ảnh hưởng đến khả năng mở rộng và tăng cường chuỗi cung ứng của 16 nước RCEP.

RCEP bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand). Hiệp định được khởi xướng và dẫn dắt bởi ASEAN, bao gồm hơn 3 tỷ người, có tổng GDP khoảng 17 nghìn tỷ USD và chiếm khoảng 40% tổng thương mại thế giới.

Buổi thoả thuận đầu tiên diễn ra tại hội nghị cấp cao ASEAN 2011 tại Indonesia, tiến trình đàm phán RCEP chính thức bắt đầu tại hội nghị cấp cao ASEAN 2012 tại Campuchia. Tuy vậy, dù được kỳ vọng hoàn tất việc ký kết trước năm 2015, đến nay, RCEP vẫn chưa đi được đến khâu hoàn thiện. 

(theo ITCDS)