Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Đại sứ Romania Cristina Romila chào xã giao, cảm ơn Romania sẵn sàng nhượng lại một số lượng lớn vaccine Covid-19 theo nguyên tắc phi thương mại cho Việt Nam, ngày 19/10. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Những giá trị vượt thời gian
Bất chấp khoảng cách địa lý, người dân hai nước Romania và Việt Nam chia sẻ nhiều điểm tương đồng. Đó là sự hào phóng, thân thiện và hiếu khách, có lòng tin vào tương lai,… Giá trị của mối quan hệ giữa hai nước được khẳng định trong suốt nhiều năm qua, nằm ở sự tin tưởng giữa nhân dân hai nước, sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử hai quốc gia, vào sự hỗ trợ lẫn nhau được minh chứng qua những khoảng thời gian khó khăn.
Hai năm qua, đại dịch Covid-19 là dịp để hai nước khẳng định tình cảm sâu đậm trong quan hệ song phương, đó là sự hỗ trợ lẫn nhau chống lại và chiến thắng đại dịch. Năm 2020, Việt Nam đã hỗ trợ Romania nhiều đợt khẩu trang. Năm 2021, Romania đã nhanh chóng đáp ứng nhu cầu cần thiết của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại đại dịch với việc hỗ trợ 300.000 liều vaccine.
Tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước còn được thể hiện qua những đóng góp của Romania đối với sự phát triển của Việt Nam, về đào tạo, hỗ trợ chuyên ngành, phát triển dự án, trong các lĩnh vực công nghiệp xây dựng, công nghiệp dầu khí, nông nghiệp, thủy lợi, đường sắt, thăm dò địa chất, giao thông vận tải và khai thác mỏ.
Quan hệ hợp tác toàn diện và quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Romania và Việt Nam đã đạt tới cột mốc mới vào tháng 7 vừa qua với cuộc điện đàm cấp cao giữa Tổng thống Klaus Iohannis và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về các biện pháp nhằm mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước, nhất trí duy trì, thúc đẩy các cơ chế trao đổi, hợp tác trong một số lĩnh vực ưu tiên như kinh tế-thương mại, giáo dục-đào tạo, lao động và các lĩnh vực khác.
Đối tác thương mại quan trọng
Kể từ năm 2016, quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước đã được nhấn mạnh ở tất cả các cấp độ đối thoại song phương. Việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) vào tháng 6/2019 là một trong những thành công lớn trong chính sách thương mại của liên minh Châu Âu trong thời kỳ Romania là Chủ tịch Hội đồng Châu Âu.
Hiệp định cũng đã thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Romania và Việt Nam, mang lại lợi ích nhiều mặt cho công ty, người lao động, người tiêu dùng hai nước. Romania đang tích cực ủng hộ quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác chặt chẽ với EU trên mọi lĩnh vực. Romania cũng là một trong ba nước thành viên EU đầu tiên phê chuẩn IPA.
Kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng trưởng đáng kể trong 3 năm gần đây, mặc dù vẫn chưa tương xứng với tiềm năng thực sự của hai nền kinh tế đang phát triển hết sức năng động.
Tính đến tháng 12/2020, giá trị thương mại song phương là 272 triệu USD, tăng 1,83 % so với cùng kỳ năm 2019. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Romania bao gồm dược phẩm, phân bón, máy móc, thiết bị điện, thực phẩm, đồ uống, kim loại, gỗ, dệt may, nhựa, cao su và thiết bị quang học y tế.
Romania nhập khẩu từ Việt Nam thiết bị điện, dệt may, nhựa, cao su, kim loại thường, thủy tinh, sản phẩm gốm sứ, đồ gỗ, rau quả, phụ tùng xe, thiết bị vận tải và giày dép.
Ủng hộ hợp tác đa phương
Thế giới hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ xung đột lan rộng, nghèo đói, biến đổi khí hậu cho đến những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Một trong những bài học đáng giá mà chúng ta đã học được từ những tháng ngày qua là nhu cầu cốt yếu của hợp tác đa phương.
Chúng tôi nhận thức được rằng một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ với Liên hợp quốc làm nòng cốt phải được duy trì và củng cố, để giải quyết những thách thức toàn cầu một cách hiệu quả và triệt để. Là những thành viên ủng hộ vô điều kiện chủ nghĩa đa phương và trật tự quốc tế, Romania và Việt Nam đang hành động không ngừng nghỉ để đóng góp cho những nỗ lực đa phương.
Hai nước đang tích cực phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong Liên hợp quốc, Tổ chức Pháp ngữ và Diễn đàn hợp tác Á–Âu (ASEM). Romania đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 nhằm hướng tới hòa bình, an ninh, tăng cường thịnh vượng chung ở khu vực và trên thế giới.
Đại sứ Cristina Romila trao tượng trưng 300 nghìn liều vaccine Astra Zeneca ngừa Covid-19 do Chính phủ Romania tặng Việt Nam cho Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và Thứ trưởng Bộ Y Trần Văn Thuấn ngày 25/8. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Romania hoan nghênh thành công của Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN năm 2020 và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực cũng như Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương (AOIP). Romania đánh giá cao đóng góp của Việt Nam vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực dựa trên luật lệ.
Romania hoàn toàn ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp nhằm bảo đảm ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Hai nước chúng ta là đối tác truyền thống, đều là các quốc gia ven biển có vị trí chiến lược song cũng phải đối mặt với những thách thức của biến đổi khí hậu. Romania sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn về kết nối với Việt Nam trên tư cách là quốc gia sáng lập và thành viên của các cơ chế hợp tác khu vực biển, chẳng hạn như Hợp tác Kinh tế Biển Đen (BSEC) và Chiến lược sông Danube của EU.
Trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU năm 2019, Chính phủ Romania ủng hộ mạnh mẽ việc thông qua Chiến lược của EU về kết nối châu Âu và châu Á. Chiến lược cũng đề cập đến tầm quan trọng của khu vực Biển Đen đối với sự kết nối giữa châu Âu và châu Á.
Sẻ chia bước qua đại dịch
Đại dịch Covid-19 một lần nữa cho thấy những thách thức toàn cầu đòi hỏi phải có hành động đoàn kết và hợp tác. Bắt đầu từ năm 2020, Romania đã tăng ngân sách cho hợp tác quốc tế để ứng phó với đại dịch Covid-19, đặc biệt chú trọng vào việc củng cố năng lực hệ thống y tế của các đối tác.
Trên nền tảng tình hữu nghị vững chắc giữa hai nước, Chính phủ Romania đã quyết định tặng 300.000 liều vaccine Covid-19 cho Việt Nam trong tháng 7 vừa qua. Hình ảnh những lô vaccine trên chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Romania TAROM hạ cánh xuống Việt Nam làm tôi vô cùng xúc động. Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được chuyển đến Việt Nam những tình cảm chân thành của người dân Romania với mong muốn Việt Nam sớm vượt qua đại dịch.
Romania và Việt Nam đã ủng hộ các sáng kiến của Liên hợp quốc nhằm đưa ra một giải pháp toàn cầu cho đại dịch Covid-19. Hai nước đều hoan nghênh Nghị quyết kêu gọi tăng cường các hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống lại các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu: đẩy lùi Covid-19 được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9/2020.
Được bổ nhiệm làm Đại sứ Romania tại Việt Nam, đối với tôi đó là một vinh dự to lớn, nhưng đó cũng là một trách nhiệm hết sức lớn lao. Chúng ta có thể tin tưởng vào nền tảng mạnh mẽ cho sự phát triển của quan hệ song phương, cho các giá trị nhân văn của hai dân tộc.
Quá khứ tốt đẹp đã giúp chúng ta cùng nhau sát cánh đi qua những khó khăn, gian nan của thế kỷ XX và tạo ra những cơ hội hợp tác tuyệt vời trong thế kỷ XXI. Tương lai của mối quan hệ Romania-Việt Nam nằm trong tay của chúng ta! Chúng ta có thể làm nhiều hơn nữa để tình hữu nghị Romania-Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai dựa trên nền tảng tốt đẹp của quan hệ hữu nghị truyền thống. Hãy cùng nhau hành động!
| Thủ tướng đề nghị Romania xem xét nhượng lại cho Việt Nam vaccine ngừa Covid-19 Chiều ngày 30/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Đại sứ Romania Cristina Romila đến chào xã ... |
| Romania quyết định tặng Việt Nam 100 nghìn liều vaccine Astra Zeneca Chiều ngày 14/7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Romania Klaus Werner Iohannis. |