Điểm nhấn của chương trình với chủ đề "Rực rỡ sắc màu văn hoá các dân tộc Việt Nam" là Tết nhảy của đồng bào dân tộc Dao, Lễ hội cầu mưa của đồng bào dân tộc Thái và "Chợ phiên vùng cao - Sơn La điểm hẹn".
Hai lễ hội sẽ được tái hiện tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam trong tháng 4/2022.
“Múa rùa” là điệu múa quan trọng nhất và cũng là điệu múa cuối cùng trong Tết nhảy của người dân tộc Dao. (Nguồn: Báo QĐND) |
Tết nhảy là lễ hội lớn nhất của các dòng họ dân tộc Dao, là nghi thức truyền thống, hội tụ những giá trị nhân văn trong đời sống cộng đồng dân tộc Dao Tiền.
Tết nhảy gồm 3 phần chính là khai lễ, chính lễ và lễ tiễn đưa. Người hành lễ vừa cúng vừa múa và đọc thơ.
Đó là những màn múa có múa văn (vũ điệu con cháu mời ông bà tổ tiên về vui tết nhảy, phù hộ cho gia đình được an khang thịnh vượng) và múa võ (vũ điệu mạnh mẽ, tái hiện quá khứ, tổ tiên người Dao từng phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, kẻ thù để vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc)...
Còn lễ hội cầu mưa của người Thái sẽ góp phần gửi thông điệp mong muốn mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no của người nông dân, khẳng định con người và thiên nhiên có sự gắn kết, ràng buộc lẫn nhau. Sự tôn trọng thiên nhiên, môi trường cũng chính là tôn trọng cuộc sống của chính mình, đem lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống.
Việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của lễ hội cầu mưa sẽ góp phần giáo dục việc bảo vệ môi trường, tạo sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, thu hút đông đảo du khách đến với cao nguyên Mộc Châu...
Tại "Chợ phiên vùng cao - Sơn La điểm hẹn" vào dịp 30/4-1/5, Ban tổ chức sẽ tái hiện không gian chợ vùng cao đậm sắc màu văn hóa của các dân tộc Tây Bắc, Đông Bắc. Trong đó, 10 gian hàng của tỉnh Sơn La gồm các loại nông sản, thực phẩm, giới thiệu ẩm thực như thắng cố, mèn mén, rượu ngô Mộc Châu, xôi màu...; 2 gian hàng quảng bá du lịch với chủ đề "Sơn La hãy đến và cảm nhận".
Tiếp đó là khoảng 20 gian hàng giới thiệu sản vật địa phương của Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Thái Nguyên, Ba Vì (Hà Nội) như thổ cẩm, đồ mỹ nghệ, rượu, hương liệu dân tộc, thuốc nam, măng khô, miến dong, mật ong… Có 10 gian nhà lá giới thiệu ẩm thực truyền thống dân tộc như gà ri, lợn mán, các loại rau rừng…
Trong không gian chợ vùng cao, Ban tổ chức cũng giới thiệu nhiều bức ảnh đẹp về sắc màu văn hóa Tây Bắc. Chương trình "Sắc màu chợ phiên" của cộng đồng các dân tộc tại chợ vùng cao phía Bắc gồm nhiều tiết mục biểu diễn dân ca, dân vũ, giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc mừng đất nước, ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc vùng, miền.
Đồng bào cũng sẽ tham gia các trò chơi dân gian đánh quay (tu lu), leo cột, đẩy gậy, giã bánh dày cùng với du khách...
Khèn Mông là một nhạc cụ tiêu biểu, độc đáo và quan trọng đối với đời sống tinh thần của dân tộc Mông. (Nguồn: SKP) |
Đặc biệt, đồng bào dân tộc Mông (Mộc Châu, Sơn La) sẽ giới thiệu nghệ thuật khèn Mông (Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018) đến với công chúng.
Khèn là nhạc cụ độc đáo thể hiện nghi thức, tín ngưỡng truyền thống và là vật linh thiêng trong các nghi thức lễ hội của dân tộc Mông. Nghệ thuật trình diễn dân gian của người Mông gắn liền với chiếc khèn. Những âm thanh của loại nhạc cụ này cũng góp phần thể hiện vẻ đẹp tự nhiên của vùng núi bao la, hùng vĩ, nét tươi sáng và giản dị của người Mông.
Có thể nói, tiếng khèn ngấm sâu vào tâm hồn người Mông, thân quen như thắng cố, mèn mén, rượu ngô hay tất cả những gì thân thuộc nhất đã gắn bó với họ từ lúc sinh ra.
Các nghệ nhân tỉnh Sơn La giới thiệu nét đẹp văn hoá qua nghề thủ công truyền thống của nhiều dân tộc. Trong đó, không thể không nhắc đến khăn Piêu - vật trang sức quan trọng, làm tôn lên vẻ đẹp của các cô gái Thái trong sinh hoạt hằng ngày, nhất là lúc đi chơi hay dự lễ hội.
Khăn Piêu là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, sản phẩm văn hóa và tinh thần in đậm bản sắc dân tộc do bàn tay khéo léo của người con gái Thái, tạo nên một nét đẹp, một sắc thái riêng, hấp dẫn về trang phục truyền thống của dân tộc Thái…