Những nguy cơ có thật
Vào cuối 2007 đầu 2008, do e ngại về những cảnh báo không khả quan về thị trường lương thực, nhiều quốc gia trên khắp thế giới đồng loạt ra lệnh ngừng xuất khẩu gạo. Ngay lập tức giá trên thị trường leo thang từ 300 USD/tấn lên hơn 1.100 USD/tấn. Hệ quả của nó là bạo loạn và cướp bóc lương thực đã xảy ra ở một số nước, thậm chí dẫn đến sự sụp đổ của Chính quyền Haiti.
Vừa qua, Nga có lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc đến cuối năm nay. Thậm chí, các nhà phân tích dự báo Nga - quốc gia xuất khẩu lúa mỳ thứ ba thế giới trong năm ngoái, có thể phải nhập ngũ cốc trong năm nay. Theo chân Nga, Ukraine, Kazakhstan cũng đang cân nhắc quyết định tương tự.
Ngoài ra, còn nhiều yếu tố cho thấy cung lương thực thế giới đang thực sự có vấn đề. Thiên tai xảy ra khắp nơi - hạn hán và cháy rừng tại Nga, lũ lụt ở Trung Quốc, Pakistan và Ấn Độ. Gần đây nhất, Báo cáo "Lúa gạo và biến đổi khí hậu" của Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế cũng cảnh báo về sự "u ám", do hậu quả của tan băng, nhiệt độ nóng lên làm mực nước biển có thể tăng khoảng 1 mét vào cuối thế kỷ 21. Hàng triệu hécta đất trồng trọt có nguy cơ bị nhấn chìm, đặc biệt ở châu Á. Bên cạnh đó, việc tăng khí CO2 cũng có thể làm giảm sản lượng gạo. Theo tính toán, nhiệt độ ban đêm tăng 1 độ có thể làm giảm 10% sản lượng lúa gạo.
Thêm vào đó, những cảnh báo về một loạt thảm họa thiên nhiên liên tiếp có thể khiến giá các sản phẩm chính, đặc biệt là ngũ cốc vượt quá khả năng chi trả của nhiều người dân nghèo. Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), ước tính toàn thế giới đang có 1,02 tỷ người thiếu ăn, con số cao nhất kể từ năm 1970.
Nhưng... giá chỉ tăng tạm thời
Các chuyên gia của FAO cho rằng, biên độ giá lương thực hiện nay chỉ là tạm thời và sẽ giảm xuống trong vài tuần tới khi các số liệu lạc quan hơn về sản lượng và tồn trữ.
Tuy có thiên tai ở Nga, Ukraine và Kazakhstan, song các kho dự trữ lương thực sẽ phần nào giúp bình ổn giá. Thêm vào đó, các kho dự trữ gạo sau cuộc khủng hoảng tăng giá năm 2007-2008 hiện có thể đáp ứng mọi nhu cầu với khoảng 90 triệu tấn (40 triệu tấn ở Trung Quốc, 20 triệu tấn ở Ấn Độ và và các nước khác chiếm phần còn lại). Ngay cả Philippines, vốn là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, cũng có 2,5 triệu tấn gạo dự trữ.
FAO vừa cho biết sẽ không hạ dự báo sản lượng và dự trữ lúa mỳ thế giới trong năm nay vì tình hình thất thu ở Nga. Bộ Nông nghiệp Nga cũng đã bác bỏ thông tin Nga phải nhập khẩu 5 triệu tấn ngũ cốc. Việc Nga áp đặt lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc, chỉ để đáp ứng nhu cầu và bảo vệ thị trường nội địa.
“Một OPEC ngũ cốc".
Có một tác động tiềm ẩn đối với giá lương thực nhưng ít được nói tới là hoạt động đầu cơ. Trong thực tế, cung và cầu thực tế nhiều khi bị "ảo hóa" bởi những "tay làm giá".
Trong một báo cáo công bố tháng 6, FAO cho biết, có tới 98% lượng nông sản thể hiện trong các hợp đồng giao sau là "hàng ảo", được mua đi bán lại giữa các nhà đầu tư tài chính không quan tâm tới hàng hóa mà chỉ cần lợi nhuận. Các quyết định mua bán của những nhà đầu tư này tác động mạnh tới giá cả hàng nông sản. Theo tờ Spiegel (Đức), năm ngoái, Goldman Sachs đã kiếm lợi khoảng 5 tỉ USD từ việc mua bán này, Bank of America, Citigroup, Deutsche Bank... cũng không kém. Tờ báo này cho rằng, khi cuộc khủng hoảng tài chính đã lùi vào quá khứ, hoạt động đầu cơ nông sản lại bùng phát mạnh mẽ và điều đó có nguy cơ đẩy giá lương thực lên một kỷ lục mới.
An ninh lương thực của Nga là một nhiệm vụ quan trọng. Mátxcơva cũng đã công khai với thế giới về tình hình thu hoạch. Việc làm này đang góp phần dập bớt sự náo loạn của giới đầu cơ. Nga còn công bố tạo lập "phao" an toàn lương thực, khiến các "tay đầu cơ" tỏ ra lo ngại, nếu các nhà xuất khẩu lớn khác cũng làm theo Nga.
Hành động này của Nga khiến người ta nhắc lại ý tưởng "OPEC ngũ cốc". Báo chí Anh viết về sự cần thiết lập ra hệ thống quốc tế có chức năng điều chỉnh mối quan hệ giữa các nhà xuất khẩu và nhập khẩu ngũ cốc có thể khiến thị trường trở nên phần nào công khai hơn, dễ dự đoán và giúp thế giới thoát khỏi mối đe dọa khủng hoảng mới về lương thực.
Bảo Châu