Trước khi quyết định đến ăn quán lạ hay xem một bộ phim mới ra rạp, các vị khách thời nay muốn được biết cảm nhận, đánh giá từ những người đã thử trước đó. Nghề review là đi làm “chuột bạch” như vậy, Hồng Ngọc - một bạn trẻ làm food reviewer đã bắt đầu câu chuyện với tôi như thế.
Được ăn, được nói… không sướng như tưởng tượng
Nhìn vào các food reviewer (người đánh giá đồ ăn), rất nhiều người nghĩ rằng đó là một công việc rất… sướng vì lúc nào cũng được ăn các món ngon. Không những vậy, công việc ấy còn rất dễ dàng vì chỉ cần có smartphone để chụp ảnh đồ ăn và biết “chém gió” trên mạng xã hội là đủ.
Lê Giang trong một video “lộ mặt” hiếm hoi trên kênh Phê Phim. |
Nhưng đằng sau mỗi bức ảnh lung linh là cả một câu chuyện dài…
Đều nghĩ rằng chỉ chụp ảnh những bữa ăn cho vui, nhưng cả Minh Anh (@eatwithmynoreo) và Hồng Ngọc (@Ngocsfood) đều đi theo con đường “food reviewer” từ lúc nào không hay. Được biết đến rộng rãi từ năm 2017, tính đến thời điểm hiện tại, trang Instagram chuyên đánh giá đồ ăn của mỗi bạn đều đã có hơn 20.000 người đăng ký theo dõi. Mỗi bài viết có từ 800-1000 like và được khoảng 200 người lưu lại để ghi nhớ hoặc gửi cho bạn bè.
“Những món ăn bày trên bàn tưởng chừng lộn xộn nhưng kỳ thực đều được sắp đặt có chủ ý,” Minh Anh chia sẻ. Chỉ khi nhìn thấy một bức ảnh đẹp, người xem mới chú ý để tiếp tục đọc nhận xét của tụi mình.”
Khi trở thành một food reviewer, cả hai cô gái này đều đã phải học thêm rất nhiều về cách bài trí đồ ăn, chỉnh sửa ảnh sao cho bắt mắt. Đó là còn chưa kể tới việc phải nghiên cứu các chương trình về ẩm thực để tăng thêm vốn từ và hiểu biết về ẩm thực.
Để có một bức ảnh ưng ý, Minh Anh và Hồng Ngọc thường mất trung bình 30-45 phút để bày biện và tìm góc chụp. Sau đó, cả hai cô nàng lại thử bấm máy tới vài chục “pô”, chỉnh sửa… chỉ để chọn ra một tấm ưng ý nhất. “Có những reviewer cầu toàn còn phải mất đến 1-2 tiếng để chụp ảnh. Mang tiếng là suốt ngày được ăn ngon nhưng bọn mình toàn phải ăn đồ nguội thôi,” Ngọc chia sẻ.
Vì có lượng người theo dõi khá lớn, nên hai food reviewer này cũng hay được các quán, hàng mời đến đánh giá đồ ăn của họ. Ngọc cho biết, việc đánh giá thường dựa trên các yếu tố gồm: chất lượng đồ ăn, thái độ phục vụ, không gian và vệ sinh thực phẩm. Trước khi nhận lời đến đánh giá, các bạn luôn làm rõ với chủ nhà hàng về việc sẽ nêu rõ về cả ưu điểm lẫn nhược điểm. Và khi gặp những hàng quán quá tệ, các reviewer sẽ không viết bài đánh giá vì như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Sau hơn một năm làm food reviewer được nhiều người biết đến, Minh Anh và Ngọc đều thú thật rằng thu nhập từ nghề này… chỉ đủ đi ăn. Tuy nhiên, điều khiến hai bạn vẫn rất đam mê đó là liên tục được thử nghiệm những món mới và nghe những lời cảm ơn, động viên từ cộng đồng mạng.
Hồng Ngọc kể lại: “Có lần, mình giới thiệu quán ốc ăn quen cho mọi người trên Instagram. Một ngày kia đến quán, cô chủ nhận ra Ngọc và nói: Con bé này! Hôm trước mày đăng ảnh quán nên giờ đông khách quá.” Và kể từ đó, mỗi khi Ngọc qua, cô bạn food reviewer lại được chào đón nhiệt tình và cảm thấy thân thiết hơn với mọi người ở đây.
Cũng vì được các quán quý mến, nên đôi khi các nhà “phê bình ẩm thực” trên mạng xã hội này khốn khổ. Thời điểm trà sữa tạo nên cơn sốt vào năm ngoái, tuần nào các bạn cũng phải đến thử một quán để review các món đồ uống mới cho mọi người. Có lần, vì muốn giới thiệu những “tinh hoa” của cửa hàng, nên chủ quán mang ra tới gần chục cốc trà sữa các loại, có đầy đủ các loại chân trâu hảo hạng (topping). Vẫn biết là đánh giá thì chỉ cần nếm qua nhưng vì nghĩ đến cảnh những cốc trà sữa vài chục nghìn bị vứt đi, hai food reviewer này đành… cố uống. Và kết quả là trong suốt cả ngày hôm đó, Minh Anh và Hồng Ngọc không thể ăn gì thêm.
Cũng vì phải thử quá nhiều đồ ăn trong một ngày nên việc “bị Tào Tháo ghé thăm” với các reviewer là khá thường xuyên. Đi ăn phải có kế hoạch, ngồi ăn là phải nghĩ ngợi, ghi nhớ để về viết review, rồi còn cả chuyện phải giải quyết những ý kiến trái chiều trên mạng xã hội… đằng sau những bức ảnh đồ ăn lung linh là hàng tá những câu chuyện dở khóc dở cười.
Cực phê, khá phê hay không phê?
Cũng với câu hỏi: Khi đam mê trở thành công việc, các reviewer liệu có bị mất cảm giác thưởng thức hay không? Lê Giang - một trong những người sáng lập kênh Youtube “Phê Phim” chia sẻ: “Việc xem nhiều phim, đọc nhiều hơn về điện ảnh có ảnh hưởng tới mình, nhưng là ảnh hưởng tích cực. Mình sẽ thấy biết ơn, trân trọng khi được xem một tác phẩm điện ảnh hay. Còn với những bộ phim dở, mình sẽ có cảm giác: Trời ơi! Tôi phải thoát ra ngay khỏi cái rạp này mới được.”
Food reviewer Minh Anh và Hồng Ngọc. |
Mới thành lập từ giữa năm 2017, nhưng Phê Phim đã có tới hơn 100.000 người đăng ký theo dõi (subcriber) và trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều khán giả yêu môn nghệ thuật thứ 7. Ở nhiều trang xem phim trực tuyến, người xem có thể bắt gặp những bình luận kiểu như “Phê phim đã đưa tôi đến đây”, “Điểm danh nếu bạn xem phim này vì Phê Phim review”… Thậm chí, Lê Giang còn cho biết, vào dịp Giáng Sinh và Haloween vừa qua, nhiều trang còn đăng toàn bộ các tác phẩm điện ảnh mà trước đó Phê Phim gợi ý nên xem vào các dịp này.
Ra video đều đều là thế, nhưng nhóm Phê Phim kỳ thực chỉ có bốn thành viên là Giang, Nhân, Đạt và Linh. Sau những tháng chạy “roda” thành công vang dội với việc review phần 8 của bộ phim truyền hình Games of Thrones (Trò chơi vương quyền), các bạn giờ đã mở rộng nội dung của kênh. Hiện tại, không chỉ giới thiệu các bộ phim vừa phát hành, Phê Phim sau đó còn đi sâu phân tích những điểm đáng chú ý của chúng. Ngoài ra, các bạn cũng thường review những bộ phim kinh điển hoặc làm các video giải thích cặn kẽ lịch sử của từng siêu anh hùng, nhân vật điện ảnh nổi tiếng…
Khác với nhiều trang review phim ở trong và ngoài nước, tuy phân tích rõ ràng ưu nhược điểm của từng tác phẩm điện ảnh, Phê Phim vẫn khéo léo để không làm lộ ra toàn bộ cốt truyện hay những tình tiết có thể khiến khán giả mắt chữ A - mồm chữ O khi ra rạp. Vào cuối mỗi video, các bạn luôn chấm điểm bộ phim ở những mức: Cực phê, Phê vừa, Không phê…
Tuy nhiên, kể cả những phim ở mức “không phê”, người xem video của Phê Phim vẫn tự tin ra rạp vì đã được chuẩn bị sẵn tinh thần. Nhờ vậy, họ có thể bỏ qua những điểm yếu mà tập trung vào các chi tiết hấp dẫn khác của tác phẩm.
Một điểm thu hút người xem đặc biệt của Phê Phim chính là giọng đọc lời bình cực kỳ hấp dẫn của cả bốn thành viên. Trong đó, Lê Giang được mọi người đặt cho biệt danh “con trai bác Ngạn” – (MC Nguyễn Ngọc Ngạn) vì sở hữu chất ấm áp, lên bổng xuống trầm và phát âm tiếng Anh cực chuẩn. Ấy vậy mà ít người biết rằng các thành viên Phê Phim lại chẳng hề có phòng thu cầu kỳ. Hiện tại, họ vẫn thường thu âm lời bình bằng laptop, điện thoại rồi gửi kèm kịch bản cho Nhân để dựng video.
Giang chia sẻ: “Nhân và mình rất hiểu ý nhau. Cậu ấy chỉ cần đọc kịch bản, nghe qua lời bình là đã dựng được video đúng 95% như mình tưởng tượng rồi.”
Đứng trước “thị phi”
Ở các cuộc trò chuyện với người viết, các reviewer luôn khẳng định: Tất cả những nhận định đều là ý kiến chủ quan. Tuy chỉ đưa ra để mọi người tham khảo nhưng việc phải nhận những ý kiến trái chiều là điều mà chẳng reviewer nào tránh khỏi được. Quan trọng nhất là cách các bạn phản ứng như thế nào.
Với Lê Giang, cậu và các thành viên Phê Phim vẫn luôn dành thời gian để trả lời các bình luận trái chiều. Sau khi tranh luận, họ thường cảm ơn người xem. Giang chia sẻ: “Chỉ khi quan tâm đặc biệt đến Phê Phim, họ mới dành thời gian như vậy nên mình phải trân trọng những lợi góp ý ấy”. Còn với những bình luận thỗ lỗ, khiếm nhã, chúng sẽ bị bỏ qua.
Việc các food reviewer bị chê là “chẳng hiểu mồm kiểu gì” hay “ăn tiền để PR cho quán” là chuyện thường ngày ở huyện. Thậm chí, Minh Anh từng bị một chủ cửa hàng gọi bạn bè, người thân vào bình luận kiểu “đánh hội đồng” vì cô… nhỡ phê bình bánh của họ. Cô cũng kể về kỷ niệm review nhớ đời với Ngọc: “Có lần, bọn mình được chủ quán mời đến dùng thử món ăn mới của họ. Nhưng khi thấy bọn mình dùng điện thoại chụp ảnh, họ tỏ thái độ khó chịu ra mặt vì cho rằng bọn mình không chuyên nghiệp. Sau khi lấy máy ảnh riêng và ép cả hai dùng không được, họ kéo đồ ăn khỏi bọn mình để tự chụp.”
Không chỉ vì ăn quá nhiều, xem quá nhiều… các reviewer còn bị stress vì phải nghe chỉ trích từ một số cá nhân gay gắt. Nhưng nhờ có những lời động viên, đề nghị review, hỏi thăm bí quyết làm việc mà họ mới đỡ tủi thân và có động lực hơn.
Cả ba reviewer trong bài viết đều rất hiếm khi lộ mặt trên trang đánh giá của mình. Tuy nhiên, Hồng Ngọc và Minh Anh vẫn được một số “fan” nhận ra khi đi thử đồ ăn. Trong khi đó, ở ngoài đời, mới chỉ có… anh tài xế Uber nhận ra Lê Giang là thành viên của Phê Phim, thông qua câu chuyên mà cậu nói với người bạn trên chuyến xe.
“Mọi video mà Phê Phim đăng lên đều được bố mình xem rồi nhận xét. Thậm chí, bố còn nhớ chi tiết của các video ấy hơn cả mình,” Lê Giang khoe khi được hỏi về những người xem của nhóm.