“Nó đang trong tình trạng rất nguy kịch và chúng tôi không rõ là có thể giải thoát được robot này hay không", kỹ sư Scott Maxwell thuộc Phòng thí nghiệm tên lửa đẩy (JPL) của NASA thừa nhận. Spirit đã mắc kẹt từ hơn 7 tháng nay và NASA chưa biết làm thế nào để có thể giải cứu cho robot này.
Thiếu may mắn ngay từ đầu
Bộ đôi robot song sinh Spirit và Opportunity có mặt trên 2 cực của hành tinh Đỏ từ tháng 1/2004. Ngay sau khi hạ cánh, Opportunity đã phát hiện bằng chứng cho thấy có hồ axít tại một địa điểm có tên là Meridiani Planum trên sao Hỏa. Trong khi đó, Spirit lại không được may mắn như vậy. Các hình ảnh vệ tinh của robot cho thấy vùng Gusev Crater mà robot này hạ cánh xuống từng là hồ.
Trong 6 tháng đầu tiên, Spirit hầu như không phát hiện được dấu hiệu quan trọng nào. Chỉ đến tháng 6/2004, Spirit mới phát hiện ra các phiến đá giàu lưu huỳnh và có vẻ như đã từng có nước tại đó. Tháng 3/2006, bánh xe đầu tiên bên phải của Spirit có vấn đề khiến nó không tự chuyển động được mà phải nhờ lực truyền dẫn của các bánh xe còn lại. Trong khi đó, Opportunity đã di chuyển tổng cộng 19km, nhiều gấp 2,4 lần so với Spirit kể từ khi hạ cánh xuống hành tinh Đỏ. Tuy nhiên, Opportunity cũng không thoát khỏi bị sa lầy. Tháng 4/2005, robot này đã bị mắc kẹt gần 5 tuần trên dải đất Purgatory Dune, nhưng sau đó thoát ra được. Đến tháng 6/2006, Opportunity tiếp tục mắc kẹt tại vùng đất cát có tên là Bay of Lamentation.
Tuy không thể chuyển động trong suốt 7 tháng qua, nhưng hệ thống quan sát của Spirit vẫn làm việc. Do bánh xe dịch chuyển qua lại nhiều lần nên đã làm lộ lớp cát màu vàng nâu phía dưới có hàm lượng khoáng Sunfat rất cao. Trước đó, Opportunity cũng tìm ra những lớp cát tương tự ở phía bên kia của hành tinh Đỏ. Sự xuất hiện của Sunfat cho thấy nơi đây từng tồn tại nước và các nhà khoa học phỏng đoán rằng có thể cách đây hàng tỉ năm, vị trí mà Spirit đang đứng từng là hồ.
Hy vọng mong manh
Spirit gặp phải sự cố từ tháng 4 năm nay khi thám hiểm vùng ven Home Plate trên sao Hỏa. Đây là một cao nguyên tro bụi mà robot đã nghiên cứu trong gần 4 năm qua. Tuy nhiên, bánh xe của Spirit đã bị sa lầy vào vùng cát mềm khiến nó không thể dịch chuyển được.
Trước đây, Spirit và Opportunity cũng gặp tình trạng tương tự, nhưng thoát ra được. Tuy nhiên, lần này thực sự khó khăn. Do sa lầy, Spirit đã quay ngang khoảng 12 độ và 3 bánh xe của robot đã ngập hoàn toàn trong cát. Chỉ có một bánh xe duy nhất không bị sa lầy là bánh trước bên phải, nhưng bánh xe này cũng không thể tự hành được do gặp trục trặc cách đây gần 4 năm. Thêm vào đó, vùng sa lầy còn bị những phiến đá chắn lối, khiến nỗ lực tự giải thoát của robot trở nên khó khăn gấp bội. Nếu Spirit lún sâu hơn, các phiến đá sẽ đè xuống khiến cho lực chuyển động của xe giảm đi rất nhiều. Trong nhiều tháng, NASA đã phải thử đi, thử lại mô hình chuyển động tại Mặt Đất để tìm ra phương án giải cứu Spirit.
Một trong những nguy cơ mà Spirit phải đối mặt trong thời gian tới chính là sự thiếu hụt năng lượng nếu nó không thoát ra được. Mùa Đông trên sao Hỏa sẽ diễn ra vào nửa đầu năm tới, đồng nghĩa với hiệu quả của tấm pin Mặt Trời trên Spirit sẽ kém đi rất nhiều. Nếu mùa Đông kéo dài quá lâu, Spirit sẽ hết năng lượng hoạt động trừ khi nó di chuyển sang một vị trí mới. Ngoài ra, còn một nguy cơ khác mà ông John Callas, Giám đốc JPL lo ngại, đó là bão cát. Chúng sẽ làm cho cơ hội "sống sót" của Spirit trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Gia Vũ (Theo New Scientist)