📞

Rút lui khỏi Kavkaz-2020, Ấn Độ tập trận hải quân chung với Australia

Hồng Phúc 18:43 | 23/09/2020
TGVN. Từ ngày 23-24/9, Ấn Độ tiến hành cuộc tập trận hải quân với Australia ở khu vực Đông Ấn Độ Dương, tiếp sau các cuộc tập trận tương tự với Mỹ và Nhật Bản ở khu vực này, trong bối cảnh các lực lượng của Ấn Độ và Trung Quốc đang đối đầu căng thẳng tại Ladakh.

Tham gia tập trận có tàu khu trục HMAS Hobart của Australia và khinh hạm tàng hình INS Sahyadri cùng tàu hộ tống INS Karmuk của Ấn Độ. Cuộc tập trận cũng sẽ có sự tham gia của các trực thăng hải quân hai nước, trong khi Ấn Độ còn triển khai cả máy bay tuần tra biển tầm xa P-8I.

Theo người phát ngôn của Hải quân Ấn Độ, cuộc tập trận phản ánh mối quan hệ song phương Ấn Độ-Australia ngày càng bền chặt. (Nguồn: TOI)

Times of India dẫn lời người phát ngôn của Hải quân Ấn Độ Vivek Madhwal cho biết: “Cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng phối hợp tác chiến, sẽ bao gồm các cuộc diễn tập chống hạm và phòng không trong đó có khai hỏa vũ khí, diễn tập trên tàu, thao dượt hải quân và đáp máy bay trên boong tàu của nhau”.

Cuộc tập trận này “phản ánh mối quan hệ song phương Ấn Độ-Australia ngày càng bền chặt với tư cách là các đối tác chiến lược toàn diện, đặc biệt là trong hợp tác quốc phòng về hàng hải”.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc mời Australia tham gia cuộc tập trận Malabar lần thứ 24 vào cuối năm nay. Nhật Bản thường xuyên tham gia cuộc tập trận hải quân quy mô lớn này giữa Ấn Độ và Mỹ kể từ năm 2015.

Nếu Australia được mời, nhóm “Bộ Tứ” vốn có lợi ích chung trong việc xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và ổn định nhằm ngăn chặn Trung Quốc bành trướng, chắc chắn sẽ được bổ sung thêm yếu tố quân sự.

Trước đó, Ấn Độ đã rút lui khỏi tập trận quân sự Kavkaz-2020 (Caucasus-2020) tại Nga với các đối tác gồm Trung Quốc, Iran, Belarus, Armenia, Myanmar và Pakistan. Tập trận khai mạc hôm 21/9 với sự tham gia của hơn 80.000 người thuộc lực lượng chiến đấu, lực lượng hậu cần và lực lượng bảo đảm kỹ thuật cùng các quốc gia đối tác.