Màn trình diễn múa rực rỡ sắc màu trên đường phố tại lễ hội Chingay 2023. (Nguồn: Indiplomacy) |
Là quốc gia có tốc độ phát triển hàng đầu thế giới, đảo quốc sư tử vẫn quan tâm lưu giữ những nét văn hóa truyền thống.
Singapore không chỉ sở hữu những tòa nhà cao chọc trời hiện đại, những đường phố xanh-sạch-đẹp, những show trình diễn âm thanh, ánh sáng top đầu thế giới, mà còn là quốc gia luôn tôn vinh vẻ đẹp truyền thống văn hóa dân tộc. Mỗi năm, có rất nhiều lễ hội độc đáo, đậm tính truyền thống được tổ chức nơi đây.
Lễ hội tôn giáo Thaipusam
Mới đây, Hội đồng Quỹ Hindu (HEB) tại Singapore cho biết sẽ có thêm nhiều buổi trình diễn nhạc sống trên đường phố Singapore từ đầu năm 2024.
Theo đó, hai địa điểm trình diễn nhạc sống mới - nằm ở Đại lộ Clemenceau và đối diện Trung tâm Selegie ở thành phố Singapore - sẽ được đưa vào hoạt động, cùng với ba địa điểm hiện có ở đường Hastings, phố Short và phố Cathay Green, nâng tổng số lên năm địa điểm trình diễn.
Các nhạc công chơi nhạc cụ truyền thống Ấn Độ như đàn kavadis và hát những bài ca tôn giáo có thể biểu diễn tại các địa điểm này. Hiện những người chơi các nhạc cụ truyền thống của Ấn Độ đã sẵn sàng cho các buổi lễ rước trên đường phố tại dịp lễ hội Thaipusam vào tháng Giêng năm mới 2024.
Thaipusam, lễ hội tôn giáo nơi các tín đồ đạo Hindu tìm kiếm phước lành và thực hiện lời thề được tổ chức vào ngày 25/1/2024.
Lễ rước bắt đầu từ 23h30 ngày 24/1, khi đoàn tín đồ bắt đầu hành trình từ đền Sri Srinivasa Perumal ở đường Serangoon di chuyển đến đền Sri Thendayuthapani ở đường Tank, mang theo các nhạc cụ và các bình sữa làm lễ vật.
Các nhạc công biểu diễn ở đường Hastings và phố Short từ 7h sáng đến trưa và từ 4h chiều đến 10h đêm.
Năm 2016, nhạc sống được phép tổ chức trình diễn tại lễ hội Thaipusam lần đầu tiên sau bốn thập kỷ bị cấm kể từ năm 1973 do xảy ra ẩu đả giữa các nhóm người đi dự lễ.
Năm 2019, các nhạc cụ gõ như trống, chiêng được chính quyền cho phép sử dụng trở lại tại lễ hội lần đầu tiên kể từ lệnh cấm năm 1973. Tại các điểm rước dọc theo tuyến đường dài 4 km sẽ có trình diễn các bài ca tôn giáo từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối trong ngày lễ hội Thaipusam.
Các nhạc công, ca sĩ hát thánh ca và người chơi nhạc cụ gõ truyền thống sẽ phải đăng ký trực tuyến với chính quyền từ ngày 27/12 đến ngày 23/1.
Người tham dự không được phép uống rượu và hút thuốc tại các ngôi chùa và dọc theo tuyến đường rước kiệu.
Lễ Phật đản
Đây là dịp lễ quan trọng đối với người Singapore, được tổ chức hằng năm vào ngày rằm tháng Tư âm lịch tại khu di tích The Buddha Tooth.
Mục đích của lễ hội là tưởng nhớ và kỷ niệm ngày sinh nhật của Đức Phật Thích Ca. Đây là dịp để người dân Singapore theo đạo Phật vào chùa cầu an, đọc kinh, ăn chay, niệm Phật và phóng sinh.
Tham gia lễ hội không chỉ có những người theo Phật giáo tại Singapore mà còn cả đông đảo du khách quốc tế. Và tất nhiên, những ai tham gia lễ hội sẽ hiểu hơn về những nét độc đáo của Phật giáo tại quốc gia này.
Lễ hội thu hoạch Pongal. (Nguồn: Straitstimes) |
Lễ hội thu hoạch Pongal
Lễ hội thu hoạch Pongal có nguồn gốc từ văn hóa Ấn Độ. Lễ hội này diễn ra vào ngày 1 tháng 10 theo lịch Tamil (vào tháng 1 dương lịch), được tổ chức náo nhiệt tại khu phố Campbell Lane.
Vào ngày diễn ra lễ hội, người dân Singapore tới nhà người thân, hàng xóm, bạn bè để thăm hỏi, chúc sức khỏe và vui chơi. Đây cũng là ngày nông dân Singapore tôn vinh gia súc, gia cầm, máy móc nông nghiệp với ước mong chúng đem về cho họ những mùa màng bội thu.
Chingay Parade Singapore
Trong dịp Tết Nguyên đán ở Singapore, khách du lịch nước ngoài đến đây không thể không ấn tượng với lễ hội đường phố Chingay Parade Singapore.
Chingay Parade là một trong những lễ hội diễu hành đường phố lớn nhất ở châu Á, được Hiệp hội nhân dân Singapore tổ chức hằng năm.
Lễ hội Chingay Parade ra đời từ cuối thế kỷ XIX và chính thức trở thành ngày hội truyền thống của Singapore vào các dịp Tết âm lịch hàng năm kể từ năm 1973. Không khí náo nhiệt và nét văn hóa lâu đời vẫn được bảo tồn và phát huy tạo nên sức cuốn hút cho lễ hội Chingay Parade với bạn bè quốc tế.
Chingay Parade là màn diễu hành đường phố hoành tráng với những chiếc xe hoa cùng các nghệ sĩ mặc trang phục rực rỡ màu sắc, những màn biểu diễn nghệ thuật cùng nhạc cụ và không thể thiếu pháo hoa.
Lễ hội diễu hành này ngày nay đã nổi tiếng toàn cầu với sự tham gia biểu diễn của đại diện đến từ nhiều quốc gia với nhiều nền văn hóa khác nhau.
Sau hai năm phải tổ chức trực tuyến vì dịch Covid-19, Chingay Parade Singapore đã trở lại vào ngày 3 và 4/2/2023 với màn biểu diễn của các nghệ sĩ Singapore và sáu nhóm nghệ sĩ quốc tế.
Đoàn nghệ sĩ Việt Nam gồm 20 thành viên thuộc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP. Hồ Chí Minh sang Singapore tham dự lễ hội đã giới thiệu với khán giả quốc tế nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam thông qua những bộ trang phục áo dài sắc màu và duyên dáng.
Những lễ hội đường phố là hoạt động độc đáo để người dân quốc đảo sư tử vừa vui chơi “xả hơi” sau những ngày lao động, vừa thắt chặt tình đoàn kết giữa các sắc tộc trong nước và cộng đồng quốc tế.
Đây là những sự kiện quan trọng mà người dân Singapore không thể bỏ qua bởi những đặc trưng văn hóa truyền thống. Những giá trị tốt đẹp này được giữ gìn và phát huy từ lâu đời, cho đến tận ngày hôm nay.
| Độc đáo và náo nhiệt Lễ hội té nước Songkran ở Thái Lan Mỗi nước trên thế giới đều có riêng một lễ hội độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc để chào mừng năm mới. Với ... |
| Ba Lan rực rỡ qua lăng kính của các nghệ sĩ Việt Nam Chiều 28/10, Đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội đã tổ chức lễ trao giải và triển lãm các tác phẩm trong cuộc thi ... |
| Rực rỡ sắc màu trong mùa lễ hội hóa trang truyền thống ở Đức Lễ hội hóa trang truyền thống là mùa lễ hội quan trọng, được gọi là "mùa thứ 5" trong năm đối với người dân Đức. |
| Hà Giang rực rỡ trong mùa hoa tam giác mạch Đến Hà Giang vào mùa này, du khách sẽ thấy khắp các thung lũng được phủ bằng sắc hồng rực rỡ của những bông hoa ... |
| Rực rỡ sắc màu Carnaval Thu Hà Nội Sáng 1/10, tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm đã diễn ra Carnaval Thu Hà Nội với quy mô 1.500 người đến từ các đơn ... |