Theo Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, bản thân ngành du lịch cần chuyển biến, thay đổi tư duy. |
Dịch Covid-19 đã gây tổn thất nặng nề cho ngành du lịch. Vì vậy, bản thân ngành cần chuẩn bị những giải pháp gì để phục hồi cũng như thích ứng trong trạng thái bình thường mới?
Theo tôi, sản phẩm phải thay đổi. Nếu cứ tiếp tục làm du lịch như thời chưa có Covid-19 sẽ không còn phù hợp nữa. Bản thân ngành du lịch cần chuyển biến, thay đổi tư duy.
Nếu đi tour tuyến theo một hành trình cố định, yêu cầu du khách chỉ “án binh bất động” trên xe, thời gian trói buộc thì không hấp dẫn. Vậy nên, sản phẩm đó sẽ phải thay đổi vì người ta sẽ không còn đi du lịch như thế nữa.
Chúng ta phải thay đổi sản phẩm phù hợp. Ví dụ, khi cung cấp dịch vụ giải trí, phải có không gian thông thoáng, không gian đó phải thiết kế lại để phù hợp với điều kiện giãn cách cần thiết. Hơn nữa, cần thay đổi sản phẩm ra sao, để phòng trường hợp kể cả số lượng người xem ít nhưng không bị thua lỗ.
Đồng thời, tạo ra các nguồn thu mới, không phụ thuộc vào những sản phẩm truyền thống. Từ các nhu cầu, theo tôi, cần tạo ra các trải nghiệm sản phẩm sao cho họ có cảm giác an toàn khi đến. Hay cơ sở dịch vụ phải thiết kế không gian làm sao để tạo cảm giác an toàn, mức độ quan tâm về độ an toàn của khách cũng như những người làm dịch vụ. Tức là, điều đầu tiên phải chú ý là sản phẩm du lịch.
Thứ hai, phải tạo ra điều kiện để thay đổi linh hoạt tình huống về cấp độ dịch. Ví dụ, vùng xanh, khách du lịch đến thoải mái nhưng vì tình huống nhất định nào đó, bất ngờ chuyển thành vàng, thì hệ thống, dịch vụ du lịch ở địa phương đấy cũng phải chuyển biến linh hoạt mới phù hợp.
Nghĩa là, làm gì cũng phải minh bạch, rõ ràng để người đi du lịch nắm được, nằm lòng được các quy định, không ngạc nhiên hay bị sốc. Cụ thể, du khách khi đến vùng xanh họ sẽ được làm như thế nào; hoặc họ biết nếu hạ cánh xuống vùng đó mà bất ngờ chuyển sang màu vàng thì sẽ phải làm cái gì?
Tóm lại, cần minh bạch, rõ ràng các thông tin cũng như quy định thì mọi người đều có thể sống linh hoạt với nó, chấp nhận những điều kiện nhất định, cụ thể trong cấp độ dịch. Tất cả chính sách phải rõ ràng, cập nhật với khách du lịch cũng như các đơn vị phục vụ du lịch. Từ đó, sẽ lành mạnh hóa, minh bạch hóa thị trường tại đây. Để người ta biết được làm gì, không được làm gì, tránh lúng túng và hoang mang không cần thiết.
Sản phẩm du lịch cần thay đổi trong trạng thái bình thường mới. (Nguồn: Đại đoàn kết) |
Nhu cầu đi du lịch của khách quốc tế cũng như nội địa đã thay đổi do tác động của đại dịch. Đồng thời, sự phát triển của công nghệ đòi hỏi các doanh nghiệp phải nắm bắt, đáp ứng trong các khâu dịch vụ thế nào? Cần chú trọng chuyển đổi số trong khai thác sản phẩm du lịch ra sao thể bắt kịp xu thế, thưa ông?
Có lúc chúng ta đầu tư về chuyển đổi số chưa đúng mức, có lúc lại nhìn quá khó khăn, phức tạp. Ví dụ, chuyển đổi số của một khách sạn là như thế nào để làm sao liên thông với hệ thống booking, hệ thống quản lý kiểm soát được các điều kiện trong khách sạn. Đồng thời, quản lý người vào ra, đăng ký và kiểm soát việc du khách có kết nối được với các dữ liệu cần thiết hay không?
Như hiện nay, chúng ta mới có dữ liệu nhập cảnh chứ dữ liệu đã miễn nhiễm, đã tiêm vaccine, dữ liệu đã khỏi bệnh thì làm thế nào để kết nối được, vậy làm sao để kiểm soát. Câu chuyện về chuyển đổi số theo tôi phải kết nối các dữ liệu.
Đó là chưa kể, còn nhiều bất cập, chúng ta áp dụng giải pháp công nghệ, có công cụ rồi nhưng thực tế vẫn đang làm rất thủ công. Cụ thể, chúng ta vẫn điền bằng tay trên giấy rồi đưa cho nhân viên ở các điểm check in nhập dữ liệu bằng tay, thế thì còn gì là chuyển đổi số?
Chuyển đổi số là toàn bộ trải nghiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ và khách hàng đều trên nền tảng số. Bản thân tôi khi về Lào Cai, Lai Châu, bên cạnh quét PC-COVID thì vẫn phải điền mẫu vào sổ bằng tay, ghi tên vào sổ, tôi băn khoăn như vậy thì chuyển đổi số cái gì?
Mới đây, tôi đi họp tại một đơn vị ngân hàng. Tôi đã xét nghiệm Covid-19 ở Medlatec. Medlatec gửi cho tôi đường link, chỉ cần check đường link đó để vào web của Medlatec để chứng minh là mình âm tính. Thế nhưng, người bảo vệ không đồng ý. Họ chỉ chấp nhận cái giấy chứng nhận đóng dấu đỏ. Vậy, khi mở cửa du lịch, làm sao có thể yêu cầu người nước ngoài mang theo một đống giấy tờ, đi đến đâu cầm đến đấy để trình báo.
Tôi cho rằng, các hệ thống quản lý, hệ thống đăng ký phải kiểm soát trên nền tảng số để giảm thiểu sự phiền toái của khách du lịch thì mới hấp dẫn người ta đến nước mình, nhất là trong giai đoạn khó khăn này.
Một điều cũng khá quan trọng, đó là cần vùng xanh an toàn cho du khách. Vậy vùng xanh đó cần đạt được những tiêu chí gì, thưa ông?
Thứ nhất, tỉ lệ tiêm vaccine phải đạt ở mức độ cao, thậm chí với người lớn đủ điều kiện phải phủ ngưỡng 100%.
Thứ hai, chính sách về 5K phải được quán triệt và thực hiện nghiêm túc để phòng tránh nguy cơ.
Vậy thì người dân hiểu họ phải như thế nào, đứng cách du khách bao nhiêu mét, trong một không gian nhất định chỉ được bao nhiêu người… Tất cả cái đó phải được đưa ra thành những chính sách rất cụ thể để ai cũng biết hành xử như thế nào và phải thiết kế theo trong nơi đón khách du lịch. Tức là, vấn đề đầu tiên mà chính sách du lịch cần có là tạo ra môi trường an toàn.
Thứ ba, một điều cũng quan trọng không kém là hệ thống y tế lưu động phải linh hoạt trong ứng biến, phải được trang bị đủ điều kiện về kiến thức, tư vấn. Họ có khả năng tư vấn trong các trường hợp cụ thể như F0, F1 thế nào và cung cấp thuốc, hướng dẫn chăm sóc y tế trong những tình huống nhất định.
Đội y tế lưu động đó được hiểu là đội phản ứng nhanh, gồm bác sĩ, y tá có thể đến ngay điểm phát hiện ra ca dương tính, đưa ra tư vấn một cách khoa học để du khách biết phải làm như thế nào? Hỗ trợ du khách những kiến thức nhất định để xử lý và có thể chuyển họ lên tuyến trên khi cần.
Những vấn đề đó tưởng nhỏ nhưng lại rất cần thiết để tạo ra vùng xanh. Xanh tức là chúng ta có thể thích ứng linh hoạt trong điều kiện số lượng ca nhiễm được kiểm soát, số ca nặng được kiểm soát chứ không phải vùng xanh có nghĩa là không có Covid-19. Vấn đề quan trọng làm sao thích ứng linh hoạt, có thể sống chung với dịch nhưng không gây rủi ro lớn cho cộng đồng.
Xin cảm ơn ông!
| Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh: Còn nhiều rào cản về kỹ thuật trong mở cửa du lịch Chia sẻ với báo Thế giới & Việt Nam, Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh (Chủ tịch Công ty Le Bros) cho rằng, đường ... |
| Chuyên gia y tế Phạm Đức Phúc: Không phải học sinh đến trường mới có nguy cơ lây nhiễm bệnh Chia sẻ với báo TG&VN, TS. Bác sĩ Phạm Đức Phúc, chuyên gia y tế công cộng, Điều phối viên Mạng lưới Một sức khỏe ... |