Chương trình nghệ thuật phục vụ khách du lịch. (Nguồn: Kinh tế & Đô thị) |
Chủ trương phối hợp giữa nghệ thuật biểu diễn với ngành Du lịch của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã có, thế nhưng cái bắt tay thực sự bằng các hợp đồng ký kết hay mua bán các sản phẩm nghệ thuật để đưa vào tour... vẫn còn quá xa. Cùng chung nỗi niềm đưa nghệ thuật tiếp cận gần hơn với khán giả, đặc biệt là giới thiệu nghệ thuật truyền thống với khách quốc tế, các nhà hát đã phải tự nghĩ “kế” để tiếp thị và đi tắt đón đầu bằng nhiều phương thức.
Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam - NSND Nguyễn Tiến Dũng cho biết, trước thực tế nhiều đơn vị nghệ thuật mở ra các chương trình biểu diễn Múa rối nước truyền thống, dẫn tới sự cạnh tranh lớn, Nhà hát đã thử nghiệm thành công một số chương trình, vở diễn theo hình thức mới kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa Rối nước và Rối cạn. Nhiều tác phẩm như: “Hồn quê”, “Đồng vọng rối Việt”, “Trê và Cóc”, “Âm vang đồng quê”, “Trăng đất Việt”, “Thân phận nàng Kiều”... đã mang đến một diện mạo mới cho nghệ thuật Múa rối.
Hiện, Nhà hát có 5 sân khấu biểu diễn nằm trong khuôn viên 361 Trường Chinh, Hà Nội. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, Nhà hát đã thực hiện được 300 suất diễn, trong đó có 200 suất phục vụ Hội chợ thế giới 2020 Dubai và 100 suất tại sân nhà. Điều đáng mừng là có những thời điểm cả 3 sân khấu của Nhà hát đều cùng sáng đèn.
Vừa qua, tại cuộc Tọa đàm “Sân khấu truyền thống kết nối với du lịch” do CLB Nhà báo Sân khấu thuộc Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam vừa tổ chức, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn hào hứng chia sẻ về sức hút của Tuồng với du khách tại Phố đi bộ Hồ Gươm: “Nhà hát vẫn diễn vào tối thứ Hai, thứ Năm.
Chúng tôi đã kết nối với Ban quản lý phố cổ và Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm để biểu diễn cho du khách. Họ cũng nhận thấy đây là một sản phẩm tốt cho du lịch, nên hết dịch là bắt tay với chúng tôi ngay”. Nhưng cái bắt tay này vẫn chưa hẳn là ra tiền, ra các tour đi xem nghệ thuật Tuồng cho Nhà hát.
Trong khi đó, Nhà hát Cải lương Việt Nam hiện vẫn phải bươn chải để mưu sinh, chưa thể làm được sản phẩm phục vụ du lịch. Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam - NSND Triệu Trung Kiên cho biết, họ cũng kết hợp với Liên đoàn Xiếc Việt Nam để ra những vở Cải lương - Xiếc với cách thể hiện mới theo mô hình nổi tiếng Cirque du Soleil của Canada. “Nhà hát Cải lương chúng tôi phải đi kiếm tiền tại các tỉnh, chưa dám mơ ước gì cao xa. Mô hình phục vụ du lịch chắc phải vài năm tới” - ông Kiên cho hay.
Tin liên quan |
Lễ khai mạc Festival Huế 2022 - Bản hòa ca văn hóa nghệ thuật |
Thực tế trên cho thấy, dù khó thu hút du khách quốc tế tới Nhà hát, nhưng khi mang các tiết mục nhỏ lẻ vào biểu diễn miễn phí tại các không gian công cộng thì các loại hình sân khấu truyền thống của Việt Nam lại luôn nhận được hưởng ứng từ du khách trong và ngoài nước.
Có nghĩa, sự “lận đận” đang có không hẳn là vấn đề về chất lượng của các loại hình sân khấu truyền thống. Tuy nhiên, với các sân khấu công cộng thì các chương trình thường mang nặng yếu tố quảng bá, khó lòng có thể bán vé tạo được nguồn thu. Chưa kể, với lòng tự trọng các nghệ sĩ cũng khó lòng “ngửa mũ” xin tiền khán giả tại các chương trình này.
Về vấn đề này, theo NSND Triệu Trung Kiên cho rằng, nếu ngành văn hóa xây dựng một tổ hợp vui chơi giải trí nghệ thuật tập hợp được nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam sẽ mở ra cơ hội trọng việc kết nối với du lịch.
Các nhà hát hiện nay không thể đáp ứng được nhu cầu của quá trình công nghiệp hóa sân khấu và đưa ra những sản phẩm du lịch thực sự. Việc bê nguyên si các trích đoạn kinh điển bị không ít du khách phàn nàn về nhịp điệu, tiết tấu chậm rãi và kéo dài lê thê. Vì thế, sản phẩm sân khấu chào bán theo tour tuyến cần phải được tính toán. Có thể thấy các đơn vị nghệ thuật còn đứng cách du lịch một quãng rất xa.
Về điều này, giới nghề cho rằng, họ mong chờ Bộ VHTT&DL hỗ trợ làm chương trình cũng như marketing để cú bắt tay sân khấu - du lịch chặt chẽ hơn. Tổng cục Du lịch đã tổ chức một số cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa các công ty lữ hành với các nhà hát, tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện Tổng cục, các đối tác lữ hành chưa thật sự thấy được ý nghĩa của việc đưa ra những chương trình hay, chất lượng để du khách cảm nhận được giá trị tuyệt vời của nghệ thuật truyền thống Việt Nam.
Ngay đội ngũ hướng dẫn viên du lịch cũng thiếu những người am hiểu chuyên sâu để quảng bá cho từng loại hình sân khấu truyền thống. Điều quan trọng nhất hiện nay là sự phối hợp “ăn ý” giữa cơ quan quản lý với những đơn vị đang điều phối thị trường để từ đó đưa ra sự lựa chọn, hoạch định phù hợp cho từng nhóm, từng loại hình nghệ thuật.
| Cao Bằng, Bắc Kạn và Hà Giang sáng tạo mô hình mới liên kết quảng bá sản phẩm du lịch Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, ngành du lịch đã mở cửa, phục hồi; tuy nhiên, để phát triển nhanh, bền ... |
| Quảng Ninh 'tung' nhiều sản phẩm du lịch mới, sẵn sàng đón mùa Hè bùng nổ Ngành du lịch Quảng Ninh đang nỗ lực làm mới các sản phẩm du lịch, đảm bảo chất lượng dịch vụ, chuẩn bị các kế ... |