Đại sứ Meirav Eilon Shahar tại Hội thảo kinh tế và giới thiệu sách của Giáo sư người Israel Shlomo Maital. |
Trong hai năm qua, tôi đã tham dự ít nhất hai lần Sứ quán phối hợp giới thiệu các cuốn sách viết về Israel. Xin hỏi tại sao Đại sứ lại chọn cách dùng sách để quảng bá về hình ảnh Israel tại Việt Nam?
Tôi đến Việt Nam đã được hai năm rưỡi và tôi nhận ra rằng ở Việt Nam có rất ít người biết về lịch sử, về đất nước Israel hiện đại, ngoài một số thông tin về sự phát triển của khoa học nông nghiệp của Israel. Tôi cho rằng sách là một hình thức rất hiệu quả để quảng bá về đất nước Israel. Thực sự tôi rất hài lòng với những phản hồi từ sau những lần giới thiệu cuốn sách đầu tiên Israel - Quốc gia khởi nghiệp nên sau đó chúng tôi tiếp tục với hai cuốn sách khác về lịch sử và kinh tế.
Hiện chúng tôi đang có kế hoạch giới thiệu cuốn sách đầu tiên trong lĩnh vực văn học. Đó là cuốn truyện ngắn của một tác giả có tên tuổi. Văn học cũng là một cách để chúng tôi giới hiệu về văn hóa, đất nước, con người Israel và đó là những lý do chúng tôi chọn cuốn sách này.
Vậy còn những cuốn sách cho năm 2015?
Sách thực sự là một cách hiệu quả giúp cho người đọc có thể hiểu chúng tôi hơn theo nhiều khía cạnh khác nhau. Năm 2015, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục triển khai hình thức này. Để có thể phát hành được nhiều sách về Israel tại Việt Nam, trước hết cả hai bên đều phải có sự quan tâm tới lĩnh vực này. Ngoài ra, tôi nghĩ rằng chúng ta nên có những thỏa thuận để các nhà xuất bản của Israel và Việt Nam có thể dịch, xuất bản những cuốn sách mới của chúng tôi.
Sẽ có một cuốn sách nữa về Israel được giới thiệu vào đầu năm 2015. Đó là cuốn sách do người Việt Nam viết, về Chủ nghĩa Do Thái. Đây có lẽ là cuốn sách đầu tiên về Chủ nghĩa Do Thái ở Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ giới thiệu thêm những cuốn sách khác, có thể là về trẻ em, tiếp đó là cuốn sách mà các doanh nghiệp Isarel muốn xuất bản về đề tài sáng tạo. Chắc chắn, sách vẫn là chìa khóa đầu tiên mà tôi nghĩ đến khi muốn giới thiệu về đất nước chúng tôi.
Qua những cuốn sách đó, Đại sứ muốn giới thiệu hình ảnh đất nước Israel như thế nào tới độc giả Việt Nam?
Các nước, kể cả Việt Nam, đều muốn giới thiệu không chỉ những cảnh đẹp mà còn có những yếu tố văn hóa, con người, ẩm thực, âm nhạc, lịch sử… Lịch sử lâu đời của Israrel vẫn ảnh hưởng đến xã hội ngày nay. Chúng tôi có một nền văn hóa đa dạng vì chúng tôi là đất nước của người nhập cư. Văn hóa ở đây bao gồm cả âm nhạc, phim ảnh, ẩm thực, lễ hội... Israel cũng có địa lý rất đặc biệt. Chúng tôi có sa mạc ở phía nam, còn ở bắc lại giống như Thụy Sỹ có tuyết và rất lạnh. Chúng tôi có công nghệ phát triển không chỉ trong nông nghiệp mà trong cả ngành y, dược…
Ở Việt Nam, hai năm rưỡi qua tôi đã cố gắng giới thiệu nhiều điều về đất nước Israel. Bạn có thể thấy điều này thông qua cuộc thi Tìm hiểu về Israel trên Facebook của Sứ quán mà chúng tôi thực hiện trong sáu tháng qua. Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều cho cuộc thi này. Với các câu hỏi, bạn sẽ phải tìm kiếm, nghiên cứu rất nhiều. Đó cũng là một cách để chúng tôi kết nối với người Việt Nam.
Vậy Đại sứ có thể nói thương hiệu quốc gia của Israel là gì?
Những gì chúng tôi muốn giới thiệu về Israel là một đất nước trẻ (young), mạnh mẽ (vibrant) và sáng tạo (creative). Và chúng tôi làm điều này từ những thứ nhỏ nhất.
Đại sứ có lời khuyên nào cho việc định vị thương hiệu quốc gia của Việt Nam?
Người Israel ngày nay biết rất nhiều về Việt Nam, một phần do nhiều khách du lịch rất thích đến Việt Nam. Thực ra, nhiều người Israel biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, biết đến cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của Việt Nam. Thủ tướng đầu tiên của Israel đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946. Gần đây, tại Israel có chương trình truyền hình dài một tiếng đồng hồ về ẩm thực Việt Nam…
Bởi vậy, tôi cho rằng Việt Nam không chỉ có chiến tranh. Hiện giờ mỗi khi nghĩ đến Việt Nam, người ta sẽ nghĩ đến những cánh đồng lúa, về Vịnh Hạ Long, về văn hóa, ẩm thực…
Ngày càng nhiều nhà kinh tế coi Việt Nam là một điểm đến kinh tế hấp dẫn. Các lĩnh vực hợp tác kinh doanh cũng đa dạng hơn, ngoài khoa học nông nghiệp còn là thời trang, giáo dục, xây dựng năng lực, y tế… Việt Nam đang được coi là một thành viên quan trọng trong ASEAN.
Quá khứ đã lùi xa. Israel chúng tôi cũng có chiến tranh, ít nhất là báo chí cũng nói nhiều đến điều này. Chúng tôi đang muốn thay đổi suy nghĩ đó, cũng giống như các bạn, bởi Việt Nam có nhiều điều để nói hơn là chiến tranh. Nhưng phải đến, phải khám phá thì mới hiểu được điều đó. Chính vì vậy nên vừa rồi chúng tôi đã tổ chức một đoàn đại biểu gồm 12 lãnh đạo các trường đại học hàng đầu của Việt Nam đến Israel để tìm kiếm cơ hội hợp tác, có thể bắt đầu bằng việc gửi sinh viên tham gia hoạt động nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, hóa học… Đó là cách chúng ta có thể hiểu nhau hơn, có quan hệ gần gũi hơn.
Nguyễn Kim (thực hiện)