📞

'Sáng kiến an ninh dữ liệu toàn cầu' hay 'phản đòn' của Trung Quốc

Hà Linh 08:15 | 10/09/2020
TGVN. Trung Quốc vừa đưa ra Sáng kiến trên, phải chăng nhằm đối phó với những chỉ trích và phong trào tẩy chay các sản phẩm và dịch vụ công nghệ “made in China”?
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị công bố “Sáng kiến an ninh dữ liệu toàn cầu”. (Nguồn: Global Times)

Ngày 8/9, tại Hội thảo trực tuyến quốc tế về quản trị số toàn cầu, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị công bố “Sáng kiến an ninh dữ liệu toàn cầu”, được cho là nhằm thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế về bảo mật dữ liệu một cách “toàn diện, khách quan và dựa trên bằng chứng”.

Trung Quốc cho biết kinh tế số đang phát triển mạnh ở Trung Quốc và nước này đang nỗ lực đóng vai trò mang tính xây dựng trong các cuộc thảo luận đa phương về an ninh dữ liệu tại các diễn đàn như Liên Hợp quốc, G20, BRICS và ARF.

Thông qua Sáng kiến này, Trung Quốc muốn kêu gọi các nước phản ứng với những hoạt động “giám sát hàng loạt chống lại các quốc gia khác”, đồng thời kêu gọi các công ty công nghệ không cài đặt “cửa hậu” trong các sản phẩm và dịch vụ “nhằm thu thập dữ liệu, kiểm soát hoặc thao túng hệ thống và thiết bị của người dùng một cách bất hợp pháp”. Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định “Các quy tắc an ninh dữ liệu toàn cầu là nguyện vọng của tất cả các bên và tôn trọng quyền lợi của tất cả các bên nên cần được thiết lập trên cơ sở sự tham gia chung của tất cả các bên”. Để thực hiện được điều đó, Sáng kiến của Trung Quốc tập trung trong 8 điểm sau đây.

Các nước cần xử lý vấn đề an ninh một cách toàn diện, khách quan và dựa trên chứng cứ;

Duy trì chuỗi cung ứng mở, an toàn, ổn định đối với các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin;

Các nước cần chống lại những hành vi công nghệ thông tin gây hại hoặc đánh cắp dữ liệu quan trọng hay các cơ sở hạ tầng thiết yếu khác của quốc gia;

Trước những hành động gây rủi ro tới thông tin cá nhân, các nước cần hành động nhằm ngăn chặn, chấm dứt những hành động đó và chống lại việc theo dõi các nước khác, việc thu thập trái phép thông tin cá nhân của các nước khác bằng công nghệ thông tin;

Các công ty cần được khuyến khích tuân thủ luật pháp và quy định của quốc gia nơi công ty đó hoạt động, trong khi đó các nước không nên yêu cầu công ty của mình lưu trữ trong nước những dữ liệu được tạo ra và thu thập ở nước ngoài;

Các nước cần tôn trọng chủ quyền, quyền tài phán và quyền quản trị dữ liệu của các nước khác; không thu thập dữ liệu của các nước khác thông qua các tổ chức, cá nhân mà không được nước kia cho phép;

Các nước cần thu thập dữ liệu nước ngoài thông qua quá trình tương trợ tư pháp hoặc các thỏa thuận song phương, đa phương;

Các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin không cài đặt “cửa hậu” trong sản phẩm, dịch vụ của mình để thu thập trái phép dữ liệu của người dùng; các công ty công nghệ thông tin không lạm dụng sự lệ thuộc của người dùng vào sản phẩm của mình.

Theo ý kiến các chuyên gia nhận xét, đề xuất trên của Trung Quốc rõ ràng nhắm vào Mỹ vì được đưa ra đúng thời điểm Mỹ bắt đầu triển khai chương trình “Mạng sạch” nhằm loại bỏ những ứng dụng được đánh giá là “không tin cậy” có xuất xứ từ Trung Quốc.

Phát biểu của Ngoại trưởng Vương Nghị cũng thể hiện rõ điều này: “Một số quốc gia đơn lẻ đang hung hăng theo đuổi chủ nghĩa đơn phương, vấy nước bẩn vào các quốc gia khác với cái cớ là “sạch sẽ”, và tiến hành những cuộc săn đuổi toàn cầu đối với những công ty hàng đầu của nước khác với cái cớ là an ninh. Đây là hành vi bắt nạt trắng trợn, cần bị phản đối và bác bỏ”.

Ngoại trưởng Vương Nghị không cho biết đã có nước nào tham gia hay bày tỏ hưởng ứng với Sáng kiến này hay chưa. Tuy nhiên, theo tờ Wall Street Journal (Hong Kong), các nhà ngoại giao Trung Quốc đã tiếp cận chính phủ một số nước để tìm kiếm sự ủng hộ đối với sáng kiến này.