📞

RCEP - Ngọn hải đăng khu vực trong một thế giới rạn nứt

21:10 | 08/11/2019
TGVN. Bài bình luận mới đây trên East Asia Forum nhận định, RCEP là một “chồi xanh giữa hoang mạc”. Khi thế giới chia rẽ, châu Á lại xích lại gần nhau.
RCEP được các nền kinh tế châu Á rất kỳ vọng. (Nguồn: ASEAN Post)

"Cái giá" của bảo hộ

Thế giới quan của các chính trị gia dân túy đang ở trong thời kỳ “đỉnh cao”, đặc trưng bởi chủ nghĩa cô lập, bảo hộ và dân tộc. Họ lập luận rằng con đường dẫn đến sự thịnh vượng là một nơi các nền kinh tế bị đóng cửa, thương mại bị hạn chế, các thị trường bị quản lý. Đầu tư nước ngoài bị chặn đứng. Người nhập cư bị trục xuất. Hợp tác kinh tế chỉ dành cho kẻ yếu.

Mô hình kinh tế bảo hộ của những người theo chủ nghĩa dân túy đang đe dọa đến việc làm và tăng trưởng toàn cầu. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu đang giảm sút, tăng trưởng thương mại đã giảm 1/2 kể từ năm 2017, đầu tư nước ngoài giảm gần 1/3 kể từ năm 2017 và chuỗi cung ứng đang ngày càng lộ rõ tốc độ nguy hiểm, đe dọa tăng mạnh chi phí sản xuất và giảm mạnh tăng trưởng năng suất.

Các nhà lãnh đạo của nhóm ASEAN+6, bao gồm 10 thành viên của ASEAN cộng với Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, và hy vọng sớm sẽ có thêm Ấn Độ đã sẵn sàng ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Khi ký kết RCEP, châu Á đã chọn sự cởi mở thay vì chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa khu vực thay vì chủ nghĩa dân tộc, hợp tác thay vì đối đầu, và đoàn kết thay vì ngờ vực. Các quốc gia đã gửi một tín hiệu rõ ràng và mạch lạc đến thế giới rằng: châu Á vẫn rất cởi mở với kinh doanh, cam kết cởi mở với chủ nghĩa khu vực. Thời gian qua, tỷ lệ GDP toàn cầu của Đông Á tăng từ 15 lên 30% kể từ năm 1980, trong khi tỷ lệ ở Nam Á vẫn không nhúc nhích, bị mắc kẹt ở mức 3-4%.

RCEP trải qua một thời kỳ khó khăn trong đàm phán, nhưng mọi quyết định đã trở nên dễ dàng hơn bởi những quan điểm cho rằng châu Á cần chống lại chủ nghĩa bảo hộ ngay cả khi Mỹ chọn con đường đó. Đối với các quốc gia đang tìm kiếm nguồn tăng trưởng mới, chìa khóa chính là hợp tác khu vực. Phân tích của Ủy ban Năng suất Australia đã nhận định, nếu chọn chủ nghĩa bảo hộ, GDP của ASEAN+6 sẽ giảm hơn 8%. Nếu chọn sự cởi mở thì GDP của ASEAN+6 sẽ tăng tới 4%.

Theo các chuyên gia, nền kinh tế bảo hộ có rất nhiều tác động tiêu cực. Gần 100% thuế quan do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đều ảnh hưởng đến chính công dân Mỹ, nhất là người nghèo. Mong muốn giảm thiểu thâm hụt thương mại cho Mỹ của Tổng thống Trump lại có kết quả ngược lại khi thâm hụt tăng lên hơn 1/3. Xung đột thương mại với Trung Quốc đã buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong nỗ lực để tránh khỏi một cuộc suy thoái tiềm tàng ở Mỹ.

Mô hình bảo hộ dường như cũng đang được Thủ tướng Anh Boris Johnson theo đuổi. Việc ông Johnson mong muốn một Brexit “cứng” có thể sẽ khiến nền kinh tế Anh rơi vào suy thoái.

RCEP sẽ giúp các thành viên tham gia có đột phá trong tăng trưởng. (Nguồn: Reuters)

"Chồi xanh giữa hoang mạc"

Do đó, châu Á không thể chọn con đường nào khác. RCEP là một “chồi xanh giữa hoang mạc”. Khi thế giới chia rẽ, châu Á lại xích lại gần nhau. RCEP không chỉ là một thỏa thuận thương mại, mà còn là một thỏa thuận hợp tác kinh tế. RCEP tập hợp một nhóm các quốc gia mà trước đây không có hiệp định thương mại tự do nào liên kết họ, mang lại cho khu vực sự đoàn kết nhằm theo đuổi những lợi ích và mục tiêu toàn cầu.

Ấn Độ có nhiều băn khoăn trong nắm bắt ý nghĩa chiến lược của RCEP. Tuy nhiên, giống như ASEAN, Nhật Bản và các quốc gia khác, giờ đây, Ấn Độ đã coi RCEP là ưu tiên chiến lược và là cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng. Mặc dù Ấn Độ vẫn chưa sẵn sàng ký kết, song RCEP vẫn cởi mở với Ấn Độ và khả năng nước này gia nhập trong tương lai là khá cao.

Có thể thấy rõ, trong một thế giới đang rạn nứt, RCEP mang đến một ngọn hải đăng hy vọng. Nó cho thấy các quốc gia ở trong khu vực phát triển nhanh nhất, năng động nhất trên thế giới vẫn cam kết hợp tác và cởi mở.

Điều đó tạo ra sự bảo vệ tốt nhất cho sự thịnh vượng và an ninh của châu Á trong một thế giới nơi những nước khác đã rút lui một cách đáng kể. Hy vọng phần còn lại của thế giới có thể được thúc đẩy từ kết quả của RCEP để quay lại cùng theo đuổi một mục tiêu.

(theo East Asia Forum)