📞

San Diego và "cuộc chiến nước sạch"

14:41 | 09/03/2017
Dự án nước sạch đầy tham vọng của thành phố San Diego (Mỹ) nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước sạch chính là tái chế... nước thải.

San Diego (bang California) là một thành phố có nhu cầu sử dụng nước rất lớn. Khoảng 85% nguồn cung nước sạch của thành phố này đến từ những vùng cách đó hàng trăm kilomet. Chính quyền thành phố đã phát triển một kế hoạch để đảm bảo nguồn cung này bằng cách sử dụng công nghệ để biến nước thải thành nước sạch phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân.

Với nhà máy xử lý nước thải hiện đại, chính quyền San Diego hy vọng sớm giải quyết được vấn đề nước sạch cho người dân. (Nguồn: City of San Diego)

Vấn đề cấp thiết của thành phố

Dự án trị giá 3 tỷ USD mang tên "Nước tinh khiết" được triển khai từ năm 2011, với một nhà máy có năng lực xử lý và cung cấp 3,7 triệu lít nước mỗi ngày. Dự án này được kỳ vọng có thể góp phần giảm bớt chi phí mua nước sạch của San Diego trong những năm gần đây - khi giá nước đã tăng gấp ba lần so với cách đây 15 năm. 

Phó Giám đốc Sở Công chính thành phố San Diego - ông Brent Eidson cho biết: "Nguồn nước của chúng tôi được xử lý qua 5 công đoạn, do đó chất lượng nước được đảm bảo. Nước không có mùi vị lạ hoặc bất cứ tạp chất gì còn lại trong đó". Ông Eidson cho biết, chính quyền thành phố gần đây đã quyết định cần nhanh chóng “tăng tốc” chương trình, nhằm đạt mục tiêu hoàn toàn tự cung tự cấp về nước.

Nguồn nước chính của San Diego là sông Colorado và vùng Vịnh Bắc California. Trong lịch sử, sông Colorado đã từng bị cạn nước trong một trận hạn hán nặng. Theo ước tính của một nghiên cứu mới đây, với những tác động làm ấm lên của biến đổi khí hậu, lưu lượng của nó có thể giảm tới 35% vào năm 2100.

Những đợt mưa bão lớn gần đây gây ra lũ lụt khắp bang California đã bổ sung rất nhiều cho nguồn cung  nước. Nhưng ông Eidson cho biết: "Những đợt hạn hán ở California có tính chu kỳ, trở nên lâu hơn và khó dự đoán hơn khi nào chúng sẽ xảy ra. Lượng nước của các con sông chịu ảnh hưởng lớn từ tác động của biến đổi khí hậu".

Vùng đồng bằng Bắc California có những nguy cơ rủi ro riêng, phần lớn là do thiên tai, thí dụ như một trận động đất lớn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Ông Eidson nói: "Các đê chắn sóng dọc theo bờ biển của thành phố đã xuống cấp và cần được củng cố. Nếu đê vỡ, nước mặn từ biển có thể xâm nhập vào nguồn nước ngầm một cách đáng kể. Điều đó có thể dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch nghiêm trọng".

Hiện toàn bộ lượng nước thải của San Diego sau khi xử lý được xả ra biển. Tuy nhiên, khi Dự án "Nước tinh khiết" đi vào hoạt động, lượng nước này sẽ đi theo chu trình kín, không còn gây tác động đến môi trường biển.

Người dân uống thử nước trực tiếp từ vòi tại nhà máy xử lý nước thải. (Nguồn: City of San Diego)

Thay đổi nhận thức người dân

Biến nước thải thành nước sạch đã khó, thuyết phục người dân sử dụng nước tái chế còn khó hơn. Ông Eidson cho biết: "Nhờ các chiến dịch truyền thông của thành phố, như tour đi thăm cơ sở xử lý nước của dự án và uống thử miễn phí, nhận thức của người dân đã thay đổi đáng kể”.

Hiện nay, nhiều nơi trên thế giới đã sử dụng nước tái chế cho sinh hoạt. Theo USA Today, Singapore đã đẩy mạnh việc tái chế nước thải như là một giải pháp cần thiết để thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn nước cung cấp từ Malaysia. Trong khi đó, theo Viện Trái Đất của Đại học Columbia thì thủ đô Windhoek của Namibia đã thực hiện tái chế nước thải từ năm 1969.

Ở ngay chính bang California, quận Cam đã khai trương nhà máy xử lý nước thải của mình từ năm 2008. Chính quyền San Diego dự định đến năm 2018 sẽ xây dựng thêm một cơ sở lọc nước tinh khiết ở phía Bắc thành phố. Dự kiến, cơ sở này có khả năng tái chế 1,1 triệu lít nước thải hàng ngày, chiếm khoảng 1/3 nguồn cung nước cho thành phố.

(theo The Atlantic)