📞

Ruble suy yếu là 'con dao hai lưỡi' tác động đến kinh tế Nga?

Việt An 08:10 | 18/08/2023
Tính từ đầu năm nay, Ruble đã mất giá 22% so với USD và là một trong 3 đồng tiền có diễn biến tệ nhất nhóm nước mới nổi.
Ruble đã mất 22% giá trị trong năm nay. (Nguồn: Reuters)

Trong tuần này, có thời điểm Ruble xuống thấp nhất 17 tháng so với USD, khi 1 USD đổi được hơn 100 Ruble. Việc này khiến Ngân hàng trung ương Nga phải tổ chức họp khẩn, nâng lãi suất tham chiếu từ 8,5% lên 12%.

Giá nội tệ Nga đi xuống do nước này đang xuất khẩu ít hơn, thể hiện qua nguồn thu từ dầu khí giảm so với năm ngoái. Nước này cũng tăng nhập khẩu, đồng nghĩa người dân phải bán Ruble để lấy ngoại tệ như USD hay Euro.

Năm ngoái, thời điểm Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, nước này đạt thặng dư thương mại lớn, nhờ giá dầu cao và nhập khẩu lao dốc. Điều này giúp nội tệ được hỗ trợ đáng kể. Tuy nhiên, bước sang năm nay, giá dầu bắt đầu đi xuống. Hoạt động bán dầu của Nga cũng gặp nhiều rào cản hơn do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Theo nhận định của các chuyên gia, Ruble giảm là con dao hai lưỡi. Ngân sách nước này hưởng lợi khi nguồn thu xuất khẩu từ USD, Euro hay Nhân dân tệ quy đổi sang Ruble nhiều hơn. Điều này giúp họ có thêm ngân sách chi cho việc "xoa dịu" tác động của lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, khi đồng nội tệ đi xuống, người Nga phải chi nhiều tiền hơn khi mua hàng nhập khẩu, từ đó đẩy cao lạm phát.

Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Nga dự báo, lạm phát lên 6,5% năm nay, một phần vì Ruble giảm mạnh.

Một rủi ro khác là Nga trở nên kém hấp dẫn hơn với lao động nhập cư, đặc biệt từ các nước Trung Á lân cận. Việc này sẽ là bất lợi trong bối cảnh Nga thiếu lao động trầm trọng nhất nhiều thập niên.

(theo AP, WSJ)