Từ những ngày đầu Xuân này, được sự cho phép của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hòa Bình, sự nhất trí của cộng đồng dân tộc Mường, cùng sự chỉ đạo của Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng Văn hóa), những người Mường ở tỉnh Hòa Bình đã tổ chức cuộc sống sinh hoạt và buôn bán tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô – Hà Nội).
Hoạt động này nhằm giới thiệu với du khách trong và ngoài nước những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Đó là cồng chiêng Mường, là nghệ thuật bắn nỏ, ném còn… cũng như trưng bày và bán sản phẩm thổ cẩm, rượu cần. Đặc biệt, du khách được giới thiệu về bếp lửa - linh hồn chính trong ngôi nhà sàn của người Mường.
Trong 54 dân tộc của Việt Nam, người Mường (còn có tên gọi Mol, Mual, Moi) có dân số hơn một triệu người. Người Mường có chung nguồn gốc với người Việt cổ, cư trú ở nhiều tỉnh phía Bắc, tập trung đông nhất là ở tỉnh Hòa Bình và một số huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Bản sắc văn hóa của dân tộc Mường gắn liền với nền văn hóa Hòa Bình, ra đời cách đây hơn một vạn năm.
Trang phục cũng như tạo hình và phong cách thẩm mỹ trên trang phục của người Mường có đặc trưng riêng. Đàn ông thường là mặc áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, có hai túi dưới hoặc thêm túi trên ngực trái. Người phụ nữ Mường thường mặc áo ngắn (pắn). Đây là loại áo cánh ngắn, xẻ ngực, thân ngắn hơn áo cánh của người Kinh, ống tay dài. Váy của phụ nữ Mường là váy đen dài, đầu váy được trang trí bằng những hoa văn thổ cẩm nổi bật do người con gái Mường tự dệt nên. Chiếc váy còn rất ấn tượng khi cạp váy ôm sát thân, cạp hoa phô trước ngực, thắt lưng đầu chít khăn xanh hoặc trắng, tất cả đều tạo nên sự duyên dáng của người phụ nữ Mường.
Nghề thủ công tiêu biểu của người Mường là dệt vải, đan lát và ươm tơ. Nhiều phụ nữ Mường dệt thủ công với kỹ thuật khá tinh xảo, tạo nên nguồn thu nhập phụ đáng kể cho gia đình. Cồng chiêng là nhạc cụ đặc sắc của người Mường, với đầy đủ các âm thanh cơ bản. Có bảy chiếc cồng từ lớn đến bé, tương ứng với bảy nốt nhạc. Trò chơi của người Mường gần gũi với tất cả mọi người. ..
Dưới đây là một số hình ảnh về những hoạt động sinh hoạt của đồng bào dân tộc Mường tại Làng Văn hóa.
Người Mường thường sống tập trung thành làng xóm ở chân núi, bên sườn đồi, nơi đất thoải gần sông suối… |
Các du khách mặc đồ truyền thống Mường chụp ảnh ngày Xuân |
Du khách học cách dệt vải của người Mường |
Chị Bùi Thị Lan Phương giới thiệu mặt hàng thổ cẩm |
Anh Đinh Công Sằn chơi Cồng chiêng cho du khách thưởng thức. |
Du khách thích thú khi được giới thiệu về Bếp lửa – linh hồn chính trong ngôi nhà sàn của người Mường |
Du khách chơi trò ném còn... |