Theo khảo sát trên, nguồn cung dầu của OPEC đã tăng từ mức đã điều chỉnh 33,53 triệu thùng/ngày của tháng Tám vừa qua lên 33,6 triệu thùng/ngày vào tháng Chín; trong đó Iraq và Libya dẫn đầu trong việc gia tăng sản lượng này.
Cụ thể, Công ty dầu mỏ quốc gia Iraq (SOMO) và vùng bán tự trị ở Kurdistan đã bắt đầu cùng tái xuất khẩu dầu thô từ mỏ Kirkuk, đẩy sản lượng dầu của Iraq cung cấp cho thị trường lên 4,43 triệu thùng/ngày vào tháng Chín.
Bên cạnh đó, Tổng Công ty dầu mỏ quốc gia Libya đã mở cửa trở lại ba cảng bị phong tỏa trước đây, cho phép AGOCO (một chi nhánh của Tổng Công ty dầu mỏ quốc gia Libya) hoạt động chủ yếu ở miền Đông Libya gia tăng sản lượng.
(Nguồn: EPA) |
Trong khi đó, Saudi Arabia đã cắt giảm sản lượng từ mức cao kỷ lục hồi đầu mùa Hè năm nay. Hiện không có tín hiệu tăng sản lượng nào từ phía Nigeria, khi các cuộc tấn công vào các cơ sở dầu khí đã hạn chế sản lượng dầu của nước này. Nhưng sản lượng của nước này có thể gia tăng vào tháng 10 này nếu các nỗ lực nối lại hoạt động xuất khẩu dầu thô từ Qua Ihoe và Forcados thành công.
Nguồn cung của Iran, thành viên OPEC có sản lượng dầu mỏ tăng nhanh nhất đầu năm nay sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây được dỡ bỏ, ít biến động trong tháng Chín vừa qua với sản lượng đã gần chạm mức trước khi bị phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, Tehran vẫn đang tìm kiếm đầu tư nhằm đẩy sản lượng dầu mỏ lên cao hơn.
Tại cuộc họp bên lề Diễn đàn Năng lượng Quốc tế lần thứ 15, diễn ra ở Algeria hôm 28/9 vừa qua, các thành viên OPEC đã đồng thuận cắt giảm sản lượng xuống 32,5-33 triệu thùng/ngày nhằm bình ổn thị trường.
Tuy nhiên, sản lượng dầu mỏ của OPEC gia tăng có thể làm dấy lên hoài nghi về khả năng phân bổ hạn ngạch sản lượng mới OPEC vẫn để ngỏ cho đến cuộc họp chính thức vào cuối tháng 11 tới tại Vienna của Áo.