Lễ diễu hành tại lễ hội Mardi Gras, Mỹ. (Nguồn: The Forward) |
Sau hai năm tổ chức trực tuyến do đại dịch Covid-19, Ban tổ chức hy vọng, “phiên bản năm 2023 của lễ hội sẽ trở lại thời huy hoàng trước đại dịch và chúng ta lại được chiêm ngưỡng trên đường phố Venice những chiếc mặt nạ và bộ trang phục tuyệt vời của hàng ngàn người đến từ khắp thế giới”.
Nguồn gốc còn tranh cãi
Carnival (hay carnaval) là lễ hội hóa trang thường diễn ra trước khi bắt đầu 40 ngày khắc khổ của mùa Chay hàng năm. Tên gọi của lễ hội được cho là bắt nguồn từ tiếng Latinh thời Trung cổ “carnem levare” hoặc “carnelevarium”, có nghĩa là loại bỏ thịt. Bởi thế, lễ hội này được coi là hành động chia tay với những “thú vui thể xác” trước khi mùa Chay của Cơ đốc giáo bắt đầu. Trong thời gian này, các tín đồ có nghĩa vụ phải kiêng thịt, tránh quan hệ tình dục và tuân theo các quy định khổ hạnh khác.
Cho đến nay, nguồn gốc của lễ hội Carnival vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi. Nhiều người cho rằng, lễ hội này có thể bắt nguồn từ một lễ hội nguyên thủy nhằm tôn vinh sự khởi đầu của năm mới và vòng tái sinh của thiên nhiên. Theo một số ý kiến khác thì sự kiện này có liên quan đến lễ hội Saturnalian ngoại giáo của La Mã cổ đại.
Ngày nay, lễ hội Carnival được xem là sự kiện của Cơ đốc giáo, được tổ chức chủ yếu ở các quốc gia có đông dân số theo Công giáo. Carnival du nhập vào một số nước châu Âu như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… trở thành những lễ hội hóa trang và khiêu vũ trên đường phố. Dần dần, truyền thống này vượt đại dương qua châu Mỹ, thậm chí là cả châu Phi và châu Á. Các nước tổ chức lễ hội Carnival với nhiều hình thức, quy mô và thời gian khác nhau nhưng điểm chung là các bữa tiệc, lễ diễu hành bằng xe hoa và lễ hội hóa trang lộng lẫy sắc màu với những vũ điệu nóng bỏng…
Sức hấp dẫn khó cưỡng
Lễ hội hóa trang Venice bắt nguồn từ năm 1094, khi từ “carnevale” lần đầu tiên được nhắc đến trong một tài liệu có chữ ký của Tổng trấn Cộng hoà Venezia Doge Vitale Faliero.
Vào thời đó, lễ hội hóa trang là sự kiện đặc biệt dành riêng cho những người thuộc tầng lớp hạ lưu, ở đó con người muốn giấu mình đi, biến mình thành một hình ảnh khác theo hướng cách điệu. Do người tham dự đều đeo mặt nạ hoá trang nên sự kiện này cũng có thể có sự góp mặt của giới quý tộc thời đó.
Văn bản chính thức đầu tiên tuyên bố Lễ hội hóa trang Venice là ngày nghỉ lễ được bắt đầu từ năm 1296, khi Thượng viện Cộng hòa Venice ấn định thời gian tổ chức trước mùa Chay. Kể từ đó, lễ hội hóa trang kéo dài sáu tuần, thường là từ ngày 26/12 đến thứ Tư lễ Tro.
Trong thế kỷ XVIII, lễ hội Carnival Venice đã vươn đến thời kỳ đỉnh cao và được quốc tế công nhận, khiến Venice trở thành điểm đến thu hút hàng nghìn du khách.
Năm 1797, khi Napoléon xâm lược miền Bắc Italy và trong thời kỳ chiếm đóng của Áo, truyền thống văn hóa này đã bị gián đoạn do hoàn cảnh lúc bấy giờ không cho phép người ta “ăn chơi nhảy múa” cả tháng trời như trước. Tuy nhiên, trên một số hòn đảo của Venice Lagoon, đặc biệt là Murano và Burano, lễ hội hóa trang được tổ chức theo cách ít náo nhiệt hơn.
Chỉ đến năm 1979, chính phủ Italy và chính quyền thành phố quyết định “tái sinh” Lễ hội hóa trang Venice, với hình ảnh mới hoàn toàn: xa hoa, lộng lẫy và tráng lệ.
Diễn ra trên đường phố liên tục hơn 10 ngày, lễ hội rực rỡ màu sắc thu hút khách du lịch khắp nơi trên thế giới.
Năm nay, Carnival Venice sẽ "bùng nổ" với nhiều chương trình đặc sắc và hấp dẫn. Đặc biệt, ngoài các sự kiện chính thức, nhiều bữa tiệc riêng tư và vũ hội hoá trang sẽ được tổ chức trong các cung điện xinh đẹp của “thành phố tình yêu”, hứa hẹn đem lại không gian huy hoàng cổ xưa của Lễ hội hóa trang Venice.
Người tham gia lễ hội Carnival Venice. (Nguồn: Benvenutolimos) |
“Đặc sản” của Brazil
Cũng diễn ra trong tháng Hai hàng năm, lễ hội Carnival Rio tại thủ đô Rio de Janeiro (Brazil) có phần “trội” hơn cả Carnival Venice. Sự kiện này được xem là lễ hội hóa trang lớn nhất thế giới, nơi tất cả các vũ công Samba tài giỏi nhất đổ về tranh tài.
Đây là một cuộc trình diễn nghệ thuật có quy mô rất hoành tráng. Các cuộc diễu hành của các vũ công Samba với cách hóa trang độc đáo phô diễn nét đẹp của cơ thể hòa cùng vẻ uyển chuyển của vũ điệu khiến người xem phải say mê ngắm nhìn, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Tuy được xem là “thước đo” cho các lễ hội hoá trang trên thế giới nhưng Rio Carnival không phải là một hoạt động văn hóa mang tính bản địa, mà là một lễ hội được hình thành trong quá trình tiếp biến văn hóa mang tính điển hình ở quốc gia châu Mỹ này.
Lễ hội độc đáo bởi sự pha trộn văn hóa bản địa với truyền thống châu Âu và châu Phi. Carnival du nhập Brazil theo bước chân của thực dân Bồ Đào Nha. Năm 1840, diễn ra lễ hội hóa trang đầu tiên ở Rio de Janeiro trên cơ sở hòa trộn giữa hình thức Carnival ở châu Âu với văn hóa bản địa.
Brazil cũng có một số lượng lớn người da màu, là hậu duệ của những nô lệ châu Phi bị đưa tới đây từ thế kỷ XVI tới thế kỷ XIX. Chính điệu Samba của người châu Phi đã khiến cho lễ hội Rio Carnival có phong cách độc đáo khác biệt.
Samba hiện được coi là nhạc truyền thống của Brazil và khi điệu nhạc này vang lên cùng với sự xuất hiện của những bộ trang phục sặc sỡ, người ta chỉ có thể nghĩ ngay tới Carnival ở Brazil.
Vẻ đẹp cơ thể được coi là niềm kiêu hãnh của những cô gái tham dự Carnival Rio, cũng tương tự như người Brazil tự hào về điệu nhảy Samba và những trang phục hóa trang của mình. Đặc biệt, khi lễ hội đã trở nên quá nổi tiếng, mô hình carnival được mang đi khắp nơi... thì Rio Carnival càng được xem là sự kiện giải trí có tính toàn cầu.
Điểm nhấn văn hóa
Bên cạnh những bộ trang phục rực rỡ, vũ điệu sôi động và nóng bỏng, lễ hội Carnival còn mang đậm nét văn hóa của từng quốc gia, từng khu vực. Không chỉ có Venice (Italy) và Rio de Janeiro (Brazil), nhiều nơi khác trên thế giới cũng tổ chức lễ hội Carnival.
Tại Colombia, diễn ra trong tháng Hai, lễ hội Carnival Barranquilla đặc sắc đến độ được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hóa truyền miệng và phi vật thể của nhân loại. Đây chính là một trong những lễ hội văn hóa dân gian quan trọng nhất của đất nước Colombia.
Tại Trinidad thuộc Cộng hoà Trinidad và Tobago, lễ hội Carnival thường diễn ra với ấn tượng nổi bật về những chiếc trống Stellpan (nhạc cụ truyền thống của Trinidad và Tobago), các vũ công Calypso và rượu rum. Lễ hội là sự hòa trộn của những nền văn hóa khác nhau đến từ châu Mỹ, châu Âu, châu Phi, Ấn Độ, Trung Quốc và cả Trung Đông.
Tại Mỹ, Carnival New Orleans Mardi Gras kéo dài từ ngày 6/1 đến gần giữa tháng Hai. Ước tính có hàng triệu người tới để được tận mắt chứng kiến đoàn diễu hành gồm 400 xe, với khoảng 15.000 người trong những bộ trang phục sặc sỡ và các loại nhạc được coi là thời thượng nhất vang lên, tạo ra không khí vô cùng náo nhiệt.
Tại Việt Nam, lễ hội hoá trang lần đầu tiên được biết đến là Carnaval Hạ Long, tổ chức tại thành phố Hạ Long vào năm 2006. Đây là một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc, ấn tượng nhất trong mùa du lịch Hè đã được tỉnh Quảng Ninh duy trì, phát triển suốt nhiều năm, mang ý nghĩa chào đón một mùa du lịch sôi động của thành phố biển.
Năm 2022, nhằm kích cầu du lịch sau hai năm gián đoạn do dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hai lễ hội: Carnaval Hạ Long (tháng 4) và Carnaval mùa Đông Hạ Long (tháng 12). Lễ hội là điểm nhấn đặc sắc, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế khiến nhiều địa phương khác cũng muốn tiếp nối những thành công này như Hà Nam, Hoà Bình…